Sáng nay, khi mặt trời đội biển, rướn mình vươn lên khỏi tấm thảm hồng bồng bềnh giữa nền trời màu nâu bạc để đánh thức thị xã đang mơ màng ngủ thì tôi thơ thẩn đi bộ qua chợ. Bước chân tôi khựng lại trước một mẹt na đã mở mắt xếp đầy của bà cụ già tóc đã điểm sương. Bao thương mến chợt ùa về… Tôi nhớ ngoại.
Vườn nhà ngoại có hàng na chạy dọc cổng vào. Mùa đông lá đen thẫm lại, đổ dần xuống chỉ còn lại những thân cây gầy guộc. Trong giá buốt, gió mưa, hàng na đứng lặng lẽ, nghiêm trang như những chú lính canh gác. Đến độ ra giêng, lộc na mới bắt đầu ra, lác đác, lưa thưa điểm xuyết trên cành. Chỉ những người quan tâm đến cây na mới nhận ra một vài dấu hiệu đổi khác nhỏ bé này của nó. Bởi lúc này vạn vật đều khoác lên mình một sức sống căng tràn, cây lá xanh mướt, muôn hoa đua nở đủ sắc màu rực rỡ, chỉ có hàng na vẫn còn im lìm say giấc mới bắt đầu cựa mình đón mưa xuân. Cho đến một ngày, tôi cứ nhớ nó lặp lại hết năm này sang năm khác, ấy là khi tôi đã đi học sau nghỉ tết độ chừng một tháng… tầm tháng ba dương, tôi về trước cổng nhà mà ngỡ đi vào một thiên đường xanh. Hàng na xanh mướt, rờ rỡ, tỏa sáng trong ánh nắng tươi mới bắt đầu chớm lên men mùa hạ. Chưa bao giờ tôi thấy lá xanh và đẹp đến nhường ấy. Phải chăng lá na cũng đang dậy thì, khoe hết vẻ đẹp căng tràn, trong trẻo, thanh tân? Phải chăng vào độ này lá na cũng đang thì con gái nên có sức cuốn hút, hấp dẫn lạ kỳ đến như thế? Cứ nhìn vào màu xanh của hàng na trước cổng ngay trong khu vườn mà lòng tôi lại thấy phơi phới thương yêu, trào dâng khát vọng và tin yêu cuộc đời đến lạ. Lá có hình dáng thuôn dài, trên lá có 5-7 cặp nổi qua gân trục của lá. Chỉ một vài ngày sau, lá na cứng cáp và xanh hơn, tại đầu các mắt cành đã xuất hiện những chùm hoa nhỏ li ti bật ra như những chiếc cúc vải màu xanh điệu đà trên cái áo cổ tàu của các thiếu nữ. Hoa lớn dần, buông dài, ngả sang màu xanh lá non ở mặt ngoài, vàng kem bơ ở mặt trong trông thật thơm mát, ngon mắt. Mỗi bông hoa chỉ ba cánh nhỏ dày, cứng, tách ra, không thấy đài, không thấy nhị, không thấy nhụy. Có người ví hoa na là biểu tượng của chủ nghĩa tối giản. Có lẽ đúng. Hoa na không màu mè, kiểu cách mà thật mộc mạc, bình dị và đặc biệt. Khi màn đêm đã buông mành, ngoại bật sáng bóng đèn nê ông ngoài cổng lên, tôi đứng trên lan can tầng hai nhìn xuống những bông hoa na trông như những chùm đèn lồng màu trắng sữa mịn màng đang giăng mắc trên các cành cây. Mỗi lần có những cơn gió chớm hạ nhẹ lướt qua, lá cây cọ vào nhau rì rào, những bông hoa na cũng lắc mình cười nhẹ tạo nên một vẻ đẹp bình yên, thanh thoát cho cả khu vườn. Mùi hoa na thoảng nhẹ, dịu dàng quá đỗi. Có lẽ hiếm loài cây nào mà mùi lá nồng nàn át cả mùi hoa như cây na. Mùi hương ấy, hoa na dành tặng riêng cho những người ưa khoảng lặng… Khi hoa sắp tàn hoặc bị khô thì trở màu nâu nâu đen đen, mịn và xốp trông như chiếc áo nhung cũ đã phai màu của ngoại.
