Dòng sông Yên (sông Chuối) quê tôi bình lặng chảy uốn qua làng, tạo nên cảnh quan hữu tình của những làng quê trù phú ở hai bên bờ. Sông Yên cũng là nguồn sống cho những phận người suốt đời lênh đênh, trôi nổi theo dòng nước vô định, không một bến đỗ cố định mà người đời quen gọi khá miệt thị là Thuyền chài.
Họ là những người sống bằng nghề chài lưới trên sông, hằng ngày đánh bắt cá tôm và các loài thủy sản khác rồi mang ra chợ bán để lấy tiền mua gạo và thức ăn nuôi cả gia đình thường rất đông đúc, nheo nhóc trên một chiếc thuyền chật hẹp. Bữa ăn của cả gia đình họ phụ thuộc vào sự siêng năng của các thành viên và sự may mắn mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Hôm nào đánh bắt được nhiều thủy sản, bán được giá họ còn phải mua gạo dự trữ cho những hôm mưa to, gió lớn không đánh bắt được nhiều cá tôm.
Thủy sản – nguồn lợi thiên nhiên từ sông là nguồn sống duy nhất mà họ buộc phải phụ thuộc vào. Cá tôm thiên nhiên, bao đời qua, luôn được xem là của “trời cho” nhưng không dồi dào và vô tận nên họ cũng phải chật vật chài lưới trên sông nhưng vẫn không kiếm được nhiều và khi bán cũng rất rẻ. Cuộc sống của những gia đình ngư dân thường rất khó khăn và nghèo nàn. Hiện tại và tương lai của cuộc sống của họ đều phụ thuộc vào dòng chảy của sông quê tôi. Những chiếc thuyền cũ kỹ bằng gỗ bạc màu vì mưa, nắng và gió thiên nhiên là tài sản quý giá duy nhất mà họ có.
Đối với ngư dân, cuộc sống của họ, nhìn bề ngoài, thật tự do, phóng khoáng giữa mênh mang nước và trời nhưng không gian sống của họ thực sự lại rất chật hẹp: chỉ gói gọn trong phạm vi một chiếc thuyền nhỏ bé, diện tích chỉ vài mét vuông. Từ “thuyền” của ngư dân là từ đồng nghĩa với từ “nhà” của cư dân sống trên bờ nhưng kích thước cũng khác nhau. Mỗi chiếc thuyền thường có một đại gia đình ngư dân sinh sống vì có khi có đến ba hoặc bốn thế hệ cùng sinh sống. Đôi khi có ba hay bốn hoặc hàng chục chiếc thuyền chụm lại thành một xóm chài trên sông. Họ có thể là họ hàng với nhau hay chỉ là những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp nên hiểu và thông cảm cho nhau, giúp đỡ nhau và quây quần sống bên nhau rất vui vẻ. Những người ở xóm chài thường hay tìm hiểu và kết hôn với nhau hoặc cha mẹ hay gả con cho nhau vì con của họ cũng chỉ biết với nhau trên sông và quen với nghề sông nước truyền qua nhiều đời rồi.
Nếu có điều kiện, cũng phải sau rất nhiều năm cặp vợ chồng mới và nghèo khó đó mới có thể dành dụm đủ tiền mua một chiếc thuyền nhỏ, tách khỏi gia đình mình để bắt đầu một cuộc sống gia đình riêng hoặc vẫn phải chấp nhận sống cùng gia đình nhà chồng chật chội và bất tiện vì mọi sinh hoạt như ăn, ngủ, tắm giặt và vệ sinh đều trên thuyền và trên sông.
Những đứa trẻ con ngư dân thường đen nhẻm vì phơi nắng nhiều, chúng luôn cởi trần, thậm chí trẻ nhỏ luôn cởi truồng. Trẻ con thường mù chữ vì bố mẹ không có nhà trên bờ, sống nay đây mai đó, không có hộ khẩu nên không trường nào nhận chúng vào học. Điều đặc biệt là trẻ thuyền chài rất khỏe mạnh, hầu như rất ít khi ốm đau. Chúng chèo thuyền bằng chân rất giỏi. Còn chuyện bơi lặn và bắt tôm cá thì chúng thạo như rái cá luôn.
