Anh Tường ngồi bệt xuống bóng mát thở hổn hển, lột chiếc nón tai bèo lau mồ hôi đang đầm đìa trên mặt. Ngoài kia cái nắng gắt như thiêu đốt trần thế, hơi nóng phả vào người nghe rát thịt rát da. Gương mặt rám nắng nhăn nheo nhìn thời tiết oi ả. Hơi thở kéo dài như gió rít xào xạc trên bóng tàng cây cao. Anh mở hộp cơm nóng hổi đang bốc khói. Mùi thịt thơm kho ngon, cái bụng thêm đói ùng ục miệng chép đến liên hồi. Anh ăn trong lặng lẽ, anh ăn trong mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm tấm áo. Cắn miếng thịt rất ngon mà lòng nghĩ đến ba đứa con thơ ở nhà, thoáng lên nét buồn đăm chiêu dìu dịu trong ánh mắt! ” Không biết giờ này con bé lớn đã cho các em ăn rồi chưa? Thức ăn cũng không có gì hơn ngoài cá chốt kho nghệ, nồi canh mồng tơi nấu với tép khô. Rồi cúp điện nóng nực thế này không biết các con có ngủ yên hay không? Bé nhỏ hay khóc bù lu bù loa, những lúc ngủ mà không có máy quạt “. Anh chạnh lòng khi nhìn xuống hộp cơm của mình có lát thịt to dài, nhưng ba đứa con anh ở nhà lại không được ăn như thế. Biết làm sao hơn khi một người cha nghèo sống bằng xây dựng. Đồng lương ít ỏi mà phải nuôi đến ba đứa con thơ. Cái nắng ngoài như đổ lửa dù biết thế nhưng sao chẳng hề muốn than vãn. Vì anh hiểu rằng nếu mưa rồi công trình sẽ tạm dừng, anh chẳng có trọn vẹn một ngày công. Cái nghề thợ xây nó khổ là thế đấy, sáng nắng chiều mưa, công việc cũng phải thuận theo thời tiết, mà mưa liên miên thì đồng lương cũng phải giảm. Các con sẽ thiếu thốn ăn no chẳng đủ, anh đành bấm bụng mà nhìn cái cảnh khổ của gia đình, nó diễn ra ở ngay trước mắt mình.
Anh lấy vỏ bao xi măng trải xuống nằm nghỉ lưng. Gác tay lên trán ngẫm nghĩ cái phận đời. Ôi chua chát sự thăng trầm trôi nổi, và những biến cố như khúc nhạc cứ biến tấu vang lên giữa cuộc đời. Nó làm ta chới với trong vòng xoáy cuộc sống, rồi lao lực bán công sức lấy tiền để mưu sinh. Ta nhìn thấy ta trong gương đời thê thảm, quần áo xộc xệch đầy xi măng bám khô. Đôi bàn tay chai sần sùi cứng tựa như đá sỏi, bao nhiêu lần lột da, lên da non, rồi lại chai cứng như quy luật ban đầu. Anh nghĩ vẩn vơ thấy buồn cho cái nghề xây dựng.
Có tiếng bước chân của ai đi đến rất gần nơi phía anh đang nằm. Thoạt nhìn, à thì ra là Hải, một người em làm cùng đã hơn một chục năm nay. Hải nhỏ hơn anh đến gần mười tuổi, cậu có gương mặt phúc hậu, tố chất hiền lương và thương những anh em làm cùng, vì ai cũng nghèo như ai mà đặc biệt nhất là hoàn cảnh khó khăn của anh Tường lúc này.
– Sao anh Tường không ra quán ăn cơm rồi nằm võng uống nước nghỉ ngơi cùng các anh em?
– Thôi tôi nằm ở đây được rồi. Với lại cái chân còn đau nên tôi lười đi chú Hải à.
Hải đưa chai nước, rồi đốt luôn điếu thuốc mời anh cùng nhau ngồi trò chuyện.
– Chú cứ mua nước cho tôi uống hoài tôi ngại chết đi được! Tôi cảm ơn chú nhiều nhé.
