Tôi đang đứng ở vùng đất Phương Nam mênh mông sông nước – xứ sở của bông lục bình long đong tím trong ráng chiều cháy đỏ. Vẳng đâu đây tiếng đàn ca tài tử gợi cảm giác bi ai, buồn rười rượi: “ Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi. Thương những đời như lục bình trôi ”. Bất giác, tôi nhớ đến câu thơ tài hoa của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý viết cho lục bình : “ Lục bình một nửa là hoa. Nửa như châu thổ câu ca tím buồn ”
Người ta gọi lục bình là kiếp hoa trôi dạt vì nó nương mình theo con nước trên các kênh rạch, sông hồ, mương máng. Cùng là hoa thủy sinh nhưng sen được nâng niu cắm trong bình, đặt nơi trang trọng, dùng trong ngày lễ lạt hay đặt cạnh các loài hoa khác còn lục bình thì thờ ơ, lãng quên nếu không muốn nói là bị hắt hủi, ghẻ lạnh đến tội nghiệp nói chi đến được bàn tay người nâng niu chăm chút. Từng khóm lục bình tự ken vào nhau thành vạt, thành bè mà sinh sôi nảy nở, vừa hăm hở đẩy sào theo con nước đầy vơi, vừa bời bời nở tím vào lòng hạ. Lục bình lụy tình sông nước mà xa dời chốn phồn hoa, đô hội . Lục bình trôi vào thần thoại Hy Lạp tự xa xưa. “ Do sự ghen tỵ của với tình cảm của thần mặt trời dành cho cậu bé Hyakin mà thần Gió đã vô tình gây ra cái chết cho cậu. Từ thi thể cậu mọc lên loài hoa đó là lục bình.” Còn trong một lần lang thang sông nước Bình Dương tôi lại được nghe người dân nơi đây kể về câu chuyện tình của nàng Thy Bình. Phải chăng vì thế mà người dân nơi đây đã dùng tên của nàng được dùng để gọi loài hoa này: hoa lục bình. Mỗi người yêu lục bình đều có cách yêu riêng của họ. Với tôi, tôi yêu cánh hoa mềm mướt, mỏng tang điểm chấm tím như con mắt nở cùng một lúc. Mùa lục bình dập dềnh sắc tím, không tím biếc như violet, tím đậm như lưu ly mà tím mỏng manh, tím ngưng đọng tuổi thơ, tím dại khờ kí ức khiến tôi tìm được cảm giác bình yên khi neo đậu nơi đây nghe tiếng bìm bìm kêu con nước chạm ngang lòng. Khắc khoải, quạnh quẽ và buồn chết giấc. Lục bình không nhà, trôi dạt kiếp phù du, lênh đênh bám trụ giữa dòng đời mưa giông chớp bể. Cứ phong phanh, thầm thĩ tâm tình với nắng gắt, sương khuya, với chim trời cá nước tự do, tự tại. Lục bình ai thả tím dòng kênh, lục bình có như đời sông, đời người không không có có. Sắc hoa làm cho dòng sông trở nên hài hòa, huyền diệu. Song cũng như phù dung đời hoa thật ngắn ngủi. Phải chăng mà lục bình tím nhất lúc hoàng hôn chạng vạng để rồi rũ mình vào nước bung biêng.
Thủa nhỏ, tôi thực sự ấn tượng với vẻ đẹp và sức sống của chúng và tự hỏi: loài hoa ấy đến từ đâu? Vì sao lại gọi chúng là lục bình? Giờ khi đã trở thành bà mẹ hai con tôi mới lục bình có mặt khắp nơi trên thế giới từ bờ tây vùng Amazon ở Nam Mỹ hay những quốc gia ven sông Hằng như Ấn Dộ, Băng-la-đét đến cả đất nước mặt trời mọc xa xôi. Còn ở Việt Nam, lục bình sinh sống nhiều nhất ở Tiền Giang, Long A, Đồng Tháp, Sóc Trăng… Người Miền Bắc gọi lục bình là bèo Tây vì nó được người Tây ( người Pháp) mang vào Việt Nam từ thế kỉ XX để làm phân bón. Người Miền Nam gọi là lục bình vì cuống lá của chúng phình lên giống lọ lục bình và vì hoa của chúng có 6 bông (lục là sáu) trên một đọt hoa nhú lên từ bẹ lá nổi trên nước. Bông lục bình rạng rỡ như nụ cười em gửi cả nỗi lòng đa mang nương miền sông nước.
Có lẽ cư dân Phương Nam thấy mình trong bóng dáng của lục bình: nơi nào sống được thì neo đậu buôn bán, nơi nào không sống được thì chống sào dời bến. Họ bươn bả, giang hồ, lãng tử và ham sống, kiên cường mạnh mẽ. Người phụ nữ nương náu gởi đời mình vào ca dao với nỗi buồn thân phận nhỏ nhoi và sự nổi chìm vô định “bèo dạt mây trôi”của lục bình. Còn tôi lại cho rằng loài hoa mang ý niệm về sự tồn sinh: con người tìm sự sống bên dòng nước, chìm nổi như con nước rồi lại trở về với nước. Hoa mang thông điệp và nhắc ta về sự thiện lành của kiếp người trong nhân gian. Những bông hoa bám rễ vào nước, điềm nhiên sinh nở trên nước, chờ nước để lênh đênh phiêu dạt, úa tàn trong nước, đợi mùa nước mới mà thức dậy vươn lên.
Tôi thực sự ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ Trương Xuân Chi kể lại: Trong chiến trường miền Tây khe Sanh bắc Quảng Trị nhờ có lục bình giã nát đắp vết thương thay cho kháng sinh mà rất nhiều thương binh được cứu sống. Lại một câu chuyện của chị Ánh _người phụ nữ Khoái Châu , Hưng Yên đem lục bình sang châu Âu với những sản phẩm thủ công làm từ loài cây hữu ích này khiến tôi ngạc nhiên. Còn người miền Tây coi lục bình như một một món quà sông nước mà mẹ thiên nhiên ban tặng: món rau thôn giã, một bài thuốc dân gian quí, một loại cây bảo về môi trường.
Ở Nhật Bản một cây lục bình bán 21 nghìn đồng trong khi ở Việt Nam nhiều nơi nó bị bỏ hoang đến tội nghiệp. Bởi thế lục bình vô tình đã trở thành tội đồ vì ngang nhiên xâm phạp diện tích trồng cây nông nghiệp hay nuôi trồng thủy sản của người dân. Tôi miên man nghĩ về một tương lai, số phận mới dành cho một kiếp lục bình trôi dạt.
Sợi nắng xâu kim cánh lục bình lao xao gió chiều sóng nước. Hoa níu chân ai bên dòng quê tảo tần lở bồi sắc tím. Em cứ tím tận cùng đời sông, giản dị và vẹn nguyên trong tôi bình yên đến lạ.
Tác giả: Khương Thị Mến