Khi gặp các ngư dân, người trên bờ thường rất cảnh giác vì người ta khó có thể tin được những người không có nơi ở cố định, “nay đây, mai đó”. Những người trên bờ còn đối xử không mấy thân thiện với những ngư dân dưới sông vì một định kiến tôi được nghe người lớn nói với nhau là ngư dân thấy người khác bị đuối nước, họ không bao giờ cứu mặc dù họ bơi lội giỏi và có thuyền. Sau này tôi mới tìm hiểu mới biết rằng những ngư dân này sống nhờ vào sản vật của sông nước nên họ rất sợ thần Sông (còn gọi là Hà Bá). Họ nghĩ rằng thần Sông muốn bắt ai thì hãy để cho thần bắt, nếu cứu người đó thì thần sẽ bắt con cháu họ thay thế. Do vậy, họ không dám cứu người bị đuối nước vì lý do mê muội như thế!.
Ngư dân không chỉ bị người trên bờ ghẻ lạnh và dè chừng mà cuộc đời họ luôn có nỗi lo canh cánh trong lòng: “Sinh vô gia cư, tử vô địa táng”. Lúc đang sống họ không có một mái nhà, một mảnh đất để ở mà phải lênh đênh sông nước. Lúc chết họ cũng không có chỗ trên bờ để an táng. Họ phải lên bờ xin phép chính quyền sở tại mới được chôn cất người thân. Nếu không may bị từ chối, họ sẽ bị dân làng trên bờ xua đuổi đi nơi khác chôn cất.
Thời tôi còn bé, người lớn hay dọa trẻ con chúng tôi rằng ra tắm sông buổi trưa hay đêm hay bị Thuồng Luồng bắt ăn thịt. Lũ trẻ nhỏ chúng tôi mới đầu cũng sợ lắm cứ hỏi về hình dáng và kích thước của nó. Thuồng Luồng được dân gian quan niệm có hình thù như con rắn khổng lồ nhưng có 4 chân, có mào đỏ, rất dữ tợn. Ở dọc các sông lớn miền Bắc Bộ đời xưa thường có các đền thờ thần thuồng luồng. Lũ trẻ chúng tôi tò mò hỏi ông bà về Thuồng luồng nhưng cũng chưa ai gặp hay nhìn thấy bao giờ nên dần dần chúng tôi cũng không sợ nữa và vẫn tắm sông trưa và tối bình thường. Chúng tôi nghĩ rằng chắc chỉ có những ngư dân sinh sống trên sông suốt ngày đêm mới có cơ hội gặp Thần sông và Thuồng luồng nhưng lũ trẻ con chúng tôi đâu có dám hỏi họ khi thấy họ là những người lạ đang bơi thuyền lênh đênh trên sông.
Sau này chính quyền cũng vận động các gia đình ngư dân vào Hợp tác xã đánh cá. Họ tập trung đánh cá trên sông rồi mang đến bán cho các cửa hàng thực phẩm ở huyện. Để đổi lại, họ được mua gạo và các nhu yếu phẩm do nhà nước cung cấp. Nhưng rồi các Hợp tác xã đánh cá này cũng tan rã khi mà nguồn cá đánh bắt được cũng bấp bênh. Họ lại trở về nghề đánh bắt cá thể, thủ công nhỏ lẻ như ngày trước.
Những chiều hè ngày thơ ấu, tôi thường ra bến sông trước nhà mê mải đứng xem những chiếc thuyền ngư dân nhộn nhịp đánh bắt thủy sản trên sông mà không chán. Những anh ngư dân da đen sạm nhưng cơ bắp săn chắc đang thoăn thoắt chèo thuyền, thả lưới bắt cá hay dùng gầu xúc ngao, hến ở dưới đáy giữa sông. Tôi cảm nhận được nhịp điệu lao động của họ thật khẩn trương, đầy sức sống. Tôi lắng nghe tiếng họ nói chuyện lẫn vào tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền đang lướt đi trên sông. Tôi yêu thích những nụ cười tỏa nắng đầy phấn khởi của họ sau mỗi mẻ lưới nhiều cá tôm hay mẻ xúc ngao, hến đầy gầu. Đó chính là hạnh phúc giản đơn của những người sống bằng nghề chài lưới giữa mênh mông sông nước.
