Giàn gấc ở cuối vườn nhà nội giờ có lẽ cũng gần bằng tuổi tôi. Mỗi một năm qua, gốc cây lại to thêm, dáng vẻ già nua hơn. Mặc cho thời gian khắc nghiệt như mụ phù thuỷ ngày qua ngày khiến thân cây trở nên xù xì, khắc khổ, những trái gấc chín to tròn cuối Đông vẫn kiêu hãnh căng mẩy, đỏ au. Cứ mỗi bận Tết đến, tôi rời thành phố bộn bề, tấp nập để về quê ăn Tết. Sau khi thắp một nén hương thương nhớ nội, tôi có thói quen đi ra góc vườn thăm người bạn thủa nhỏ của mình.
Ngước nhìn giàn gấc lá xanh ngắt, trĩu trịt quả đỏ ối, tôi như thấy dáng bà tất bật thổi xôi cúng Tất niên thủa nào.
Hơn 10 gốc gấc trong vườn nhà, chẳng biết bà nội trồng từ bao giờ, chỉ nhớ khi tôi sinh ra, đã có giàn gấc đó rồi. Mùa hè, gấc ra hoa nhiều lắm, những bông hoa trắng pha vàng nhạt như màu nắng trổ khắp giàn. Nhìn chỗ nào cũng thấy dáng hoa như hình chiếc chuông nhỏ xíu bạt ngàn. Buổi trưa, gió mát rượi, tôi rải chiếu nằm dưới giàn gấc đọc truyện cổ tích. Biết bao câu chuyện như: Tấm cám, Hoàng tử ếch, Cô bé lọ lem, Sự tích chim tu hú… đã đi vào tuổi thơ tôi nhẹ nhàng như thế. Có lần, tôi ngủ quên, trong tay vẫn ôm quyển sách, cả nhà không thấy quáng quàng đi tìm. Đang ngọt ngào chìm đắm với giấc mơ gấc đỏ đưa tôi trở thành nàng công chúa xinh đẹp, tôi giật mình thon thót và bừng tỉnh vì tiếng mẹ khóc và gọi giật giọng tên mình.
Mùa thu, cũng là mùa gấc ra quả. Kể cũng lạ, đó là mùa hanh khô, lạnh lẽo nhưng quả gấc sinh sôi và lớn rất nhanh. Mới hôm nào quả bé xíu như quả ổi mà khi tôi ra thăm đã chũm chĩm, lủng lẳng, đung đưa trong gió như một giàn chuông xanh mát. Đến khi nắng Đông rực rỡ là lúc gấc được nhuộm màu, tự tin khoác lên mình màu áo vàng rồi đỏ rực rỡ. Buổi sáng thức dậy, tôi chạy ra vườn, thích thú nhìn từng tia nắng vàng chiếu trên giàn lá xanh, quả gấc đỏ và trầm trồ ôi chao, một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Và ngày nào cũng vậy, tôi đếm đi đếm lại xem có bao nhiêu quả gấc chín, còn bao nhiêu quả xanh rồi nhanh nhanh vào thông báo với nội.
Ngày Rằm, Mùng Một, nội tôi cầm kéo, cẩn thận ra giàn gấc, nhẹ nhàng cắt quả chín để thổi xôi cúng tổ tiên. Khi bổ quả, lọc thịt gấc xong, bà lựa những hạt gấc tròn, đen, gọi chị em tôi lại gần và bảo: Ngoan, bà cho làm đồng xu đi chơi cùng bạn. Chị em tôi thích lắm, mùa gấc chín, đều bảo nhau cất kỹ những hạt gấc làm trò chơi cho riêng mình. Khi thì làm đồng xu chơi đánh đáo cùng bọn cái Loan, thằng Đoàn, lúc chán, chị Hai tôi lại nghĩ chuyển sang chơi ô ăn quan. Thay bằng những viên sỏi rải đầy sân vẫn bị mẹ mắng làm bẩn sân phơi thóc, chúng tôi bày ra những hạt gấc. Chơi xong, chị em tôi lại rửa thật sạch, cất kỹ vào chiếc túi vải treo trong nhà. Có lần, bà thấy quả gấc to, đẹp, ruột đỏ au nhiều thịt, hạt đều lại sai tôi mang hạt ra góc vườn vùi dưới lớp đất mỏng để không lâu sau, hạt gấc nảy mầm, leo lên giàn. Tôi còn nhớ, cứ mỗi lần đến kỳ thi của tôi và chị Hai, bà lại dậy sớm, thổi xôi gấc với đỗ xanh cho chị em tôi ăn, với mong muốn chúng tôi sẽ bình tĩnh làm bài và đạt kết quả thi cao nhất. Suốt thời học sinh và cả bây giờ, chị em tôi vẫn luôn tin rằng nhờ món xôi may mắn bà nấu bằng cả niềm tin yêu và hy vọng gửi vào đó mà các kỳ thi từ hết kỳ, hết năm đến thi học sinh giỏi các cấp, chị em tôi đều cố gắng hết sức và đạt kết quả cao.
