Đà Lạt được gắn liền với nhiều tên gọi ấn tượng khác nhau. Nhắc đến Đà Lạt người ta nhớ đến một thành phố ngàn hoa khoe sắc, đầy thơ mộng. Bên cạnh đó là sở hữu nhiều sự thật thú vị như thành phố với 5 cái không: không đèn giao thông, không xích lô, không điều hòa, hầu như không có cảnh sát giao thông, và không thức quá khuya. Những điều đặc biệt tạo nên những con người đặc biệt, cùng tìm hiểu chi tiết hơn về thành phố du lịch này nhé.
1. Tổng quan về Đà Lạt
Đà Lạt là một thành phố trực thuộc sự quản lý của tỉnh Lâm Đồng, nằm ở cao nguyên Lâm Viên thuộc Tây Nguyên (Việt Nam). Từ lâu, đây đã là vùng đất cư trú của người dân tộc Cơ Ho (gồm có người Lạch, người Chil, người Sre). Đến thế kỷ 19, Đà Lạt được lựa chọn là nơi xây dựng khu nghỉ dưỡng cho thực dân Pháp ở Đông Dương trong thời kỳ chiến tranh.
Đến đầu thế kỷ 20, sau thời gian thám hiểm và xem xét, người Pháp đã quyết định quy hoạch khu cao nguyên Lâm Viên hoang vu trở thành địa điểm nghỉ dưỡng gồm có: các biệt thự, tòa nhà công sở, trường học, các khách sạn, trung tâm du lịch và giáo dục của vùng Đông Dương.
Trải qua thời gian dài phát triển, cho đến hiện tại Đà Lạt đã trở thành đô thị loại 1. Thành phố cũng là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của toàn Lâm Đồng. Không chỉ sở hữu lối kiến trúc độc đáo, Đà Lạt còn có nhiều danh thắng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp thu hút nhiều du khách ghé thăm quanh năm.
Đà Lạt được nhiều trang báo trong nước và quốc tế ngợi khen về vẻ đẹp, về du lịch. Cũng vì thế, Đà Lạt được gắn liền với những cái tên mỹ miều “thành phố mù sương”, “thành phố thơ mộng”, “thành phố ngàn hoa”, “tiểu Paris giữa lòng châu Á”…
2. Ý nghĩa tên gọi
Được biết tên gọi Đà Lạt có nguồn gốc từ chữ “Đạ Lạch”, đây chính là tên gọi của con suối Cam Ly. Con suối xuất phát từ huyện Lạc Dương, chảy qua Đà Lạt theo hướng Bắc – Nam. Ngày nay một đoạn suối từ hồ Than Thở chảy đến thác Cam Ly được gọi bởi tên cũ “Đạ Lạch”.
Ý nghĩa của từ “Đà Lạt” chính là “nước của người Lát”, “suối của người Lát” bắt nguồn từ khung cảnh hoang sơ trước đây của vùng núi này. Từng có một con suối nhỏ chảy ngang qua bộ lạc của người Lát, vậy nên người ta dùng từ “Đà Lạt” để đặt tên cho địa danh. Cái tên này được nhắc đến nhiều hơn kể từ khi người Pháp xây dựng khu nghỉ dưỡng khang trang tại đây.
Hiện nay, Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch phát triển và thu hút hàng đầu. Người ta gợi nhớ đến Đà Lạt bằng những tên gọi với những ý nghĩa khác nhau.
- Thành phố mù sương: Chính là khoảnh khắc sớm mai thành phố được phủ một lớp sương mờ, tạo nên một bức tranh tĩnh lặng không kém phần hùng vĩ.
- Thành phố ngàn hoa, thành phố ngàn thông: Đà Lạt có đa dạng các loài hoa cùng tụ họp về đây. Hàng năm thành phố vẫn tổ chức các festival hoa nhằm thu hút du khách ghé thăm. Bên cạnh đó là sự góp mặt của nhiều rừng thông, đồi thông tạo nên ý nghĩa của tên gọi.
