Tôi về thắp hương cho cha tôi nhân ngày giỗ đầu của ông.Lòng tôi bỗng trào dâng những xúc động , bùi ngùi … Giọt nước mắt buồn thương bỗng dưng chảy tràn nơi khóe mắt … Miền ký ức lung linh của những ngày chưa xa chợt vọng về trong tâm thức… Cha con tôi có chung nhiều kỷ niệm và cùng chung một nỗi buồn…
Mẹ lấy cha tôi không phải vì tình yêu , tình thương mà vì sự giàu có của gia đình bên nội. Mẹ cùng công tác với bác (chị gái của bố tôi) nên bà đã mưu mô chiếm cảm tình của bố tôi – cậu “công tử”sinh trưởng trong một gia đình gia giáo nề nếp đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Mẹ tôi là nhà giáo gốc nông dân nên suy nghĩ của đã có phần nông cạn và thiển cận… Mẹ đến với nghề vì mẹ yếu nhất nhà nên được ông bà ngoại tôi cho đi học để có nghề chứ không vì tình yêu thương con trẻ ,lẽ đó cha con tôi cũng không nhận được những chăm sóc yêu thương dịu dàng từ mẹ … Gần 50 năm làm bạn với mẹ ngoài những lúc cha tôi khỏe mạnh kiếm được nhiều tiền… Còn lại việc chăm sóc cha con tôi mẹ luôn là một cách miễn cưỡng…
Làm con của cha, chị em tôi sớm chịu những thiệt thòi từ tấm bé… Vì sinh liền nhau nên việc chăm sóc của bốn chị em cùng một lúc khiến cha mẹ tôi vô cùng vất vả… Những năm tháng đó mẹ tôi kể:” Hai bố mẹ làm cán bộ công nhân viên nhà nước chỉ được mua cung cấp một chiếc xe đạp phải thay nhau sử dụng . Bố làm công nhân hóa chất tại một nhà máy lớn cách nhà 20 cây số. Công việc của bố phải làm ca kíp thường xuyên . Mẹ làm hiệu phó của một trường cấp 1. Cứ hôm nào mẹ có lịch đi họp trên huyện là bố phải bỏ xuất bồi dưỡng ca đêm để về đưa xe để cho mẹ đi họp về nhà bố của con cũng không được nghỉ mà phải giã bột nấu cháo cho chị”
Cha tôi sinh trưởng trong một gia đình giàu có nên chỉ ham chơi không chịu học hành thành thử ông không thể thích nghi được với những đấu đá tranh giành trong nhà máy (mà thời nào cũng có) nên ông thường xuyên phải chuyển đổi công việc rồi ông nghỉ hưu sớm.
Vào thời bao cấp đồng lương giáo viên của mẹ tôi vô cùng eo hẹp cha tôi đau ốm thường xuyên nên cũng chỉ được hưởng lương ốm ( hàng năm mới lĩnh) gia đình tôi lại ” đông đàn đủ đống”nên kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Là con thứ hai trong một gia đình có người cha đau yếu nên tôi đã sớm phải gánh vác việc gia đình. Từ khi còn nhỏ tuổi,tôi đã sớm là đứa trẻ đảm đang tháo vát… Bữa cơm thời bao cấp của gia đình tôi chỉ có muối rang tiêu , cá khô đậu và canh rau tập tàng nhưng dưới bàn tay khéo léo của tôi , cả gia đình vẫn có những bữa cơm “thịnh soạn ” . Tôi hái lá xương sông, nụ mướp , rau ớt, rau dệu, rau giền cơm … Tôi rửa sạch các loại rau và nấu thành một nồi canh thơm phức bởi ở đó có vị chua mát của rau xam , vị cay giòn của rau ớt, vị thơm bùi của rau dền cơm, nụ mướp, vị thơm của xương sông lá lốt… Những lúc những lúc như vậy cha tôi luôn dành tặng tôi lời động viên khích lệ “canh hôm nay con Phương nấu ngon tuyệt !”
Cha tôi có một người bạn tri kỷ – chú Thành làm cùng phần xưởng với cha tôi chú cũng là ân nhân của gia đình tôi. Chú thương cha tôi với đàn con nheo nhóc nên đã về tận gia đình tôi dậy bố tôi nghề sửa xe đạp. Nhà tôi gần chợ, gần đường nhựa gần trường học nên thu nhập từ nghề sửa xe đạp của cha tôi cũng khá nhờ vậy mà chị em tôi không phải chịu cảnh “bữa đói bữa no”. Cha tôi ngày ngày gánh thùng đồ sửa xe ra ngã ba cách nhà tôi trăm mét ông cặm cụi làm việc từ 7 sáng đến 5, 6 giờ chiều đến khi hết khách cha tôi mới nghỉ , tiền kiếm được cha tôi đưa hết cho mẹ tôi quản lý.
