Gạo lứt là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Nhưng trên thực tế không phải ai cũng biết cách nấu cơm gạo lứt sao cho dẻo, thơm, không bị sượng. Trong bài viết dưới đây Ma Ngoáy sẽ hướng dẫn bạn cách nấu cơm ngon đơn giản ngay tại nhà.
Có những loại gạo lứt nào?
Trên thị trường có nhiều loại gạo lứt và mỗi loại có giá trị dinh dưỡng cũng như cách chế biến khác nhau. 3 loại gạo lứt phổ biến trong cuộc sống:
- Gạo lứt đỏ: giàu Anthocyanin và các chất vi lượng như kẽm, magie, canxi,… Tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch, tốt cho xương. Là thành phần chính trong chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường, mỡ máu, ăn kiêng.
- Gạo lứt nếp: Màu trắng ngà dùng để đồ xôi, ủ rượu nếp.
- Gạo lứt tím (gạo lứt đen): Có màu đen, có khi nhạt màu hơi nghiêng về tím. Đây được xem như siêu ngũ cốc với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người. Gạo lứt đen có hàm lượng đường thấp nhưng lại có rất nhiều chất xơ và hợp chất thực vật. Nó rất tốt cho sức khỏe, giúp hỗ trợ phòng chống bệnh tim mạch và ung thư.
Trong tất cả các loại gạo lứt kể trên, gạo lứt đen và gạo lứt đỏ là hai loại được sử dụng nhiều nhất. Chúng thường được dùng thay thế cơm gạo tẻ thường ngày. Nếu bạn biết cách nấu cơm gạo lứt đúng cách thì độ dẻo, ngọt bùi của cơm cũng được nhiều người yêu thích.
3 cách nấu cơm gạo lứt ngon khó cưỡng
Nếu bạn chưa biết nên nấu gạo lứt như thế nào thì hãy cùng chúng tôi khám phá câu trả lời nhé!
Nấu cơm gạo lứt bằng nồi cơm điện
Gạo lứt có khá nhiều cách để chế biến từ nấu cơm và ăn kèm với các món ăn khác, làm salad, nấu cháo… Nhưng cách nấu cơm gạo lứt là cách được nhiều người chọn nhất. Cách nấu gạo lứt bằng nồi cơm điện cụ thể như sau:
- Bước 1: Vo gạo lứt với nước 1 lần rồi ngâm với một lượng nước vừa đủ (bạn có thể dùng nước ấm). Gạo lứt này bạn ngâm ít nhất 1 giờ. Nếu không vội nấu thì bạn nên ngâm gạo càng lâu càng tốt để gạo mềm, dẻo hơn khi nấu.
- Bước 2: Đổ đi nước ngâm gạo và vo lại gạo lứt thật sạch 1 đến 2 lần. Bạn cho nước vào với tỷ lệ 2 nước: 1 gạo. Tuy nhiên bạn có thể tùy chỉnh lượng nước tùy thuộc vào sở thích ăn cơm của bạn và cả thời gian ngâm gạo. Gạo ngâm càng lâu thì sẽ ngậm càng nhiều nước hơn nên bạn cần cho ít nước hơn để cơm nấu ra không bị nhão.
- Bước 3: Lau sạch nước bên ngoài nồi vào cho vào nồi cơm điện để nấu. Chọn chế độ nấu cơm gạo lứt (brown rice) nếu có hoặc chọn chế độ nấu cơm thông thường rồi bấm nút để nấu.
- Bước 4: Sau khi cơm đã nấu xong và chuyển sang chế độ hâm nóng bạn đảo cơm, trộn cùng 1 thìa dầu ăn. Sau đó bạn ủ cơm tại chế độ này trong khoảng 10 đến 15 phút để cơm được nở đều và ngon hơn.
Nấu cơm gạo lứt bằng nồi thường
Cách nấu cơm gạo lứt bằng nồi thường sẽ cần một ít thủ thuật, mẹ hãy học ngay cách nấu theo những bước sau đây:
- Bước 1: Tương tự như cách nấu bằng nồi cơm điện, mẹ hãy vo sạch gạo và ngâm với nước ấm tối thiểu 45 phút.
- Bước 2: Dùng nồi có nắp đậy kín. Cho gạo đã ngâm và nước vào nồi với tỷ lệ nước 2:1, đun sôi bằng lửa lớn vừa tương tự.
- Bước 3: Khi cơm sôi, mở nắp và nhanh tay xới cơm đều để tránh tình trạng thoát hơi nóng khỏi nồi. Sau đó đậy kín nắp, giảm lửa nhỏ lại và tiếp tục nấu cho đến khi nước cạn vừa tới.
- Bước 4: Để lửa nhỏ khoảng 3 đến 5 phút khi nước cạn vừa tới. Sau 3 – 5 phút, tắt lửa và ủ trong cơm trong nồi trên bếp khoảng 10 phút.
- Bước 5: Xới tơi cơm và dùng bữa.
Cách nấu cơm gạo lứt đơn giản với nồi áp suất
- Bước 1: Rửa sạch gạo lứt và ngâm trong nước sạch 20 tiếng để hạt gạo ngậm đủ nước.
- Bước 2: Bạn lấy gạo ra và cho vào nồi áp suất, thêm lượng nước vừa đủ thường là nước ngập gạo gần 1 đốt ngón tay là được.