Tết quê những năm còn nội vui lắm. Khoảng 27, 28 tháng Chạp, tôi cùng mẹ phụ bà cắt từng những quả gấc chín rồi nhẹ nhàng xếp chúng vào thúng. Cả mấy thúng gấc chín đỏ, bà tôi bớt lại mấy quả để nấu xôi cúng Tất niên, số còn lại, bà bảo mẹ tôi mang đi chợ bán, mua cho chị em tôi tấm áo mới. Một thúng quả to, tròn còn lại, bà đưa tôi mang lần lượt đi biếu anh em, họ hàng và hàng xóm. Bà bảo, tổ tiên ta từ xưa vẫn thích và trang trí màu màu đỏ trong nhà vào những ngày Tết, bởi họ cho rằng, màu đỏ tượng trưng cho sắc màu của mùa Xuân, may mắn và hạnh phúc. Bởi vậy, mang gấc đỏ đi biếu, là san sẻ niềm vui, cầu chúc năm mới tốt lành cho mọi người. Cũng chính với suy nghĩ này mà trong mâm cỗ cúng ngày Tết, không bao giờ bà quên làm đĩa xôi gấc đỏ dâng lên tổ tiên, như niềm tin, hy vọng cầu năm mới bình an cho cả gia đình.
Chiều 30 Tết, tôi loanh quanh bên nội xem nấu xôi gấc. Gạo nếp và đỗ xanh được ngâm với nước ấm từ sáng, bà vớt ra để ráo rồi trộn với phần thịt đỏ và cùi vàng óng ả của gấc để khi nấu lên ăn có vị thơm và bùi. Trước đó, bà đã bóp đều phần thịt gấc với một chút rượu nếp và xóc qua muối. Khi xôi chín, bà cho thêm đường trắng, mỡ lợn vào chõ rồi đảo đều để tăng vị ngọt và độ bóng cho xôi. Lúc này, nồi xôi nghi ngút hơi, tôi hít hà mùi thơm nức từ gạo nếp, thoả mắt nhìn màu đỏ của gấc, hạt xôi màu đỏ cam, mềm dẻo, quện trong những hạt đỗ xanh…
Giàn gấc xưa nội trồng phải đến hơn chục gốc, giờ một số cây “cao tuổi” đã mục rỗng thân và chết, được thay thế bởi những cây non do mẹ tôi trồng hàng năm. Mỗi lần về thăm quê, chạm nhẹ vào vỏ để gai quả gấc nhỏ li ti đâm nhẹ vào tay, tôi chợt thấy hình ảnh bà tất bật thổi xôi gấc hiện lên. Trong khói bếp những ngày cuối năm, tôi mơ màng về ngày xưa, khi ấy bà còn đọc những câu Kiều cho chị em tôi nghe dưới giàn gấc đỏ. Thoắt cái, đã hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày nội tôi trở thành người thiên cổ. Giỗ nội năm nào, mẹ tôi cũng lựa những trái gấc đỏ, nhiều thịt nhất, cẩn thận nấu xôi thật ngon, đẹp mắt thắp hương cho bà…
Tác giả: Mai Linh Lan