– Có gì đâu mà ơn với nghĩa, anh em với nhau mà. Em biết tính anh, anh tiết kiệm quá nên mới không đi quán, mà anh tiết kiệm cũng đúng thôi, vì một mình anh phải nuôi ba con nhỏ. – Hải nói kèm với nụ cười rất cảm thông.
– Chú thấy đó đủ thứ tiền lo toan! Rồi bây giờ con bé nhỏ nó sốt! Thật sự mà nói tôi rầu muốn nát ruột. – Anh chép miệng thở dài trong sự chán chường khôn nguôi.
– Cái chân anh còn đau, sao anh không nghỉ vài ngày cho khỏi rồi hãy đi làm?
– Tôi không dám nghỉ chú ạ! Có đau cũng phải ráng chịu mà đi.
– Nghề thợ xây của chúng mình nguy hiểm thật, nếu như hôm đó em không bảo anh mang gạch lên thì có lẽ sẽ không có vụ tai nạn xảy ra. Làm báo anh phải nằm viện một thời gian, con cái chẳng ai lo. Tôi thấy có lỗi với anh quá.
– Tôi không lên thì người khác cũng lên thôi. Mà chuyện cũng đã xảy ra rồi chú đừng tự trách mình nữa.
– Mà chị nhà đi từ lần đó cho tới nay, anh có tin tức gì không?
Đôi mắt của anh Tường tràn đầy nỗi buồn nhòa theo làn khói thuốc. Biết mình đã gợi lại nỗi đau Hải chuyển sang chuyện khác.
– Mà thôi. Cuối tuần có lương rồi em sẽ đãi anh nhậu. Đi nhé, ra quán làm vài cốc giải mỏi về ngủ cho ngon lành.
– Thôi để dịp khác vậy, tôi còn mấy đứa nhỏ ở nhà. Không có tôi bọn nó khóc suốt thôi.
– Vậy cũng được, khi nào anh muốn nhậu thì cứ nói với em. Thôi chúng ta vào làm.
Cái chân anh đi cà nhắc trông khó khăn vô cùng, những bước khập khà khập khiễng như trẻ mới biết đi. Anh làm nghề thợ xây từ thuở chưa có gia đình cho tới tận bây giờ, tính đi tính lại cũng ngót hơn hai mươi năm trời. Đã tận mắt chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn lao động, có nhiều đồng nghiệp tàn phế đến suốt cuộc đời và cũng có người đã vĩnh viễn ra đi. Vì sao? Vì đó là sự mưu sinh mà rủi ro nguy hiểm luôn kề cận trong bất kỳ lúc nào. Có nhiều người hỏi, tại sao anh không chọn nghề khác mà phải đi làm cái nghề đầy vất vả và có khi nguy hiểm đến tính mạng con người? Anh chỉ cười rồi khe khẽ trả lời : thì nghề nào cũng là nghề, cái nào chẳng có sự rủi may trong đó. Nếu ai cũng tìm nghề khác thì làm gì có những công trình kiến trúc nổi lên để biết kinh tế cùng xã hội đang phát triển, và chính bản thân anh cũng yêu nghề thợ xây. Chỉ đơn giản là đem đến cho đời một mái ấm hạnh phúc. Những công trình thật vượt trội hiện đại bằng chính đôi tay giọt mồ hôi của mình.
Một buổi chiều thật dịu dàng, nắng vàng trải xuống những tầng cây. Bầy chim bay rợp giữa trời như mới bị động tổ, chẳng còn nghe tiếng ríu ra ríu rít trên vòm lá sau những giờ nghỉ trưa. Chúng sẽ bay về tổ, vì đó là nhà của chúng có đầy đủ thành viên. Anh đưa mắt nhìn theo đắm chìm vào trong những suy nghĩ ” chim còn có bạn có bầy, thế nhưng sao anh…???”. Anh tự mình cắt ngang dòng suy nghĩ, hay nói đúng hơn anh không dám nghĩ thêm. Anh lặng lẽ ra về dưới nắng chiều vàng hoe.
