Xa xa khơi, xôn xao đời cát đời nắng. Gió còn ngồi trên lưng chiều mà đủng đỉnh heo may. Cây đèn biển chòng chành màu mắt em say, khóe mắt ai cay. Chẳng biết tự khi nào tôi gọi đó là mắt biển.
Năm bảy tuổi, một lần đứng trước cửa biển Diêm Điền quê hương vào lúc hoàng hôn đang lên, chập choạng bầy chim gọi bạn. Tôi dõi mắt về phía Hòn Dấu, Đồ Sơn, Hải Phòng, nơi ấy đang lốm đốm những chấm sáng từ ngọn hải đăng Hòn Dấu.
Bảy tuổi với những ước mơ chẳng hề viển vông, tôi đã thầm nguyện khi lớn lên sẽ tự mình đi về phía ngọn hải đăng đó. Ngày ấy theo lời người lớn, tôi hiểu hải đăng là để dẫn dắt tàu thuyền đi tới những miền xa xôi, thỏa chí tang bồng, thỏa những ước mơ và khát khao bến bờ gặp gỡ. Nhưng càng lớn, với những trải nghiệm của đời mình thì tôi dần hiểu, hải đăng là để dẫn dắt con người ta trở về.
Trở thành một sỹ quan hàng hải, chu du đó đây trên những con tàu, đôi khi tôi chợt nhận ra rằng: thế giới này thật bé nhỏ, chỉ có những ngọn hải đăng, chỉ có những con mắt của biển là luôn mở to, thật to để dẫn dụ những con tàu về bến, để yêu thương những người đàn ông trở về với những người đàn bà của mình.
Lầm đường lạc lối giống như trong tay cầm chiếc la bàn nhưng lại đang đứng ở tâm cực bắc của địa cầu. Khi ấy thì chỉ có tiếng gọi từ trái tim, mới giúp bạn có thể hình dung ra con đường bạn cần phải đi… Và trên con đường ấy thứ ánh sáng soi đường cho bạn chính là những người đang nắm giữ tâm hồn bạn ở quê hương… Đó là cây đèn biển lớn nhất của cuộc đời bạn vậy.
Đi dọc từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ miền duyên hải Việt Nam đến nhiều eo biển, cảng biển ở nhiều quốc gia khác, đâu đâu tôi cũng thấy những mắt biển thao thức canh dài. Mắt biển đẹp, có lúc lộng lẫy kiêu sa, có lúc lẻ loi cô đơn, có lúc giận hờn vô cớ. Nhưng ở đâu cũng vậy tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp lạ kỳ của mỗi một cây đèn.
Những cây đèn, những mắt biển ban ngày như một vật vô tri, ấy vậy mà kể từ dạo hoàng hôn thở dài trên mỗi phiến lá, trên mỗi phiến sóng, trên mỗi âm ba điệp điệp của thời gian thì cây đèn bỗng trở nên gần gụi như có một linh hồn.
Vậy nhưng càng gần bờ, càng gần mỗi thương cảng, phồn hoa, người thủy thủ lại dễ nhầm lẫn ánh sáng của cây đèn biển với hàng trăm hàng vạn thứ ánh sáng lung linh khác. Tôi vẫn thường gọi đó là thứ ánh sáng ký sinh.
Phải đó, chúng là thứ ánh sáng ký sinh, chúng có thể dễ dàng mờ mị mắt người, mà những người đàn ông đi biển chỉ cương nghị giữa phong ba nhưng lại có thể dễ dàng sụp đổ khi họ tiến vào bờ bãi. Phong ba ở ngoài khơi xa kia khác hoàn toàn với những cạm bẫy lọc lừa nơi bờ bến. Những khi ấy chỉ có ánh sáng của cây đèn biển, chỉ có mắt biển mới cứu rỗi linh hồn.
Không hiểu sao mỗi khi nhìn ánh chớp từ cây đèn biển lóe sáng lên, khi hi vọng bắt đầu chảy vào tim tôi thì cũng là lúc tôi nhận ra thứ ánh sáng ấy có lúc quặn thắt như trái tim một người đàn bà ngừng đập trong giây lát vì tưởng chừng tiếng chân ngoài kia là của người chồng ở một nơi xa trở về. Và cũng bởi thế, bao năm rồi mỗi khi nhìn thấy một cây đèn biển ở bất kỳ đâu tôi đều có cảm giác ấy như một người đàn bà chờ chồng.