Nguồn thủy sản tự nhiên trên sông cho ngư dân đánh bắt không hiểu sao cứ dần dần ít đi. Chắc có nhiều người sẽ nghĩ có lẽ do ngư dân đánh bắt nhiều quá nên các loài thủy sản không kịp sinh sản bù lượng thiếu hụt do đánh bắt. Thực ra, lỗi không phải do ngư dân vì lượng tôm cá họ đánh bắt bằng dụng cụ thô sơ không đáng kể. Những kẻ nhẫn tâm giết chết nguồn lợi thủy sản trên sông Yên quê tôi lại là những kẻ đánh cá trái phép từ trên bờ xuống. Họ đánh cá và các loài thủy sản khác trên sông theo kiểu “tận diệt”. Họ sử dụng kích điện để đánh bắt cá và còn nguy hiểm hơn nữa họ dùng mìn để đánh cá trên sông. Ban ngày cấm, họ đánh mìn đêm khuya. Sau tiếng nổ “ục” dưới nước là có đủ loại thủy sản to nhỏ chết nổi lên trắng cả khúc sông. Họ chỉ cần bơi thuyền ra vớt những con cá to lên mà thôi.
Đã có những tai nạn thương tâm như có người bị thương mất cả bàn tay do mìn nổ trên tay. Một vụ án do mìn nổ gây chấn động một thời đó là một người đàn ông đã bị truy tố phạt tù vì anh ta đã nổ mìn bắt cá ở khúc sông có đường ống dẫn xăng dầu Bắc – Nam. Mìn nổ làm vỡ đường ống khiến xăng dầu bị vỡ nổi lên mặt nước gặp lửa bốc cháy mấy ngày mới khắc phục được.
Một thủ phạm khác gây nên sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên sông Yên quê tôi lại chính là Nhà máy Giấy L.S ở gần phía thượng nguồn sông. Ngay từ khi thành lập nhà máy giấy này không chỉ cho công nhân vào rừng khai thác cây nứa vô tội vạ chở ô tô về làm giấy mà còn âm thầm đổ các chất thải không qua xử lý thẳng ra sông Yên. Trong các chất thải đó chủ yếu là loại hóa chất có tên là “Xút ăn da” (NaOH) dùng để nấu cho cây nứa nhanh mục và tẩy trắng giấy. Mỗi lần lên nhà cô chú tôi làm công nhân nhà máy giấy L.S, tôi thường ra bờ sông Yên, đoạn chảy qua nhà máy để chơi. Tôi thấy những cống xả nước đục ngầu bọt trắng xóa chảy thẳng ra sông. Có lẽ, không một loài thủy sản nào sống nổi trong làn nước đục đỏ đó được.
Mãi tận sau này, sau hàng chục năm xả thải tự do, nhà máy mới xử lý nước thải nhưng không biết là liệu có cứu sống sông Yên và phục hồi nguồn lợi thủy sản thiên nhiên trên sông hay không.
Đã rất lâu sống xa quê, tôi mới về thăm lại dòng sông Yên yêu dấu của tôi. Thời gian đã để lại những dấu ấn nơi đây: sông cạn đi nhiều, dòng chảy hẹp lại, cây cối hai bên bờ không còn nhiều nữa. Sông không còn nhiều cá tôm như ngày xưa nữa. Nhiều gia đình ngư dân đã phiêu bạt đi nơi khác hay đã lên bờ làm thuê kiếm sống vì sông không thể “nuôi” họ được nữa. Những hình ảnh những xóm chài đông vui, cảnh đánh cá nhộn nhịp, thuyền ngư dân neo đậu san sát nhau ở bên bờ sông bây giờ không còn thấy nữa. Thật xót thương cho những thân phận thuyền chài lênh đênh không có bến bờ để neo đậu.
Tác giả: Trần Mạnh Trung