- Tiểu Paris giữa lòng châu Á: Người ta ví Đà Lạt như một Paris thu nhỏ để gói gọn vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình, kiến trúc Pháp đặc trưng của thành phố này.
Nhiều du khách đến Đà Lạt cũng chỉ vì thỏa lòng ngắm nhìn vẻ đẹp của những công trình kiến trúc cổ điển kiểu Pháp, những danh thắng, những địa điểm du lịch mới lạ mà không phải nơi nào cũng có được.
3. Lịch sử phát triển
Như đã nói đến ở trên, cao nguyên Lâm Viên nơi thành phố Đà Lạt tọa lạc chính là nơi cư ngụ của dân tộc Cơ Ho từ xa xưa. Cuối thế kỷ thứ 19, nhiều nhà thám hiểm người Pháp đã đến vùng đất này để tìm hiểu, khảo sát địa hình. Mục đích của họ là tìm kiếm vùng đất thích hợp để xây dựng khu nghỉ dưỡng. Sở dĩ người Pháp lựa chọn Đà Lạt vì đáp ứng đủ các điều kiện cơ bản như: khí hậu mát mẻ, diện tích rộng rãi, độ cao phù hợp, nguồn nước sạch và đủ để cung ứng, địa hình có thể thiết lập hệ thống giao thông thích hợp.
Đầu thế kỷ 20, công đoạn khảo sát địa hình và thiết lập hệ thống giao thông lên Đà Lạt vẫn được tiếp diễn. Vì tình hình chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra vào những năm 1910, nhiều người Pháp không thể về nhà. Họ đã lựa chọn Đà Lạt là nơi nghỉ lại. Năm 1916, thị tứ Đà Lạt được thành lập và Hébrard được giao cho nhiệm vụ quy hoạch thị trấn ở cao nguyên Lâm Viên này.
Hébrard cho xây dựng hàng loạt các công trình theo lối kiến trúc cổ điển đặc trưng của người Pháp, gồm có khách sạn, trường học, vườn hoa, biệt thự, sân vận động… Như vậy, chỉ trong vòng 30 năm thành phố đã chuyển mình từ một vùng đất hoang vu trở thành một địa điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn. Tại nơi đây có đầy đủ các cơ sở hạ tầng cần thiết từ bệnh viện, trường học, dinh thự, cho đến các tòa nhà công sở, khách sạn…
Những năm 1940 chính là thời gian đánh dấu sự phát triển hưng thịnh của Đà Lạt. Thành phố trở thành trung tâm nghỉ dưỡng của vùng Đông Dương. Tiếp theo đó, hàng loạt các công trình kiến trúc, các trung tâm văn hóa và nhiều trường học khác liên tiếp được ra đời. Đà Lạt tạm thời bị lãng quên vì giai đoạn khốc liệt của chiến tranh Việt Nam diễn ra từ những năm 1946. Kết thúc chiến tranh, tình hình kinh tế của thành phố cũng khó khăn bởi tình hình chung của đất nước.
Từ những năm cuối thập kỷ 1980 – những năm đầu thập kỷ 1990, Đà Lạt khởi sắc trở lại nhờ sự cải thiện hệ thống hạ tầng. Kèm theo đó là làn sóng du lịch của nhiều du khách ghé thăm góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của thành phố. Ngày 24/7/1999 Đà Lạt được công nhận là đô thị loại II bởi Thủ tướng Chính phủ. Và đến tháng 3/2009 thì thành phố chính thức được công nhận là đô thị loại I của toàn tỉnh.
