Quê tôi sống là một vùng trung du bán sơn địa. Trông xa xa là điệp trùng rừng núi. Nếu đi ngược sông Giăng, sông Lam sẽ thấy chênh vênh hai bên sườn núi những rừng lau sậy mùa này nở hoa trăng trắng, bông to như đuôi con cáo trưởng thành khỏe mạnh. Nếu xuôi về Nam đàn quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ ngất ngây trong hương cau và hương sen dịu ngọt. Ở đất Đô Lương, nơi được xem là cầu nối hai miền ngược xuôi, người dân tiếp thu tinh hoa của hai quê nên bốn mùa hoa trái xanh tươi. Đến xã Đặng sơn là mênh mông dâu tằm và ngô khoai biêng biếc. Đến xã Yên sơn là non nõn những cánh ruộng chuyên canh trồng rau muống xanh um. Đến Đông sơn là nơi những mảnh vườn bốn mùa có rau thơm, rau cải, xà lách…Thế còn ở đất xã “lòng đỏ” Tân sơn, người nông dân có kinh nghiệm và cả niềm đam mê trồng dưa leo- một thức quả ngon và mát, nhất là trong những ngày hè oi bức thế này.
Người dân xã Tân Sơn, Đô Lương quê tôi cứ đến cuối tháng Chạp âm lịch là bắt đầu xuống đồng làm vụ xuân- hè ( hay là mùa tháng Năm). Gieo cấy lúa xong là họ quay sang làm đất trồng dưa leo. Đó là những thửa ruộng vốn không cho năng suất cao nếu trồng lúa. Vốn có tính thức thời và tinh thần học hỏi, sáng tạo, người dân chuyển sang thâm canh dưa leo. Đầu tiên, đất được xới tung lên để phơi nắng, phơi sương và uống no nê mưa xuân trong mát.Hình như mỗi một giọt xuân thấm vào đất là nơi ây ấy trở nên mềm mại và mỡ màu. Mặt khác, đất được bón vôi bột thật đậm để diệt trừ mầm bệnh và phòng ngừa sâu hại cắn cây. Khâu này quan trọng lắm. Nếu sơ suất là công cốc mất thôi. Đất sau khi phơi sẽ được xới cho tơi xốp và vun thành từng luống, từng luống, nổi lên như luống bà con vẫn trồng khoai lang trước đây. Nếu nhà nào làm đất kĩ là biết ngay. Mùa ấy năng suất hơn hẳn.
Trước khi gieo hạt, trên luống sẽ được cắm choải để chuẩn bị đón dây leo. Choải có kết cấu khá vững chãi. Cọc thân tre đực cao khoảng 2,5 đến 3m đóng thành hàng dọc làm điểm tựa cho các ngọn tre có nhiều tay tre. Lạt tre mềm và dẻo dai buộc vào cho chắc. Có những gia đình làm choải một lần mà nhiều mùa sau vẫn vững. Hạt gieo xuóng độ dăm ngày sẽ nảy mầm. Bẵng đi vài ba tuần không đi ngang qua, một ngày kia, đến phiên chợ Đình, nhìn sang nơi ấy, đã thấy dưa leo đến nửa thân choải. Lác đác đã trổ hoa vàng. Trông những cánh hoa xinh trên thân leo mập mạp là đủ đầy niềm tin về một mùa dưa bội thu sắp sửa…
Thực ra, người dân Tân sơn dường như có ý ưu ái hơn một chút cho những thửa ruộng trồng dưa leo so với các thửa trồng khác. Những thửa đất này có vị trí ngay bên hệ thống kênh dẫn nước đã đành lại còn có một hồ rộng dự trữ. Về mùa này, bà con thả sen xuống hồ nên cảnh sắc càng thêm hữu tình, nếu không muốn nói quá lên là xinh lung linh…Mở ra trước mắt ta là một cánh đồng dưa đã đến mùa thu hoạch. Đứng trên bờ là không thấy choải đâu nữa. Dưa leo xanh um, trùm kín cọc tre và che khuất các tay tre. Cứ đi trên đường rộng mà ngắm cũng đủ thấy ngon mắt. Không cần rẽ những chiếc lá ngăn ngắt xanh cũng được thấy lúc lỉu những thế hệ quả. Dưới gốc là những quả đã dì dì. Tức là quả được khoảng 4 đến 6 ngày tuổi kể từ khi đậu. Đây là thế hệ thu hoạch đầu tiên và chất lượng nhất. Là vì trước đó chưa có và sau thì đã nhiều.
