Những ngày mát trời thế này mà có vịt nấu măng ăn cùng cơm hay bún thì quả là tuyệt vời. Món ăn này khá đơn giản, chỉ cần sơ chế đúng cách thì vịt sẽ không bị dai hay hôi. Nếu bạn chưa tự tin vào bếp hãy tham khảo ngay cách làm vịt nấu măng chuẩn vị cùng Ma Ngoáy nhé!
Bí quyết loại bỏ chất độc có trong măng
Có nhiều người lo ngại ăn măng độc và không tốt cho sức khỏe? Trên thực tế măng có chứa một chất độc là glucozit sinh acid cyanhydric. Khi gặp men tiêu hoá trong dạ dày, gặp chất chua, glucozit bị thuỷ phân và giải phóng acid cyanhydric (HCN). Chính acid này gây ra ngộ độc, nôn mửa, giống như khi bị ngộ độc sắn nếu bạn ăn phải 20mg acid cyanhydric.
Để loại bỏ sạch độc tố và đảm bảo an toàn bạn hãy chú ý luộc măng tươi từ 1-2 lần, đổ nước đi rồi mới chế biến. Acid cyanhydric hoà tan trong nước luộc, nước rửa và bay hơi theo hơi nước sôi. Phần măng chúng ta ăn sẽ thơm ngon và không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cách làm vịt nấu măng chi tiết
Mời bạn vào bếp cùng Ma Ngoáy để thực hiện cách làm vịt nấu măng siêu ngon ngay tại nhà nhé!
Chuẩn bị nguyên Liệu
- Thịt vịt: ½ con (khoảng 1,5kg)
- Rượu trắng: 200ml
- Măng tươi: 500g
- Một số nguyên liệu: gừng, hành tím, hành tươi, mùi tàu.
- Một số gia vị: bột canh, hạt nêm, dầu ăn.
Hướng dẫn cách chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Thịt vịt khá nặng mùi hơn thịt gà nên bạn cần sơ chế kỹ. Bạn nhổ bỏ phần lông măng còn sót lại trên thân vịt rồi rửa lại bằng nước sạch. Để loại bỏ bớt mùi hôi của thịt vịt, bạn thái lát gừng bỏ cùng rượu rồi thoa đều rượu gừng lên thịt vịt khoảng 3 phút. Sau đó rửa lại bằng nước sạch nhiều lần. Bạn để cho thịt vịt thật ráo nước.
- Không như thịt gà, phần cổ, chân của vịt không ngọt nên thường bị bỏ đi. Thậm chí khi bán, người bán hàng thường loại bỏ để đỡ bị thiu. Chúng ta chỉ dùng phần thịt vịt ngon để đem chế biến. Bạn chặt nhỏ thịt vịt thành các miếng vừa ăn.
- Tiếp tục chặt thành từng miếng nhỏ vừa miệng.
- Ướp thịt vịt cùng hỗn hợp gia vị trong 20-30 phút.
- Sơ chế măng bằng cách luộc trong nước sôi và rửa lại bằng nước lã nhiều lần để măng bớt đắng, nước dùng sau này trong hơn.
Bước 2: Sào nguyên liệu
- Trước khi đem nấu, phần thịt vịt và phần măng đã sơ chế nên đem xào để ngấm gia vị hơn. Khi xào, phần mỡ dưới da trong thịt vịt chảy bớt ra, thịt vịt sẽ săn lại và thơm hơn.
- Đối với phần thịt vịt, bạn đảo 2 thìa cà phê hành tím băm nhỏ cùng dầu ăn cho dậy mùi rồi bỏ thịt vịt vào xào cùng khoảng 15-20 phút.
- Tương tự, bạn đảo thơm hành tím băm nhỏ trong dầu ăn rồi cho măng vào xào cùng 2 thìa cà phê bột canh, 2 thìa cà phê hạt nêm trong khoảng 10 phút.
- Trong quá trình xào nguyên liệu, bạn chú ý đảo đều tay để vịt và măng không bị cháy xém nhé. Bạn có thể cho thêm chút nước nếu thấy quá khô nhưng thường thì không cần đâu vì vịt và măng sẽ ra nước
Bước 3: Nấu vịt với măng và hoàn thành
- Đến bước nấu vịt, bạn đem thịt vịt đã đảo ngấm gia vị cùng 0,8-1 lít nước sạch vào một chiếc nồi to rồi đun sôi trong 20 phút. Nếu thấy có nhiều bọt thì bạn vớt bỏ phần bọt này đi để cho nước dùng được trong nhé. Tiếp tục, bạn cho phần măng xào vào nồi nước thịt vịt, đun cùng thêm khoảng 20 phút nữa.
- Bạn có thể thấy quá trình đun vịt và măng tốn nhiều thời gian. Thế nhưng, việc đun lâu giúp vịt được nhừ và nước dùng ngọt hơn, măng ngấm nước thịt có vị thơm béo.
- Khi vịt nấu măng được đun xong, bạn khoan tắt bếp mà hãy nêm nếm gia vị xem đã vừa miệng chưa và cho thêm hành, mùi tàu vào đun cùng 1-2 phút. Vậy là món vịt nấu măng được hoàn thành rồi. Cuối cùng múc vịt nấu măng ra bát to để mọi người cùng thưởng thức nhé.
Bạn thấy đó, cách làm vịt nấu măng không hề khó phải không nào? Còn chần chừ gì nữa, nhanh tay vào bếp trổ tài chiêu đãi cả gia đình nào!