Thường thì những người thợ xây, cứ mỗi lần xong việc được sự ưa đãi bởi các cuộc ăn nhậu từ phía của gia chủ. Nhưng anh thì không, anh còn phải về để lo cho ba đứa con thơ ở nhà, cơm nước, giặt giũ. Kể từ khi chị Xuyên đi, anh đóng luôn cả vai mẹ, một tay chăm sóc chu toàn mọi việc trong nhà đã ngót một năm trời.
Về tới đầu ngõ thấy con bé nhỏ đứng trước sân bơ vơ mà khóc rân trời. Đôi tay lẫn gương mặt lem luốc những lọ nồi, chắc nó đang chờ anh về. Anh âu yếm vỗ về, con bé càng khóc to hơn như muốn mách bảo những lúc anh vắng nhà. Tội nghiệp ba đứa con của anh, đứa tám tuổi, đứa năm tuổi và bé nhỏ chỉ mới có ba tuổi đầu. Ấy vậy mà nó lại thiếu tình thương của mẹ, phải sống trong cái cảnh nghèo túng thiếu. Anh đau xót ôm đứa con vào lòng ” mấy đứa đâu mà để em nó khóc vậy nè “. Con bé lớn chạy ra, nó mừng quýnh lên:
– Cha về rồi. Em đói bụng chẳng có gì ăn, con lấy cơm nguội đem đi chiên. Nó đói bụng nên cứ xuống bếp thò tay vào nồi, cái mặt giờ nhìn như bếp lò ông Táo.
– Có cho em uống thuốc chưa?
– Dạ rồi.
– Thằng Beo đâu rồi?.
– Beo thấy bé nhỏ đói bụng nên chạy qua nhà dì Chín hái mận cho em ăn rồi. Bé nhỏ chạy theo ra không kịp nên đứng trước sân khóc đó.
– Cha có nấu đồ ăn dư ra kia mà, rồi thức ăn đó đâu?
– Hồi trưa bé nhỏ làm đổ hết cả nồi rồi.
– Giữ em cái kiểu gì vậy. Thôi vào tắm cho em đi, xong rồi bắt nồi cơm lên để cha ra chợ mua cái đồ ăn khác.
Vừa nói xong anh đi vội vàng. Tiếng khóc của bé nhỏ cũng im lặng. Nhiều khi nghĩ đến cuộc đời của mình anh chỉ muốn gắt gỏng cho trôi cái uất ức, mà gắt gỏng với ai? Với con anh ư! Chúng nó có tội tình gì! Anh đành phải gắt gỏng với trời với đất, với chính cái số phận khốn nạn của mình. Nhiều khi nằm đêm suy nghĩ thấy đủ thứ bất lực muốn chết đi cho xong! Nhưng vì sao phải chết, con thơ luôn cần anh và anh có bổn phận phải nuôi nấng chăm sóc chúng kia mà. Chẳng lẽ trong nhà không có đôi bàn tay của người phụ nữ, đàn ông sẽ chết hết hay sao? Đúng là người phụ nữ họ chăm sóc con cái giỏi hơn đàn ông, họ chiếm một vị trí rất quan trọng trong căn nhà. Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng được như thế.
Đêm đó anh không sao ngủ yên được, cơn đau của cái chân đang bị thương khiến anh trở mình liên tục, và những tiếng ho của bé nhỏ nối liền, hòa vào trong ban khuya tĩnh lặng. Đôi khi các con giật mình khóc anh phải chạy ra vỗ về.
Nhìn cái giường nó lạnh và rộng đến vô cùng. Chiếc gối của vợ anh còn đó những sợi tóc còn sót lại, nhưng hơi thở ấm bên má đã không còn. Nó trống trơn, giờ chỉ có một người nằm trên chiếc giường đầy quạnh quẽ đã gắn bó hơn cả mười năm trời. Anh nhớ chị vô cùng. Đã hơn một một năm rồi chẳng có tin tức gì từ ngày chị Xuyên bước chân ra đi. Anh gác tay lên trán lòng buồn vời vợi, nghĩ lại những sóng gió đời mình.
