Mang thai và sinh con là một giai đoạn đặc biệt và vô cùng khó khăn với mỗi người phụ nữ. Sau những biến đổi về tâm, sinh lý rất dễ gây ra bệnh trầm cảm sau sinh. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hiểu biết và quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là các ông chồng. Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời chính bản thân người mẹ và đứa trẻ mới sinh sẽ chịu những hậu quả khôn lường mà chúng ta không thể lường trước.
Đôi nét về bệnh trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm sau sinh là một rối loạn cảm xúc xảy ra sau khi sinh đẻ. Lúc này chị em sẽ rơi vào tình trạng giảm khí sắc kéo dài. Tỷ lệ 15% trong ba tháng sau sinh và 15-25% trong năm đầu tiên sau sinh. Bệnh biểu hiện phần lớn ở phụ nữ và ở một phần nhỏ nam giới.
Cảm giác buồn nản sau đẻ là một trạng thái nhẹ nhất của bệnh trầm cảm. Biểu hiện kịch phát và ngày thứ 3-5 và thường chỉ kéo dài trong 10 ngày. Các biểu hiện của sự buồn nản sau sinh bao gồm: ủ rũ, buồn chán, dao động cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, lo âu, dễ cáu giận và suy giảm nhận thức. Trạng thái này xuất hiện ở 60-70% ở các thai phụ mới và hoàn toàn không nguy hiểm, tuy nhiên cần được giải thích, đồng cảm và trợ giúp kịp thời.
Trầm cảm sau sinh, căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đạiTrầm cảm sau sinh là một trạng thái nặng nề hơn cảm giác buồn nản rất nhiều. Bệnh ảnh hưởng đến bản thân bà mẹ, đứa trẻ mới sinh, gia đình và các mối quan hệ. Nguy cơ cao dẫn tới các biểu hiện tự sát hoặc gây nguy hấn cho những người xung quanh.
Bệnh thường khó phát hiện vì một số biểu hiện dễ nhầm lẫn với những rối loạn trong thời kỳ hậu sản. Đa phần bản thân của thai phụ và những người xung quanh coi những triệu chứng đó là bình thường và nghĩ rằng sẽ sớm biến mất. Rất nhiều bà mẹ e ngại khi nói ra các biểu hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình, tự đối phó với các biểu hiện hoặc giấu bệnh.
Trầm cảm sau quá trình sinh đẻ nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Chính vì vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu sâu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh.
Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở phụ nữ sau khi sinh con
Hiện nay vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân chính nào dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Bởi đây là dấu hiệu tâm lý, ở mỗi người sẽ do nguyên nhân khác nhau và có những người bị, có người không. Triệu chứng này là sự kết hợp nhiều yếu tố, từ tinh thần, thể chất, tâm lý gây nên. Dưới đây Ma Ngoáy xin tổng hợp một số nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh:
Cơ thể phụ nữ thay đổi về nội tiết
Ngay sau khi sinh, một sự thay đổi nhanh chóng nồng độ hormon trong máu của chị em. Đó là sự giảm đi của nồng độ estrogen và progesterone, nồng độ hormon tuyến giáp thyroid cũng giảm, dẫn đến mệt mỏi, trầm cảm.
Sự suy giảm về nồng độ hormon cùng với sự thay đổi về huyết áp, chức năng của hệ miễn dịch và những biến đổi về chuyển hoá. Tất cả những yếu tố đó tạo nên nguyên nhân gây trầm cảm.
Trước đó đã có bệnh sử trầm cảm
Không ít phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai. Điều đó tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường.
Thiếu chất dinh dưỡng, thiếu ngủ trầm trọng
Sau khi sinh, người mẹ phải dành nhiều thời gian chăm sóc con. Bởi vậy họ không có thời gian chăm sóc bản thân, ngủ không đủ giấc, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, mặc cảm tự ti vóc dáng, da dẻ… Vì vậy đây cũng là một nguyên nhân làm cho người phụ nữ dễ nảy sinh bực bội, căng thẳng.
Có nhiều nguyên nhân đưa chị em đến với bệnh trầm cảmMâu thuẫn với chồng hoặc gia đình
Gia đình không hạnh phúc, mâu thuẫn trong gia đình không được giải quyết triệt để trước và sau khi sinh cũng có thể gây trầm cảm cho bà mẹ. Áp lực chăm sóc con cái, do thiếu sự giúp đỡ của người thân. Một số trường hợp do áp lực về giới tính đứa trẻ cũng làm nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài. Đặc biệt, bạo hành gia đình, xung đột với chồng khiến tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 5 lần so với phụ nữ khác.
Cảm xúc rối loạn
Mang thai không theo kế hoạch hay ngoài ý muốn có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người mẹ trong thai kỳ. Ngay cả khi mang thai đúng theo kế hoạch, một số mẹ bầu vẫn cần một khoảng thời gian dài để thích nghi với việc sẽ có em bé.
Ngoài ra, khi bé có vấn đề về sức khỏe hoặc phải điều trị dài ngày trong bệnh viện, người mẹ có thể trải qua những cảm xúc như buồn, giận, có lỗi. Đây là những cảm xúc làm ảnh hưởng đến tự tin và gây áp lực lên người mẹ.
10 dấu hiệu phát hiện bệnh sớm
- Cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ (mood swings trong baby blues)
- Cảm thấy buồn bã hầu như cả ngày.
- Một cảm giác khó thở như bị đè chặt
- Lo lắng quá mức với các biểu hiện bồn chồn, bất an.
