Bên luống cày bỏ dở
Mưa Đông khóc từng cơn
Trâu buồn cũng không ăn
Tìm chủ quanh ruộng cũ
Cõi đời cha vĩnh biệt
Ở mùa rẫy năm ba (53)
Con khóc xót thương cha
Nước mưa đua nước mắt
Con nghe lòng bão giông
Gió mùa qua hụt hẫng
Măng rừng thêm vị đắng
Mùa lúa bớt trĩu bông
Bộ tràng đục sửa cày
Nay dày lớp han gỉ
Vỏ Bo cuộn quai mõ
Bụi bặm cũng bám đầy
Chiếc gùi mẹ thủng đáy
Chẳng còn cha vá dùm
Con thích chơi chuồn chuồn
Chẳng còn cha bắt hộ
Con thèm cha nướng ngô
Cắm chuôi bằng que nứa
Để con cầm khỏi bỏng
Con gọi vui: Đùi gà
Đêm đông nằm chăn thiếu
Cha thường thức ngồi im
Bên bếp lửa suy nghĩ
Khói thuốc xoa nỗi niềm
Vắng cha vắng khói thuốc
Ấm pha chè mốc meo
Điếu cày nằm lăn lóc
Đá mài cũng mọc rêu
Lối đi rừng rậm cỏ
Nước suối cũng đổi màu
Khúc củi cha chặt dở
Nay bám đầy dây leo
Muôn lối chân cha đi
Thềm đám hỏi, đám giỗ
Hay luống cày dang dở
Còn mãi dấu chân cha…
Cha là người đáng kính và cao cả nhất với chúng con. Con đường đời mà cha đã đi qua có những con đường mà bụi cây đã mọc lên lấp lối, những con đường ấy không có tên cụ thể nhưng chở đầy và thấm đượm mồ hôi nước mắt, thậm chí cả xương máu của cha đã lặng thầm hi sinh để chèo lái con đò đời chở mái ấm gia đình đưa chúng con đi qua bao giông tố cuộc đời. Đó là những con đường chỉ có dấu vết chân cha.
Như ai đó đã từng nói, dù ai sinh ra và lớn lên ở đâu thì “chót vay số phận nên vay cội nguồn”. Và cội nguồn của cha là nơi khỉ ho cò gáy, đếm thời gian bằng mùa nương rẫy, biết mùa Xuân khi thấy hoa rừng nở, biết mùa Đông khi cái rét của khí núi như cắt vào da thịt. Mùa giáp hạt thì bán mặt cho giun bán lưng cho núi. Hằng ngày vào rừng đốn củi cũng như kiếm gỗ đẽo cày đẽo cột thuê khi thời gian dành cho mùa vụ tạm ổn. Có những đám nương phải đi xa hàng chục cây số, quanh năm ngô sắn không đủ ăn phải kiếm củ mài, củ nâu ăn trừ bữa qua ngày, phải di cư nhiều nơi để kiếm kế sinh nhai mà cuộc sống vẫn lam lũ đói nghèo. Cha đã bị thương vì tai nạn lao động nhiều lần, trên người đầy thương tích, có những vết sẹo cha bị thương từ lúc con chưa sinh ra và chỉ nghe cha kể lại sau này. Cụ thể như vết sẹo trên lưng cha bảo khi bổ củi giơ gáy rìu lên đập nêm chêm củi chẳng may rìu bị lỏng tuột ra khỏi cán rơi chém vào lưng và nhiều vết thương khác cha kể con nghe rồi nhớ nhớ quên quên. Và con lớn dần lên được chứng kiến khi cha lên rừng bổ củi Tết vào một ngày Đông buốt giá, trời mưa phùn lâu ngày đường lầy lội bẩn thỉu, cái rét run người xuyên thấu từng khe chỉ. Cha bổ củi trượt bị rìu chém vào chân mất máu nhiều lịm đi, khi tỉnh lại mới bò lê lết về nhà.
Khi chuyển ngô bên Nương Lũng Li (*) phải đi đường vòng xa nên cha đã chặt cây làm thang đi tắt qua vách núi cho gần hơn. Vì đường tắt ấy nguy hiểm mẹ không dám đi nên vẫn đi đường vòng chuyển ngô được một chuyến thì cha đi đường tắt đã chuyển được hai chuyến. Khi con hỏi sao cha và mẹ không đi cùng nhau thì mẹ giải thích con mới rõ. Cha kiếm cho con nhiều món quà từ nương rẫy từ rừng núi như dơi, ve, các loại củ và quả nhưng thứ quả rừng con thích nhất vẫn là hột quả Bo rừng. Loài quả ấy vùi trong gio nóng, theo kinh nghiệm khi bới ra nếu thấy vỏ bị nứt là dấu hiệu cho thấy đã chín, nếu chưa nứt thì vùi tiếp. Những hột quả ấy khi chín bóc ra trông vàng ươm và thơm đặc biệt lạ kỳ ăn na ná như hạt mít. Con thích và như nghiện loài quả ấy nên đòi đi cùng cha để hái, cha bảo chỉ có trên vách núi nhưng con vẫn đòi đi cùng cha bằng được, cha đã dẫn con đi qua những con đường tắt trên vách núi kể cho con nghe bao là truyện cổ, con nhìn xuống vực sâu thăm thẳm sợ hãi run lên cố níu lấy tay cha để cha dắt đi trên vách núi để rồi về ngủ mê vẫn còn sợ hãi.