Thuở ấy anh vẫn làm nghề xây dựng cứ sáng đi chiều về. Chị Xuyên làm thợ may, và mở thêm một quán nước nhỏ để kiếm thêm khoản tiền. Gia đình anh hạnh phúc lắm, bà con lối xóm chưa nghe bất cứ lời cãi vã phát ra từ phía nhà anh chị. Là người ở xứ lạ đến đây mua nhà chẳng có bà con thân tích, hiểu được điều đó nên anh chị sống hòa thuận yêu thương nhau lắm. Chị Xuyên rất đẹp, cái dáng thon thả, làn da trắng sáng mịn màng, chẳng thua gì so với các cô gái trẻ trong xóm, mặc dù chị đã ba mươi tám tuổi và có hẳn ba mặt con. Chị mở quán cà phê khách tới đông nghẹt, xóm trên xóm dưới, xóm giữa, thanh niên, thiếu niên, đàn ông cứ kéo đến nườm nượp. Chẳng biết là do nhà chị có cây xoài to đùng, bóng mát tỏa hết cái hè thích hợp để đàn ông đến nghỉ trưa uống nước đánh bài chơi cờ, hay là do chị có sắc đẹp quyến rũ và ăn nói ngọt ngào. Nhưng nhiều phụ nữ ở xóm này không ưa gì chị. Họ thường bảo với nhau rằng ” cái thứ phụ nữ có chồng có con mà chẳng ra cái gì, ăn mặc thì hở hang, ăn nói lẳng lơ, cứ gặp đàn ông là õng a õng ẹo. Thằng chồng nó cực bấy nhiêu thì con vợ lại sướng bấy nhiêu, cắm đầu làm bán lưng cho trời kiếm tiền để nó cho ăn diện, nhỏ đó đĩ bà cố”.
Chẳng biết là do họ ganh ghét vì chị đẹp, hay là từ khi cái quán cà phê chị mở thì các quán khác vắng như chùa Bà Đanh nên họ nói cho bõ tức. Nhưng cứ ông nào mà lui tới thì vợ ở nhà ghen ghê lắm. Thậm chí họ không may đồ ở nhà chị, mặc dù chị là người có tiếng may đồ đẹp trong xóm, rất vừa ý khách hàng. Từ đó chị bỏ luôn công việc may đồ, chỉ tập trung vào một việc duy nhất đó là bán quán nước. Người ta cũng hay nói ra nói vào với anh Tường về việc vợ anh ở nhà lẳng lơ này nọ. Anh hiểu rằng ” thì người ta thương mình nên người ta mới nói, chứ nếu ghét anh thì chẳng ai rảnh mà nói để làm gì ” anh chỉ cười rồi gật đầu cho qua. Vả lại anh luôn tin tưởng vào sự thủy chung tuyệt đối của người vợ đầu ấp tai gối đã sống với nhau đến mười mấy năm dài. Nhưng có quá nhiều người nói cũng làm anh khó chịu rồi suy nghĩ lung tung.
Những đêm hai vợ chồng thường xuyên thủ thỉ bên nhau, nói về công việc làm ăn và những dự tính của tương lai sau này. Anh nói với chị.
– Không ấy mình may đồ trở lại đi. Dẹp cái quán cho rồi.
Chị không khỏi ngạc nhiên khi nghe lời đề nghị từ chồng mà vốn dĩ từ trước đến giờ anh chưa từng hé miệng và nói.
– Dẹp. Sao lại dẹp. Đương buôn bán làm ăn được. Dẹp là dẹp thế nào. May đồ ngồi cả ngày muốn gãy cái lưng mà có bao nhiêu đồng bạc.
– Tôi sợ mình cực, vì lúc nào về tôi cũng thấy một thau ly còn chưa kịp rửa. Lại còn phải trông con, nấu cơm, giặt giũ.
– Có cực mấy cũng phải làm, không làm thì lấy cái gì nuôi con, lương thợ hồ của anh có đủ nuôi mẹ con tôi đâu.
– Mình nói vậy mà nghe được. Ba đứa con nó mặc toàn đồ cũ, lại ăn trước hụt sau, còn mình thì quần xinh áo đẹp xuyên suốt. Lại còn nước hoa, phấn, kem, son, đủ thứ, lại còn đi làm đẹp một tháng không biết bao nhiêu lần.
– Thì phụ nữ thì phải vậy chứ sao bây giờ. Tôi đẹp thì anh cũng được hãnh diện kia mà.