Những lúc rỗi rãi hoặc khi cha tôi và mẹ giận nhau cha thường chở tôi đi chơi , đến nhà ông trẻ hoặc đến nhà bạn của cha tôi – đó là phần thưởng mà cha dành cho tôi đứa con chăm ngoan hiếu thảo. Ông vẫn thường khen tôi là người biết nhẫn nhục. Trên đường đi, cha tôi tâm sự với tôi về bà nội… Về những đảm đang tháo vát của bà khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Nhờ sự tần tảo của bà các bác các cô tôi đều được chăm lo học hành chu đáo trở thành người có địa vị trong xã hội “giỏi việc nước đảm việc nhà” . Hôm nào cha con tôi đến nhà bạn của cha tôi, ông lại cẩn thận dặn tôi “nhà cô chú ở thành phố nấu cơm ít con chỉ ăn một bát thôi nhé sau đó cha dắt con đi ăn ngô nướng cho đỡ đói và lại rẻ tiền con ạ !”với tôi những chuyến đi “dã ngoại ” cùng cha giúp tôi có những trải nghiệm thú vị … Tôi học được từ người cha thân yêu của mình tính cẩn thận trong từng việc nhỏ, học được cách chăm sóc yêu thương của những gia đình trí thức cảm nhận được những yêu thương tỉ mỉ mà cha dành cho tôi.
Năm tôi 14 tuổi gia đình tôi lại lâm vào cảnh nợ nần không rõ nguyên do nên việc kinh doanh của gia đình tôi tạm ngừng hoạt động, khách đến hỏi mua hàng thì tôi đã nhận mua giúp khi về tôi ăn lãi một chút và nói khéo là mua hộ vậy là tôi vừa có tiền công vừa có tiền lãi. Khách về tôi đưa toàn bộ số tiền kiếm được cho cha, cha khen tôi thông minh giỏi giang và không quên “thưởng nóng”cho tôi một chút tiền để mua báo vì cha biết tôi ham đọc báo.
Gia đình tôi thường ăn hai cái Tết .Tết Nguyên Đán và Tết nhà giáo (ngày của mẹ tôi). Những ngày đó cha tôi tự tay trang hoàng nhà cửa, tự tay vào bếp nấu tặng mẹ tôi những món ngon mà mẹ tôi thích, mẹ tôi chỉ việc ăn diện và tiếp khách . Chị em tôi cũng được giao nhiệm vụ chơi với học trò của mẹ để mẹ tiếp phụ huynh. Tết Nguyên Đán cha tôi cũng tự tay dọn bàn thờ trang hoàng nhà cửa… Sau giao thừa cha cõng chị em tôi trên lưng chạy vòng quanh nhà và không quên hôn chúng tôi, những nụ hôn thấm đẫm tình phụ tử.
Cha tôi là thương binh với bệnh án “chấn thương sọ não” những lúc bệnh tình ông tái phát ông đập hết tất cả những đồ đạc trong nhà, bao công sức của cả gia đình tôi trong phút chốc đổ xuống sông xuống biển… Chị em tôi chỉ biết khóc lặng lẽ vì tiếc của, còn lại những lúc cha tôi khỏe mạnh thì mọi việc đưa chị em tôi đi viện, đi thi chuyển cấp, đại học… Đều một tay ông đảm nhiệm.
Tôi làm công nhân cách nhà 20 cây số, phải thuê trọ nhưng cứ mỗi lần biết tin tôi về thăm nhà, ông lại nhắc với mẹ : “bà nó ơi hôm nay con Phương về thăm nhà bà xem nó thích ăn gì bà mua cho nó nhé !”. Tôi là một người chị có trách nhiệm ngoài giờ làm ở công ty tôi mua sách về tự học để dạy cho cô em út ôn thi lớp 9 . Chủ nhật nghỉ việc ở công ty tôi lại đạp xe về dạy em học. Cha tôi biết mình không thể dạy con , ông đã tự tay kéo nước giếng khơi vào tận nhà tắm để tôi tắm và không quên dặn :” bố không dạy được em con tranh thủ tắm để quần áo bố giặt rồi tranh thủ dạy em con nhé” và khoe tôi khắp họ hàng nội ngoại “con Phương nó giỏi giang và sống có trách nhiệm”. Năm 2017 tôi bị đột quỵ vì làm việc quá sức năm đó cha tôi cũng đã già yếu không thể tự tay chăm sóc cho tôi vậy mà ngày tết ông vẫn gọi tôi về cho tôi tiền chữa bệnh. Tôi còn nghe chị tôi kể dù đã già yếu đi lại khó khăn nhưng cứ khi mẹ tôi đi nghỉ mát về ông lại thức dậy thật sớm,bắt chị chở ra tận ga tàu đón mẹ.
Tôi lập nghiệp cách nhà 20 cây số, phải vừa làm vừa học lại là người khuyết tật nên cuộc sống cũng không dư giả. Tôi không có điều kiện về thăm ông thường xuyên. Những năm tháng cuối đời tôi tranh thủ về thăm ông biếu ông một chút quà những lần nào cũng vậy ông không quên nhắc mẹ cho gạo tôi mang đi, dành cho tôi những lời động viên an ủi.
Giờ đây cha tôi đã rời xa chị em tôi vĩnh viễn. Tôi không may mắn được làm con của người cha tài giỏi khoẻ mạnh,làm điểm tựa,bệ phóng cho chị em tôi vươn cao bay xa trên con đường sự nghiệp nhưng sự hi sinh của cha tôi cho tổ quốc,những việc ông làm cho mẹ tôi,chị em tôi là minh chứng cho tình yêu thương vô bờ của một người cha có trách nhiệm khiến tôi vô cùng cảm động và trân trọng… Trong tim tôi ông vẫn là một người cha đúng nghĩa!
Tác giả: Nguyễn Lan Phương