Cây rau má không phải cái tên quá xa lạ đối với cuộc sống của chúng ta. Công dụng của rau má vô cùng phong phú đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, bạn có thể chế biến loại cây này thành nhiều món ăn khác nhau đảm bảo cung cấp vitamin khoáng chất cần thiết. Trong bài viết này, Ma Ngoáy sẽ trình bày khái quát về rau má cho bạn đọc tham khảo.
Cây rau má là gì?
Rau má còn được gọi là tích tuyết thảo hoặc lôi công thảo, là loài cây một năm thân thảo, thuộc phân họ Mackinlayoideae của họ Hoa tán (Apiaceae), nguồn gốc từ Australia, các đảo Thái Bình Dương, Melanesia, New Guinea, Malaysia và châu Á. Rau má được sử dụng như một loại rau dùng trong thực phẩm ăn uống hằng ngày.
Rau má có thân gầy và nhẵn, màu xanh lục hoặc lục có ánh đỏ, dạng thân bò lan, ở rễ có các mấu. Các lá hình thận, cuống dài màu xanh, đỉnh lá tròn, gân lá dạng hình chân vịt trơn nhẵn. Lá mọc ra từ cuống, độ dài từ 5-20cm. Rễ có các thân rễ, mọc thẳng đứng.
Hoa rau má màu phớt đỏ hoặc trắng, mọc thành tán nhỏ và tròn gần mặt đất. Mỗi hoa được bao phủ một phần bởi 2 lá màu xanh. Hoa có 2 vòi nhụy và 5 nhị, với 5-6 thùy tràng hoa và là hoa lưỡng tính. Quả hình mắt lưới dày đặc, thường chín sau 3 tháng và tất cả các bộ phận của cây được thu hoạch thủ công.
Tác dụng của cây rau má
Rau má là loại rau đã được nghiên cứu nhiều ở nước ta và trên cả thế giới vì đặc tính quý giá của nó. Tại Việt Nam, công dụng của rau má vô cùng phong phú, có thể kể một số công dụng đặc trưng như:
Giải nhiệt
Rau má giúp giải quyết chứng nóng nảy bứt rứt trong người. Bên cạnh đó, rau má còn có tác dụng chữa rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt,…Bạn có thể dùng rau má tươi 30 – 100g giã hoặc xay lấy nước uống hàng ngày (nếu cẩn thận hãy chần qua nước sôi). Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp rau má với rau sam và kinh giới.
Giải độc
Theo sách Cây rau làm thuốc của Tiến sĩ Võ Văn Chi, nếu ăn nhầm lá ngón, nấm độc hay bị say sắn thì hãy dùng 250g rau má và 250g rễ rau muống để giã nát, hòa với nước sôi uống để giải độc. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng cách này để sơ cứu, sau đó hãy đến ngay bệnh viện để điều trị kịp thời.
Cầm máu
Rau má có công dụng cầm máu trong các trường hợp như chảy máu chân răng, chảy máu cam, thổ huyết, đi tiểu ra máu, đại tiện ra máu vì kiết lỵ, phụ nữ bị băng huyết. Cũng theo sách Cây rau làm thuốc của Tiến sĩ Võ Văn Chi, bạn có thể dùng 30g rau má, cỏ nhọ nồi và lá trắc bá mỗi vị 15g sao lên và sắc nước uống.
Tương tự như dùng rau má để giải độc, bạn chỉ nên dùng những bài thuốc từ rau má để hỗ trợ cho các trường hợp bị ra máu, sau đó đến ngay bệnh viện để được điều trị đúng phương pháp.
Trị ho
Dùng rau má tươi giã lấy nước uống hoặc sắc nước để uống.
Trị tiểu buốt, tiểu rắt
Dùng rau má tươi giã nhuyễn, lấy nước cốt uống.
Chữa cảm nắng, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn
Lấy 1 nắm rau má tươi rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước cốt pha loãng, thêm vài hạt muối và uống. Bã rau má còn lại lấy đắp lên trán và thái dương.
Làm lành vết thương
Một vài báo cáo khoa học cho thấy công dụng của rau má trong việc hỗ trợ làm lành vết thương. Tinh chất chiết xuất từ rau má giúp kích thích việc tuần hoàn máu, tái tạo tế bào, giảm viêm nhiễm và hỗ trợ làm liền sẹo.
Cải thiện các vấn đề về tuần hoàn và da
Các nhà thảo mộc học cho rằng rau má chứa nhân tố trường thọ gọi là “Vitamin X trẻ trung” có tác dụng bổ dưỡng cho não và các tuyến nội tiết và xác nhận rằng nước chiết từ rau má giúp cải thiện các vấn đề về hệ tuần hoàn và da.