– Đúng là vậy, nhưng cái nào cũng vừa phải trong hoàn cảnh, mình phải lo cho con cái nhiều hơn. Mình thấy tôi không? Cái gì tôi cũng hy sinh cho mẹ con mình, thậm chí tôi còn không dám ăn, dù nếu có thì cũng những thứ rẻ tiền.
– Tôi làm vậy cũng là đang lo cho cái nhà này đấy.
– Tôi thấy trước kia mình chưa mở quán cuộc sống của nhà mình cũng ổn định kia mà, tôi đi làm mình ở nhà may đồ như thế chẳng hay hơn sao?
– Sao hôm nay lại có ý định muốn dẹp quán nước vậy?.
– Thì tôi nghe nhiều người nói ra nói vào những điều không hay về mình.
– À thì ra là ghen tuông. Ai nói gì mặc kệ họ, anh tin tôi hay tin người ta thế? Tôi sống với anh bao nhiêu lâu rồi? Nếu tin người ta thì đến đó để họ nuôi anh luôn đi.
– Thì tôi chỉ nói vậy thôi chứ không có gì.
– Người ta nói với anh vậy là do họ ganh ghét, họ muốn phá nát cái gia đình của mình. Tôi mà nghe con nào, thằng nào nói tôi vả thẳng vào trong mặt cho biết tay.
– Thôi bỏ đi, ngủ thôi.
Sáng hôm sau anh đi làm như mọi ngày. Được nửa buổi thì trời mưa, nhà thầu quyết định tạm ngưng thi công, cho tất cả người làm ra về và hưởng lương nửa ngày. Anh vừa về đến ngõ chú Tư vừa đi đồng về kêu ghé lại nói nhỏ.
– Mày về mày coi con vợ mày kìa. Đàn bà con gái có chồng mà còn tổ chức ăn nhậu với bọn đàn ông xa lạ trong khi chồng vắng nhà. Lại còn ca hát nhảy múa ôm xà nẹo, nó quá lắm rồi. Tao đi ngang nhìn vào mà thấy chướng mắt. Về lẹ đi con.
Anh Tường vội vàng chạy thẳng về nhà, thấy trong quán nước của mình có tới năm đến sáu gã đàn ông mà chỉ có duy nhất một mình vợ anh là phụ nữ. Họ đang ăn nhậu, ca hát nhảy múa. Tiếng nói tiếng cười rần rần, đụng tay đụng chân loạn xạ thật dị hình nhìn chẳng ra cái thể thống gì. Hóa ra những gì họ nói trước đây với anh là có cơ sở, không phải đặt điều nhằm phá hoại hạnh phúc của gia đình mình. Mặc dù trước đây anh có về nửa ngày mỗi khi công trình tạm ngưng vì mưa gió, nhưng chỉ thấy khách đến uống nước trông rất lịch sự, nào có giống như bây giờ. Anh điên người chạy thẳng vào dang tay hất tung cái bàn. Chén, muỗng, đũa, ly, rơi lẻng xẻng nằm ngổn ngang dưới đất. Anh chỉ tay vào mặt của những kẻ đàn ông xa lạ rồi hét lớn ” cút hết, cút hết, cút ra khỏi đây ngay. Nơi này là quán nước chứ không phải cái quán bia ôm đèn mờ”. Vừa dứt lời anh đưa tay tát thẳng vào mặt vợ mình cái bốp như trời giáng. Bọn đàn ông sợ khiếp vía nhanh chân giải tán ra về. Chỉ còn lại hai vợ chồng với những tiếng mưa càng lúc càng lớn mạnh. Anh ngồi xuống cái ghế thở dài trong sự chán nản vô cùng. Vợ anh khóc thút thít đưa bàn tay mà ướm lên gò má.
– Dẹp cái quán này là đúng, mở ra nó là một sự sai lầm. – Anh nói trong niềm tức giận dâng trào.
– Tôi có làm gì sai mà anh đánh tôi. – Tiếng khóc kèm với giọng nói của chị hòa vào nhau, thật khó nghe vô cùng.