Rồi theo thời gian, những bông hoa na nhường chỗ cho những cô cậu quả nhỏ ra đời tưng bừng đùa vui với nắng gió mùa hạ. Chao ôi, những quả na nhỏ màu xanh lá cây, hình tròn tròn ngộ nghĩnh và dễ thương! Những quả na lấp ló trong các kẽ lá hòa vào những tán lá cây xanh rì. Có những quả tách ra riêng, có những quả từng chùm lúc lỉu ở các mắt cành. Cuống quả na thường ngắn và to, chắc khỏe màu nâu. Khi còn non, quả na màu xanh non như hình trái tim nhỏ xinh. Lớn hơn một chút quả na chuyển sang màu xanh đậm, cứng, chắc nịch, mắt lim dim như còn đang ngái ngủ. Có những quả non rụng xuống, chúng tôi thường lấy làm quả chuyền hoặc dùng để ném xuống ao. Tôi cứ ấn tượng mãi cái mùi hăng hắc của nó, dù hăng hắc nhưng không khiến người ta khó chịu mà có chút dịu ngọt, trầm mặc gợi sự ấm áp, hoài niệm xa xôi. Cho đến một ngày, các mắt na mở to đều, các đường gân quả có màu hồng như gót chân em bé thì đó là lúc quả na bắt đầu mềm, chín, dậy hương. Lúc này, tôi hay đọc mấy câu thơ của Trần Đăng Khoa mỗi sáng thức dậy: Tiếng gà/ Giục quả na/ Mở mắt/ Tròn xoe… Đấy, nó thực sự chín muồi thì chỉ cần chạm khẽ là cả quả na dai nằm gọn lòng tay, để lộ cuống quả trắng sữa ươn ướt mắc lại trên cành còn quả na có một khoảng trắng ngọt thơm đang tỏa hương dìu dịu cùng nắng sớm. Còn những quả na bở nếu chín muồi thì chúng thường nứt ra và rớt từng mảng trắng thơm trên nền đất nâu sẫm. Cứ vào vụ na, ngoại lại dậy thật sớm để ra vườn hái những quả na mở mắt. Quả nào to và chín, ngoại dành phần cho chị em tôi. Chao ôi, những quả na mát, ngọt, mềm, dịu dàng cứ đi qua lưỡi, cuống họng và vào dạ dày đang rỗng không. Ăn đến đâu tỉnh đến đó. Vừa ăn vừa ra dạo xung quanh vườn cây xanh mướt với ngoại, hít hà mùi lá, mùi hoa, mùi quả và cả mùi trầu thơm nồng từ miệng ngoại tỏa ra. Mỗi lần ngoại vạch lá, ngoại đều nâng niu từng quả na trên cành. Tay cầm quả na chín thơm, tôi vừa theo sát sau dáng đi nghiêng nghiêng của ngoại để ngó nhìn lên từng vòm cây. Mỗi lần ngoại vừa với tay lên cành vừa trò chuyện cùng lũ quả.
Quả thì ngoại thủ thỉ: “Ôi, lớn tướng thế này mà chưa chịu mở hết mắt, thức dậy nhanh thôi nào”, quả thì ngoại reo lên: “Nhỏ con này mà thơm chín quá”, quả thì ngoại nhẹ nhàng: “gần đẹp rồi đó con ạ, má hây hây rồi kìa”, quả thì ngoại nhắn nhủ: “lớn nhanh, lớn nhanh lên nào”. Tôi thì thích thú bóc hết lớp vỏ xanh trắng bên ngoài để lộ lớp thịt na trắng ngần, cắn từng miếng rồi nhè những hạt na đen nhưng nhức, nhỏ thuôn dài phun ra đâu đó trong vườn với ý nghĩ những hạt na này khi gieo xuống đất sẽ lại nảy mầm mọc lên một cây na con tiếp. Những hạt na này có lúc chúng tôi gom lại, rửa sạch để ráo dùng chơi đồ hàng, làm phép toán hoặc chơi xếp hình. Chúng tôi mặc dù mê mẩn và ao ước giá như có một cái kim xuyên thấu hạt na để xâu vòng tay vòng cườm thì đẹp tuyệt. Thế nhưng hạt na cứng và là khối đặc nên những chiếc vòng hạt na trong trí tưởng tượng vẫn mãi là giấc mơ đi suốt thời thơ bé của tôi. Mỗi khi nhìn thấy hạt na là tôi lại nhớ nụ cười hiền dịu, ấm áp của ngoại vì khi ngoại cười để lộ hàm răng cũng đen nhưng nhức như hạt na. Mẹ tôi bảo, những người phụ nữ ngày xưa hay ăn trầu như ngoại, hàm răng ai đẹp đều được ví là: “răng đen hạt na”.