Quả dưa nào cũng ngon nhưng lứa dưa mở đầu là hấp dẫn nhất, vì nó được chờ đợi những ba bốn tháng mới trở lại. Thế hệ thứ hai nhỏ hơn một tí. Cuống rốn còn dài, thân còn bé và nham nhám gai mềm. Trên cùng là những quả bé xíu còn núp dưới bông hoa vàng tươi chờ được thụ phấn. Ong, bướm rộn ràng bay qua bay lại. Chúng tíu tít gọi nhau, mau mau hút mật và đem phấn hoa từ bông này sang bông khác. Chẳng khác gì một vũ hội ngày hè sôi động. Phấn hoa theo chân ong, đem hạnh phúc cho hoa vàng nuôi quả. Để nối dài những mùa dưa leo bất tận quê tôi. Thời điểm dưa ra quả, bà con chỉ chú trọng tưới nước thật nhiều. Lúc này phải ngừng tất cả các loại thuốc bảo vệ thức vật có hóa chất vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe người dùng. Thay vào đó, họ sáng chế ra các loại thuốc thực vật an toàn. Phổ biến nhất là giã nhỏ ớt cay, ngâm với nước rồi pha loãng đem phun cho cây từ buổi sáng sớm. Thứ này chống được loại bọ xít cánh cam chuyên đốt ngọn và quả dưa non chưa kịp trưởng thành.
Dưa leo đến với cuộc sống thường nhật của người dân quê tôi một cách tự nhiên mà sống động. Những đứa trẻ đi học về cầm trên tay quả dưa căng mọng. Hình như mỗi miếng dưa mát lành ùa theo tiếng cười vô tư tuổi nhỏ đã cho em thêm một chút phổng phao, khôn lớn vì nó chắt lọc tinh hoa đất trời quê hương và những giọt mồ hôi từ bàn tay người dày công trồng trỉa chăm bón. Bữa ăn gia đình trở nên ngon hơn vì mẹ và chị cắt dưa thành từng miếng mỏng, trộn ít gia vị như tỏi, hạt tiêu xay nhỏ, thêm tí lá thơm như húng quế hay kinh giới và sau cùng là xúm lạc rang bể đôi. Đó là món nộm dưa đơn giản mà có sức mời mọc nhiều nhất cho mâm nhà mùa nắng…
Dưa leo làm cho da mặt các thôn nữ căng mướt vì nó là thứ mặt nạ dưỡng da vô cùng hữu hiệu. Một quả dưa leo rửa sạch để trong ngăn mát tủ lạnh. Đến đêm xắt thành lát mỏng mà đắp lên mặt. Nằm yên để cảm nhận từng giọt mát lành thấm dần vào da… Phút giây thư giãn ấy chẳng còn gì bằng sau ngày dài bươn chải. Chẳng phải đi đâu, xa hoa, đắt đỏ hay spa này nọ. Mặt nạ dưa leo vừa cho da chắc khỏe vừa an toàn…Chả thế mà từ chỗ chỉ phục vụ gia đình, đến nay dưa leo Tân Sơn quê tôi đã thành một mặt hàng hoa quả bán rất chạy.
Dưa bán ngay chợ quê của xã. Dưa lên chợ huyện. Dưa thành thức quả cho con cháu mang tận Hà nội, Sài gòn…Dưa tỏa về nơi nơi cho cuộc sống thêm đầm ấm và ngọt ngào tình quê hương. Cũng không phải chỉ có một Tân sơn đổi mới và đi lên mà có nhiều xóm xã khác đã theo đó mà nhân rộng mô hình. Nơi nơi ra sức dựng xây nông thôn mới…Thật phấn khởi và tự hào…
Về quê mình xứ Nghệ, mến yêu biết bao những sản vật bình dị mà ân tình đậm sâu. Dưa leo quê tôi cũng vậy. Được chấm điểm cao cho chất lượng. Hơn hết, nó là thành quả của sự sáng tạo và bàn tay lao động cần cù của con người nơi đây. Đứng giữa khung cảnh nên thơ của mảnh đất này, một bên là sen hồng sóng sánh mặt hồ đang chen nhau đua nở, một bên là những ruộng dài dưa leo đang độ căng trái, sây lá, nhiều hoa…tưởng như bao nhiều ồn ã nóng nảy chốn thị thành tan biến hết. Có một chốn yên bình, trù phú như thế, lẽ nào không muốn tìm đến và dựng xây tổ ấm. Phải vậy không? Hỡi người…
Tác giả: Thanh Ngà