Trên thế gian này sẽ không có sự chờ đợi nào vĩ đại bằng sự chờ đợi của một người vợ dành cho một người chồng. Một cô gái chờ đợi người yêu, sự chờ đợi ấy rồi cũng tan vào sóng. Một người bạn chờ đợi một người bạn, sự chờ đợi ấy cũng sẽ tan vào gió. Chỉ có sự chờ đợi của một người đàn bà chờ chồng là sẽ tan vào ánh sáng. Một thứ ánh sáng bất tử. Ấy là mắt biển… Khi tôi thấy loe lóe chớp, khi tôi thấy loe lóe sáng cũng là lúc tôi cảm nhận được ánh mắt của người vợ yêu thương.
Bôn ba mãi rồi cũng có lúc dừng chân. Tôi chọn Vũng Tàu là nơi trú ngụ, cho những ngày dài còn mưa thương nắng, cho những đêm sâu rối bời tìm đâu, cho yêu thương cúi đầu, cho ánh mắt ngẩng đầu, cho những bước chân đừng khi nào lầm lạc. Thu như đang lên con dốc em quên, tay như như đang lay bờ vai ai thiền, ngoài hiên trầm ngâm phố, ngoài mây trầm ngâm sương và con đường chạy lên ngọn hải đăng Vũng Tàu quanh co vấn vương.
Hải đăng Vũng Tàu tọa lạc trên đỉnh núi Nhỏ hay còn gọi là núi Tao Phùng được người Pháp xây dựng vào năm 1862 nhằm mục đích chỉ đường, báo hiệu cho các tàu thuyền qua lại, nằm ở độ cao là 149m so với mực nước biển. Đến năm 1913, người Pháp xây lại ngọn hải đăng này, thay đổi độ cao ngọn hải đăng từ 149m lên đến độ cao 170m. Hải đăng Vũng Tàu là một trong những hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Nếu có dịp đến thăm thành phố bé nhỏ của chúng tôi mà vì một lý do nào đó bạn bỏ quên cây đèn biển thì đó sẽ là tiếc nuối của bạn cho muôn ngày sau.
Trời vào chiều, những con dốc đổ thoai thoải đường lên hải đăng. Nhìn ra bốn bề thành phố, nhìn xuống thăm thẳm biển khơi, Vũng Tàu như một cô gái thừa những đường cong trác tuyệt mà khiêm tốn nằm nghiêng mình bên bờ biển.
Biển lên đèn, thành phố lên đèn, mắt những cô gái lên đèn, mắt những người vợ lên đèn, mắt tôi lên đèn. Giữa cuộc sống bộn bề bon chen, bộn bề nhỏ nhen, bộn bề thương nhớ thành quen có khi nào bạn hướng về mắt biển?
Không đâu, khi bạn đang tưởng mình hướng về mắt biển thì từ ngàn xưa, từ ngàn sau từ ngàn những câu người ta thương yêu nhau, mắt biển đã hướng về phía bạn. Khi tôi đứng từ boong tàu để nhìn về phía những ngọn hải đăng thì trong lòng, trong sự hình dung đôi khi viển vông của một người đi biển, tôi chỉ thấy nơi ấy, chốn ấy nhỏ nhoi vô cùng.
Nhưng hôm nay, ngày mai, ngày kia, những ngày sau về sau đứng từ ngọn núi Nhỏ này, đứng từ cây đèn biển cổ xưa này để dõi theo những vệt tàu đi, những vệt sóng loang, những người thủy thủ đang ngày đêm hồn treo cột buồm, tôi mới thấy nơi tôi đang đứng là vĩ đại. Phải rồi, sự chờ đợi luôn vĩ đại.
Đừng quên khi bạn ra đi thì luôn có ánh sáng từ căn nhà bạn gọi bạn trở về. Và không ai khác người vợ của bạn, người mà mỗi chiều thắp lên khói bếp vấn vương, thắp lên cả những ánh sáng ngàn năm tơ vương, ấy chính là một cây đèn biển khổng lồ…
Nguồn: Group Tản Văn Hay