4. Địa lý tự nhiên
Đà Lạt là thành phố nằm ở vùng cao nguyên Lâm Viên thuộc tỉnh Lâm Đồng (Việt Nam). Phía Bắc thành phố giáp với huyện Lạc Dương, phía Nam giáp với huyện Đức Trọng, phía Đông giáp với huyện Đơn Dương, phía Tây giáp với huyện Lâm Hà. Đà Lạt cách TP.HCM khoảng 300km về hướng Nam và cách Hà Nội khoảng 1.500km về hướng Bắc.
Diện tích Đà Lạt khoảng 394,64km2, có độ cao cách mực nước biển khoảng 1.500m. Tọa độ địa lý của thành phố là: 11°48′36″ đến 12°01′07″ độ vĩ Bắc và 108°19′23″ đến 108°36′27″ độ kinh Đông.
a. Đặc điểm địa hình
Đặc điểm địa hình đặc trưng của Đà Lạt gồm 2 loại chính: đồi núi và bình nguyên ở trên núi. Các đồi núi phân bố rộng khắp xung quanh trung tâm thành phố với độ cao khoảng 1.700m giúp che chắn lòng thành phố hiệu quả. Nổi bật là dãy núi Langbiang kéo dài từ Đông Bắc – Tây Nam như một dãy tường thành vững chắc. Bên cạnh đó là 2 dãy núi khác ở phía Đông, Đông Nam của Đà Lạt là: Bidoup và Cho Proline.
Phía nam thành phố, địa chuyển chuyển biến thành các dãy núi thấp xen kẽ thung lũng, nổi bật là những con đèo xuyên núi như Prenn. Trung tâm thành phố là những dãy đồi có độ cao tương đương nhau, ở giữa là những thung lũng và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Đặc điểm địa hình ở Đà Lạt ngoài đồi núi còn có nhiều con suối. Theo thống kê ở đây có hơn 20 dòng suối thuộc hệ thống suối lớn Cam Ly, Đa Tam, Sông Đa Nhim. Hệ thống sông suối đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và cung cấp nguồn nước chính cho thành phố. Bên cạnh sông suối, hệ thống thác nước đa dạng và các hồ tự nhiên, nhân tạo cũng là những điểm du lịch hấp dẫn của thành phố.
b. Đặc điểm khí hậu
Đặc trưng khí hậu của Đà Lạt chính là ôn đới, mát mẻ quanh năm. Ở Đà Lạt khí hậu được phân làm 2 mùa rõ rệt đó mà mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 – tháng 10. Còn mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 – tháng 3 năm sau.
- Đặc điểm mùa khô Đà Lạt: không mưa, ít mấy, nắng ấm, về đêm nhiệt độ hạ thấp với biên độ lớn. Nguyên nhân là vì vào mùa này Đà Lạt chịu sự ảnh hưởng từ khối không trí trên biển Đông tạo nên các đặc điểm khí hậu như vậy.
- Đặc điểm mùa mưa Đà Lạt: độ ẩm cao, mưa kéo dài nhiều ngày, xen kẽ là vài ngày thời tiết tạnh ráo. Nguyên nhân là vì khối không khí xích đạo tràn lên từ phía nam gây mưa. Còn khối không khí nhiệt đới từ Thái Bình Dương tạo nên thời tiết tạnh ráo.
Những ai có ý định đi du lịch tại Đà Lạt nên tìm hiểu trước điều kiện thời tiết khí hậu vào từng thời gian cụ thể. Đặc biệt khi Đà Lạt bước vào mùa mưa, các cơn mưa thường xuất hiện nhiều, kéo dài khoảng 6 tháng.
5. Hành chính – Dân cư
Tìm hiểu thêm về thông tin hành chính, dân cư tại thành phố Đà Lạt như sau.
a. Hành chính
Hiện tại, Đà Lạt có 16 đơn vị cấp xã trực thuộc thành phố. Cụ thể gồm có 12 phường và 4 xã.
- Các phường: Phường 1, Phương 2, Phường 3, Phường 4, Phường 5, Phường 6, Phường 7, Phường 8, Phường 9, Phường 10, Phường 11, Phường 12.