Những buổi chiều mùa hạ, khi ánh nắng đã chạy xiên về phía hiên nhà, gió thổi mát rượi từng đợt, ngoại lại quét cổng gom những chiếc lá na màu nâu, màu vàng tươi rụng xuống vun vào gốc cây. Ngoại thường nói với tôi: “Đấy con nhá, lá rứt cành thì cây đau… xong đời lá trên cây, lá lại tan biến mình thành chất mùn nuôi cây lớn đó. Sống được như lá mới gọi là cuộc đời đáng sống”. Lời ngoại cứ mộc mạc mà sâu xa chỉ có theo tháng năm bươn chải với đời tôi mới càng thấm thía ý nghĩa lời ngoại, chứ cái thuở mười hai mười ba, ngoại nói là tôi cứ cười trêu: “sống như lá thì sướng nhất rồi đó ngoại, được vi vu trên cây, được tha hồ khám phá lòng đất”. Vậy mà rồi ngẫm ra… Đời ngoại cũng như chiếc lá năm nào… Trong các buổi tối, ngoại thường lọ mọ rọi đèn pin để vạch lá tìm sâu vì theo như lời ngoại “Cái loài sâu bọ thường lợi dụng đêm tối mà phá hoại cây, phải tìm bắt nó cho cây đỡ khổ”. Loại sâu ở na lạ thật, chúng có màu xanh y như màu lá, phát hiện ra chúng là men theo mùi mà chúng tiết ra chứ khó tìm thấy chúng nhờ vào hình dáng. Ngay cả sâu, mỗi loại cũng mỗi kiểu. Vườn na phải chăng vì được ngoại yêu thương, chăm chút mà năm nào, na cũng sai trĩu quả, thúng na của ngoại lúc nào cũng đầy vun với những quả na to, tròn, chắc mẩy. Những gánh na kĩu kịt theo ngoại ra chợ để đổi lại khi về bao nhiêu là thứ quà dành cho chúng tôi. Những ngày nghỉ, ngồi ở nhà, đợi ngoại đi chợ về cảm giác thời gian trôi thật lâu, lâu lắc lâu lơ vậy. Nhưng không có gì vui hơn là thấy tiếng ngoại nói cười từ xa với mấy bác hàng xóm đầu ngõ. Lúc đó, dù có làm gì thì đôi chân tôi cũng nhảy sáo chạy ra mà đón ngoại trong nỗi hân hoan vô bờ… Hóa ra ngoại là bà tiên trong khu vườn cổ tích và trong thế giới tuổi thơ êm đềm của chúng tôi… đến mãi sau này, thật lâu sau này, khi ngoại đã rời xa, chúng tôi mới thảng thốt nhận ra… Vậy mà cái tuổi ẩm ương ở bên ngoại có lúc tôi đã làm ngoại buồn. Ngoại ơi, xin tha lỗi cho con!
Những mùa na lại nối nhau về, không hề hẹn trước, theo quy luật tự nhiên. Khi na đã bắt đầu vào vụ cũng là gần ngày giỗ ngoại. Bóng na thưa vắng hơn trước nhưng nỗi nhớ ngoại cứ dâng đầy khắp khu vườn thân thuộc. Con nhặt một bông hoa khô đặt giữa lòng tay xòe ra như ba chiếc kim đồng hồ… Thời gian như đứng im, bất động…Mắt na hình như rưng rưng…
Tác giả: Ha Vinh Tam