- Thu rút và từ chối các giao tiếp xã hội.
- Giảm trí nhớ và kém tập trung.
- Khóc nức nở (với những lý do nhỏ nhặt)
- Rối loạn giấc ngủ.
- Chán ăn.
- Một cảm giác kiệt sức và mất năng lượng.
Những người phụ nữ trầm cảm sau sinh sẽ sở hữu từ 5 triệu chứng trở lên. Lúc này bạn cần khẩn trương đến gặp bác sĩ để có phương án điều trị bệnh hợp lý.
Phương pháp điều trị bệnh trầm cảm cho phụ nữ sau sinh hiệu quả
Nếu được chẩn đoán trầm cảm, bạn sẽ được theo dõi ít nhất 6 tháng. Với các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ sẽ lưu ý để kê đơn thuốc trầm cảm đặc biệt có thể áp dụng cho bà mẹ đang cho con bú. Tùy vào tình trạng bệnh, bạn có thể chọn 1 trong 3 phương pháp điều trị sao cho phù hợp.
Chữa trầm cảm sau sinh bằng thuốc
Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt. Những người có chuyên môn sẽ hỗ trợ và đưa ra cho bạn những lời khuyên, phác đồ điều trị phù hợp.
Sự động viên tinh thần từ người thân
Bạn bè và gia đình chắc chắn rằng người mẹ bị trầm cảm đang được bác sĩ chỉ định điều trị. Nếu đơn thuốc không thích hợp thì phải động viên bệnh nhân trở lại bác sĩ và yêu cầu thay đổi đơn thuốc.
Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng. Đừng quên rằng người mẹ không được khỏe và đừng quấy rầy. Hãy cố gắng đối xử với người bệnh giống như mắc những căn bệnh thường gặp khác.
Khi người mẹ không được khỏe thì hãy để người mẹ đó nghỉ ngơi nhiều hơn, còn khi khỏe thì có thể làm bất cứ việc gì tùy thích. Hãy nhớ rằng trầm cảm là một bệnh cần khám và điều trị chuyên khoa. Thường thì một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, do vậy hãy cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có một người đáng tin cậy ở bên cạnh.
Sự quan tâm của người thân giúp bệnh cải thiện rõ rệt
Tự bản thân cải thiện bệnh
Bệnh trầm cảm sau sinh xuất phát rất nhiều từ suy nghĩ tiêu cực, buồn chán, lo âu quá mức của người mẹ. Có thể cải thiện đáng kể triệu chứng bệnh bằng các biện pháp đơn giản, thay đổi lối sống như:
Học cách thư giãn
Tâm trạng thư giãn, vui vẻ, yêu đời, thoải mái,… rất quan trọng để mẹ sau sinh vượt qua giai đoạn thay đổi khó khăn này. Hãy duy trì sở thích của bản thân với công việc nào đó để tinh thần thoải mái hơn. Ngoài ra cũng nên hạn chế thức khuya, ăn uống khoa học, đủ chất để duy trì sức khỏe.
Chia sẻ tâm sự
Chia sẻ với người bạn tin tưởng giúp giảm áp lực tâm lý và tìm ra biện pháp tốt hơn cho vấn đề trong cuộc sống. Hãy thực hiện điều này trước khi áp lực tâm lý trở nên quá lớn gây ra trầm cảm sau sinh.
Ngủ và nghỉ ngơi đủ giấc
Đa phần mẹ sau sinh trong những tháng đầu gặp phải tình trạng mất ngủ, ngủ không đủ giấc do chăm sóc con. Hãy nhờ đến sự giúp đỡ từ chồng và bố mẹ để có thời gian ngủ nhiều hơn, thay đổi sinh hoạt giờ giấc cùng con để tránh trầm cảm.
Ngủ đủ giấc giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫnTập thể dục
Vận động thể chất giúp cơ thể tiết ra hormone hưng phấn, giúp tinh thần khỏe mạnh. Khi bạn có một sức khỏe tốt thì mọi bệnh lý sẽ được đẩy lùi.
Luôn tin vào chính mình
Điều quan trọng trong khắc phục và phòng ngừa trầm cảm sau sinh là bản thân người mẹ cần nhận thức rõ về vai trò của bản thân và tin tưởng mình. Bạn có đủ khả năng nuôi con và giúp con phát triển dựa trên bản năng làm mẹ. Đừng quá lo lắng hay tự trách bản thân mỗi khi con quấy khóc hay cảm ốm.
Vợ mắc chứng trầm cảm chồng nên làm gì?
Khi vợ sinh con gánh nặng kinh tế trên vai các ông chồng sẽ nặng nề hơn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các anh “có quyền” bỏ bê vợ con nhé! Hãy thực hiện những điều dưới đây để giúp người phụ nữ của mình phòng và điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả.
- Sẵn sàng có mặt khi vợ cần
- Tạo không gian và thời gian riêng cho vợ chăm chút bản thân
- Luôn chủ động làm việc nhà giúp vợ
- Trông con để vợ ngủ đủ giấc
- Cải thiện thực đơn dinh dưỡng cho vợ
- Luôn cổ vũ, động viên vợ mỗi ngày
Bạn thấy đó, trầm cảm sau sinh là một căn bệnh dễ gặp và vô cùng nguy hiểm nếu không phát hiện, điều trị kịp thời. Gia đình, đặc biệt là các ông chồng nên dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ chị em phụ nữ sau quá trình vượt cạn gian nan.