Đúng như người ta nói những ai ít ốm khi ốm thường phải ốm nặng. Bình thường cha rất khỏe mạnh ít khi ốm vặt nhưng lâu lâu ốm thường bị ốm nặng. Có lần cha đi làm nương lúa xa vài chục cây số tận nhà dì Pham bên địa phận đất tỉnh bạn, lần ấy cha bị sốt rét cộng với một số bệnh khác ốm liệt giường. Hồi ấy chưa có phương tiện điện thoại liên lạc thuận tiện như bây giờ nên ở nhà chúng con và mẹ mong cả tháng trời không thấy cha về mà chỉ biết lo lắng một cách hư vô. Rồi mẹ ra chợ phiên dò la tin tức mới biết cha ốm không thể về được, sau đó mẹ phải nhờ anh em làng bản đi giúp khiêng cha về. Lần đó ai cũng lo lắng tưởng cha không qua khỏi nhưng ông trời vẫn còn cho phép cha tiếp tục sống cùng chúng con và tiếp tục những công việc thường ngày còng lưng chèo lái con đò gia đình che chở mái ấm cho chúng con.
Đêm ngủ lán nương, mưa to mái cỏ gianh bị dột cha bẻ lá mùng dại một tay ôm con vào lòng tay còn lại cầm lá che mưa cho con ngủ đó là những khoảnh khắc đã in sâu vào tâm rí và đi vào tiềm thức của con mà không thể có gì xóa nhòa được.
Cuộc sống của gia đình cứ ngày qua ngày như thế , mỗi mùa Xuân đến trồng ngô xong cha mẹ lại lên rừng kiếm rau rừng ra chợ phiên bán kiếm tiền mua mắm muối. Chiều Mồng 03 tháng 03 năm 1995 Âm lịch một vụ tai nạn kinh hoàng lại ập đến với cha. Khi cha mẹ lên rừng kiếm rau bị đá lở cả đá lẫn người cha rơi xuống vực, tảng đá to đè nát cổ chân cha và bị thương nhiều chỗ khác trên cơ thể cha mất máu nhiều ngất đi để mẹ cõng về. Con đã sợ hãi và khóc bỏ đi khi đi chăn bò về nhìn thấy cha mới tỉnh lại ngồi trên giường máu chảy ra giường rơi từng giọt li ti xuống đất, cha với bộ quần áo rách tả tơi rơm rớm nước mắt nói gì đó mà con không dám nghe nổi vào tai mình. Nhưng vận may vẫn còn, lần ấy nhờ những cây thuốc Nam cổ truyền và sự nhiệt tình cứu chữa của ông ngoại cộng với sự cho phép của ông trời đã cho cha có đôi chân đi lại được trở lại và để cha tiếp tục sống và chèo lái con đò đời che chở mái ấm gia đình cho chúng con.
Và cuối cùng cha cũng chẳng được yên thân bởi căn bệnh quái ác “u bướu phế quản” hành hạ thể xác cha hao mòn từng ngày từng giờ. Mọi người lo lắng và chạy chữa hết cách đều vô dụng. Bác sĩ bó tay, ngày cha liệt toàn thân chúng con khiêng cha xuống núi tiếp tục đi viện các bác sĩ tuyến dưới cho chuyển lên tuyến Trung ương. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời cha được đến Hà nội nhưng cha không thể đặt chân lên mảnh đất của trái tim tim Tổ Quốc nổi nửa bước chân và chỉ đặt lưng trên những chiếc xe bệnh viện và trên những chiếc giường bệnh, đặt mông trên những miếng tã lót của bệnh viện như một đứa trẻ mới lọt lòng. Cha không thể trực tiếp nhìn thấy cảnh hồ Gươm huyền ảo những cảnh công viên thủ đô tuyệt đẹp như cha đã từng thấy trong tranh hay trên ti vi mà những gì cha nhìn thấy và cảm nhận được về trái tim Tổ quốc là những nóc nhà cao tầng như vách núi khi nhìn qua cửa kính ô tô, tiếng còi xe inh ỏi bên tai, những màu áo bác sĩ trắng như khăn tang, những kim tiêm, ống thở và bình ô xi trong bệnh viện.
Qua thời gian ngắn khám chữa và điều trị các bác sĩ lắc đầu để chúng con đưa cha về, chúng con khiêng cha lên núi trở về với ngôi nhà của mình, ngôi nhà thứ năm mà đôi bàn tay cha đã dựng lên trên mảnh đất quê hương thứ ba của cha. Ông trời đã không để cha tiếp tục đồng hành cùng chúng con, cha không thể tiếp tục chèo lái con đò đời che chở mái ấm cùng chúng con. Trước khi trút những hơi thở cuối cùng cha không thể nói lên nửa lời nhưng môi cha mấp máy gọi tên từng đứa chúng con hiểu trong thâm tâm cha vẫn chưa hài lòng với những gì mà cha đã dành cho chúng con nhưng với chúng con những gì cha đã làm vì chúng chúng con là quá đủ và quá sức của cha rồi.
Ngày đầu đông vĩnh biệt cha mà sao trời đổ những cơn mưa rào như mưa mùa hạ, phải chăng ông trời cũng khóc vì phải xa cha như chúng con! Có lẽ vậy.
Trở lại những đắng cay, đau thương cha đã nếm những con đường mà cha đã đi qua, với cuộc đời ngắn ngủi thọ 53 (năm mươi ba) tuổi nhưng cha đã đi qua muôn vàn con đường của giông bão cuộc đời, trong đó có những con đường đi qua rặng cây, leo chèo lên vách đá để chặt cây đẽo cột đẽo cày thuê, những con đường kiếm măng kiếm củ mài củ nâu ăn thay cơm trừ bữa, những con đường phạt cỏ cuốc nương trồng ngô khoai… Tất cả những con đường ấy không có tên cụ thể mà giờ đây cỏ cây đã mọc lên lấp lối nhưng trong lòng chúng con trên những con đường không tên cụ thể ấy sẽ không hề có gì xóa nhòa được dấu vết chân cha.
Tác giả: Bàn Hữu Tài