– Không làm gì mà ôm nhau nhảy múa trước bàn dân thiên hạ. Rồi người ta đánh giá như thế nào về việc có chồng con mà lại ôm nhau với đàn ông lạ, mặt mũi để ở đâu bây giờ.
– Tôi làm vậy là có lý do. Cũng vì muốn cái quán này đông khách, để kiếm tiền lo cho con cái. Huống gì họ chỉ mượn nơi để nhậu. Tôi bán quán kia mà.
– Thế thì ôm nhau nhảy như thế là vì gia đình đấy à?
Chị im lặng không nói lời nào tiếng hớt hớt kéo dài, đôi khi tay lau nước mắt rồi nhìn ra đường trong sự lặng im. Kể từ đó chị giận không thèm nói chuyện với nhau, anh cũng bỏ mặc chẳng hỏi han hay quan tâm gì tới nữa. Một sự yên lặng đầy lạnh lùng nó vốn dĩ chưa từng có trong chính ngôi nhà này. Được vài ngày thì anh chị đã nói chuyện trở lại. Cũng vui vẻ hòa thuận như chưa có chuyện gì. Bỗng một ngày anh đi làm về chẳng thấy bóng dáng chị đâu nữa. Cái quán đóng cửa, ghế bàn bên ngoài còn nguyên vẹn thật khác với mọi ngày. Trong nhà ba đứa con khóc í ới như bị ai đánh, đồ vật nằm ngổn ngang, bừa bộn, chẳng gọn gàng như mỗi chiều anh đi làm về. Con bé lớn chạy đến nắm lấy anh nói khẽ: “Cha ơi, mẹ dọn hết đồ đi rồi” kèm với tiếng khóc của nó, anh chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Anh rối bời hỏi lại :
– Mẹ đi đâu? Mà đồ gì mà dọn?
– Hồi sáng lúc cha đi làm có một chú nào đó dừng xe ở trước sân nhà mình. Mẹ ở trong buồng gom hết quần áo rồi ra trước sân cùng chú đó đi khỏi. Trước khi lên xe đi hai người còn ôm hôn nhau nữa.
Anh nghe xong một mạch chạy thẳng vào buồng thấy quần áo của vợ đã dọn sạch, và chiếc tủ đựng tiền vàng cũng trống trơn chẳng còn một đồng nào. Vợ anh đã lấy sạch, những đồng tiền chắt chiu mà hai vợ chồng đã dành dụm lo tương lai của các con sau này. Thế là giờ anh đã mất hết tất cả, tài sản duy nhất của anh hiện tại là ba đứa con này. Chị đã dối lừa anh từ ngày mở ra cái quán nước, với muôn lời ve vãn ong mật chị đi theo tiếng gọi mà bỏ chồng bỏ con. Kể từ đó anh không còn tin tức gì của chị nữa.
Đêm nay bỗng nhiên anh thấy nhớ chị, đưa tay cứ sờ vào chiếc gối mà đôi mắt muốn rưng rưng nỗi niềm. Người ta hay nói ” những nỗi buồn thầm lặng nó chỉ phơi bày và thổ lộ với đêm, chỉ có đêm là thấu hiểu và đong đếm được nỗi sầu dâng chan chứa trong lòng người “. Anh cũng không ngoại lệ. Đêm nay trời lại mưa, những tiếng sét gầm từ xa lắc vọng về, chiếc giường lạnh bây giờ càng lạnh thêm. Anh nở nụ cười và cũng rơi hai hàng nước mắt, tự thì thầm với chính bản thân mình ” đời đúng là buồn cười, thật là buồn cười, mình làm nghề thợ xây để thiên hạ có được căn nhà kiên cố và sống trong niềm hạnh phúc một gia đình êm ấm. Ấy vậy mà mình xây hạnh phúc cho riêng mình, nó lại sập tan tành”. Anh khóc trong lặng lẽ, trong nỗi niềm nhớ chị, và cho cả vết thương đau vợ chồng mà chị đã để lại, anh ôm chiếc gối đặt lên ngực miệng cứ gọi ” mình ơi”. Ngoài kia những tiếng mưa càng lúc càng nặng hạt, như ông trời thương cảm và khóc cho phận anh.
Tác giả: Quang Nguyễn