- Bước 3: Thêm 1 chút muối vào giúp gạo lứt ăn đậm đà hơn.
- Bước 4: Nồi áp suất có chế độ nấu gạo lứt thì rất đơn giản bạn chỉ cần bật chế độ đó rồi đi làm việc khác là xong. Còn đối với nồi áp suất thường thì bạn bạn bật cho cơm sôi thì bật chế độ warm trong 10 phút sau đó đun khoảng 15 phút nữa là xong.
- Bước 5: Xả áp nồi áp suất và kiểm tra cơm lứt thành phẩm đã chín khô là thành công.
Những công dụng tuyệt vời của gạo lứt có thể bạn chưa biết
Tại phần màng hạt gạo lứt có 9 loại chất dinh dưỡng “độc nhất vô nhị”, không có ở bất kỳ loại ngũ cốc nào khác. Đó là: vitamin E, vitamin B6, IP6, kẽm, mangan, magie, oryzanol, phytosterols, inositol. Ngoài ra, còn có chất béo có lợi, hàm lượng cực lớn chất xơ và hơn 120 chất kháng oxy hóa. Tất cả những dưỡng chất này cực kỳ cần thiết cho việc trao đổi chất và các hoạt động thường ngày của cơ thể.
Nếu muốn biết ăn cơm gạo lứt có tác dụng gì, thì hãy xem ngay dưới đây.
Nâng cao hệ miễn dịch
Sterol và steroid là hai chất có trong màng gạo lứt, giúp chống lại các vi khuẩn gây hại, đẩy lùi virus xấu, từ đó bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể. Đồng thời, màng gạo lứt cũng mang đến những chất dinh dưỡng quan trọng và thiết yếu từ vitamin, khoáng chất giúp cho các cơ quan hoạt động “trôi chảy” để tự bảo vệ cơ thể tốt hơn.
Giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn
Hàm lượng chất xơ rất lớn có trong màng gạo lứt giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động “trơn tru” hơn. Từ đó, giúp cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, đặc biệt tốt cho những người hay bị táo bón, khó tiêu, khó hấp thu dinh dưỡng.
Phòng và hỗ trợ người mắc bệnh tiểu đường
Lượng chất xơ sẽ làm cân bằng chất dinh dưỡng trong cơ thể, góp phần ổn định đường huyết và phòng ngừa tiểu đường. Đồng thời, hàm lượng lớn magie trong màng gạo lứt sẽ làm kích thích tuyến tụy sản sinh nhiều insulin hơn. Insulin sẽ làm quá trình chuyển hóa đường bột nhanh chóng hơn, giảm thiểu nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tốt cho tim mạch và huyết áp
Hàm lượng chất xơ, IP6, omega 3,… trong tinh màng gạo lứt giúp giảm thiểu cholesterol xấu trong cơ thể. Từ đó, có hiệu quả lớn phòng ngừa các bệnh cao huyết áp, tim mạch, ngăn ngừa tai biến và đột quỵ.
Ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư
Ngoài những công dụng trên thì ăn gạo lứt còn có tác dụng gì nữa? Với hơn 120 chất kháng oxy hóa trong cơ thể, ăn gạo lứt còn có thể phòng ngừa sự xâm hại của các gốc tự do – nguyên nhân chính gây ra ung thư. Đặc biệt là phòng ngừa rất tốt ung thư vú, ung thư gan và ung thư ruột kết.
Giảm cân an toàn, hiệu quả
Chất xơ có trong gạo lứt tạo cảm giác nhanh no, lâu đói, giảm thiểu cảm giác thèm ăn. Từ đó, có thể giảm cân hiệu quả. Đồng thời, các vitamin và khoáng chất khác trong gạo lứt cũng khiến cho quá trình chuyển hóa chất béo diễn ra nhanh hơn, điều hòa glucose và hỗ trợ giảm cân nhanh.
Tốt cho xương khớp
IP6 và vitamin K có tác dụng quan trọng trong việc vận chuyển canxi vào xương. Nhờ cung cấp đầy đủ canxi mà xương luôn được chắc khỏe, phòng tránh loãng xương và thoái hóa khớp sớm.
Có nên ăn cơm gạo lứt hằng ngày
Sau khi biết về những công dụng tuyệt vời của gạo lứt đối với sức khỏe, chắc hẳn không ít người sẽ ăn gạo lứt thường xuyên hơn. Vậy ăn gạo lứt nhiều có tốt không? Trên thực tế, bạn có thể ăn gạo lứt hàng ngày nhưng không nên ăn quá nhiều, mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 150 – 200g gạo lứt. Bởi vì nếu ăn quá nhiều gạo lứt sẽ làm phản tác dụng, nhất là khi người dùng mua phải gạo lứt kém chất lượng. Ngoài ra, hạt gạo lứt khá cứng, nếu người ăn không nhai kỹ còn có thể dẫn đến chứng khó tiêu.
Qua bài viết ngắn của Ma Ngoáy chắc hẳn bạn đọc đã biết thêm được những cách nấu cơm gạo lứt ngon dẻo đơn giản tại nhà. Để việc ăn cơm gạo lứt phát huy tối đa công dụng cho sức khỏe bạn cần lưu ý mua gạo chuẩn chất lượng cũng như ăn đúng cách.