Chống oxy hóa
Thành phần beta-caroten, flavonoids, ancaloit, vitamin C,… giúp loại bỏ gốc tự do, ngăn ngừa quá trình ung thư hóa và chống lão hóa, làm tăng tuổi thọ. Đặc biệt, trong một thí nghiệm trên chuột, dịch chiết từ rau má có khả năng làm chậm sự phát triển của khối u, chữa lành được cả khối u dạ dày của chuột.
Tốt cho hệ tim mạch
Hàm lượng chất xơ cao trong rau má làm giảm lượng cholesterol trong máu. Kết hợp cùng hoạt chất Bacoside A kích thích sự bài tiết nitric oxide (NO) của mô làm giãn nở vi động mạch cùng mao mạch, tăng lượng máu di chuyển qua mô nhiều hơn, hạn chế các cơn đau tim.
Thêm vào đó, những hoạt chất khác của rau má còn có tác dụng làm tăng tính đàn hồi của mạch máu và cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, ngăn ngừa các bệnh tĩnh mạch ở các chi dưới.
Tốt cho hệ thần kinh
Hoạt chất Bracoside B trong rau má tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng cường chất trung gian chuyển hóa giúp não bộ hoạt động tích cực hơn, tăng khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ và giảm căng thẳng. Bên cạnh đó, triterpenoids cũng làm giảm bớt sự lo lắng, các dẫn xuất của Asiticoside thì bảo vệ các tế bào thần kinh đối với bệnh Alzeheimer.
Một số món ăn bổ dưỡng chế biến từ cây rau má
Hàm lượng dinh dưỡng trong rau má rất đa dạng và bổ dưỡng cho cơ thể. Vì vậy thay vì sử dụng truyền thống rau má tươi khó uống vì mùi của nó, các bà nội trợ có thể chế biến nhiều món ăn ngon mà vẫn đảm bảo cung cấp vitamin khoáng chất cần thiết cho cơ thể theo nhu cầu mỗi ngày.
Gỏi rau má trộn tôm thịt bò
Nguyên liệu làm món này rất đơn giản, chỉ cần rau má tươi và thịt bò cùng nước trộn gỏi chua cay đã tạo ra được món gỏi rau má ngon dễ ăn. Với vị bùi của rau má và vị ngọt của thịt bò, món gỏi này thích hợp là món khai vị trong bữa ăn.
Canh rau má
Canh rau má được chế biến theo nhiều cách tùy sở thích của mỗi người. Có thể nấu với tôm, hến hoặc thịt lợn xay đều được. Món canh này giải nhiệt tốt, ăn nóng rất ngon, thích hợp làm món canh hằng ngày cho mùa hè.
Chân gà hấp rau má
Nguyên liệu là 4 chân gà, 10g rau má, hành hương, hành lá, muối tiêu hạt nêm. Chân gà rửa sạch ngâm nước muối 10 phút rồi lột bỏ lớp da. Sau đó ướp với hạt nêm 5 phút cho ngấm gia vị. Xêp chân gà, hành lá vào nồi hấp cho chân gà chín rồi thêm rau má, hành hương thái nhỏ vào, tắt bếp đậy kín nắp vung. Cả nhà sẽ được thưởng thức món chân gà với mùi thơm từ rau má và hành xông vào cánh mũi.
Sinh tố rau má nước dừa
Nguyên liệu là 200g rau má tươi, 1 quả dừa, 3 muỗng đường phèn, một ly nước lọc. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần xay rau má, vắt lấy nước bỏ bã, sau đó pha thêm đường và nước dừa tươi, để lạnh thì uống ngon hết sảy mà lại rất thanh mát cho mùa hè.
Trà rau má
Có nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp hiện nay đã sản xuất trà rau má bằng cách khá đơn giản từ rau má tươi, đưa vào lò sấy và sản xuất ra trà. Trà rau má rất tiện dụng để pha uống hằng ngày.
Những lưu ý khi dùng rau má
Rau má còn là một loại thảo dược nên khi sử dụng cần thận trọng như một loại thuốc. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi sử dụng rau má:
Phụ nữ mang thai không nên dùng rau má.
Những người đang mắc bệnh tiểu đường, bệnh gan, tiền sử bệnh tổn thương da, ung thư hoặc người đang dùng một số loại thuốc thì không nên dùng rau má để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Rau má thường được ăn sống hoặc ép trực tiếp lấy nước nước. Do đó, khi sử dụng cần rửa thật sạch với nước để phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
Bạn nên chọn mua loại rau má tự nhiên, không chứa thuốc trừ sâu. Tốt nhất bạn nên dùng rau má tự trồng tại nhà.
Trên đây Ma Ngoáy đã chia sẻ các thông tin đầy đủ về cây rau má. Đây là loại cây rất dễ tìm kiếm và có nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Mong rằng, bạn đã bỏ túi thêm cho mình những kiến thức bổ ích để bảo vệ cơ thể và chế biến các món ăn đầy dinh dưỡng từ rau má cho bữa ăn hằng ngày.