- Các xã: xã Tà Nung, xã Trạm Hành, xã Xuân Thọ, xã Xuân Trường.
Đơn vị hành chính Ủy ban nhân dân thành phố tọa lạc tại số 3 – đường Trần Hưng Đạo. Đối diện với Ủy ban thành phố chính là Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Cách đó một đoạn chính là Hội đồng nhân dân thành phố Đà Lạt.
b. Dân cư
Cộng đồng dân cư tại thành phố phát triển theo các giai đoạn lịch sử của Đà Lạt. Từ những năm 1890, khi người Pháp lần đầu bước chân lên vùng đất này chỉ có số ít dân cư sinh sống. Chủ yếu là các ngôi làng của người Lạch cư ngụ tại phía chân núi. Đến năm 1902, dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng tại đây bị tạm dừng dân cư vẫn chỉ có nhóm các dân tộc thiểu số (người Lạch, người Chil, nhóm nhỏ người Việt).
Năm 1906, dự án xây dựng tiếp tục được tiến hành, bên cạnh dân cư sinh sống đã lâu Đà Lạt xuất hiện thêm nhiều du khách châu Âu, các công chức người Pháp, nhiều người Việt khác ghé thăm. Từ những năm 1920 trở đi chính là giai đoạn phát triển của thành phố. Hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, khu du lịch nghỉ dưỡng được hoàn thành khiến dân số tăng lên từ 1500 – 11.500 người vào năm 1939. Đến năm 1944, dân số ghi nhận tại Đà Lạt lên đến 25.500 người.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của các cuộc chiến tranh, Đà Lạt có lúc chỉ còn lại ~ 5.200 người vào năm 1946. Cho đến cuối thế kỷ 20, địa giới hành chính của Đà Lạt được mở rộng thêm góp phần gia tăng dân số. Thống kê vào năm 2011 dân số Đà Lạt có 211.696 người, chiếm 17.4% dân số toàn tỉnh. Mật độ dân cư sinh sống tại thành phố này vào khoảng 536 người/km2.
Từ xưa, Đà Lạt đã là nơi cư ngụ của nhiều nhóm dân tộc khác nhau: người Kinh, người Cơ Ho, người Hoa, người Pháp. Hiện nay phần lớn dân cư tại Đà Lạt là người Kinh. Phần còn lại là người Hoa, người Cơ Ho, nhóm các dân tộc thiểu số như người Tày, Nùng, Chăm…
c. Tôn giáo – Tín ngưỡng
Bởi vì những nguyên nhân trên đã tạo nên một cộng đồng dân cư đa dạng ở Đà Lạt. Kéo theo đó là đời sống tôn giáo – tín ngưỡng cũng rất phong phú. Theo số liệu thống kê, tại thành phố có đến 43 nhà thờ và tu viện của đạo Công Giáo, đạo Tin Lành. Bên cạnh đó là sự có mặt của 55 ngôi chùa và tịnh xá của đạo Phật. 3 thánh thất của đạo Cao Đài và các ngôi đình làng truyền thống nằm rải rác nhiều nơi.
Phần lớn dân cư Đà Lạt là người Kinh nên hình thức tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ mẫu hay thờ gia thần… Tuy vậy, tại đây không có những dấu tích cổ xưa như ở miền Bắc hay miền Trung (các cây đa, các đình làng cổ kính). Sự góp mặt của người Hoa, nhóm người dân tộc thiểu số cũng làm đa dạng thêm các hình thái tín ngưỡng tôn giáo tại Đà Lạt.
Hầu như các tôn giáo lớn tại Việt Nam đều có mặt ở Đà Lạt. Nổi bật nhất là đạo Phật với lượng tín đồ đông đảo. Theo sau là các đạo Công Giáo, đạo Tin Lành, đạo Cao Đài. Trong 100 năm qua các tôn giáo cùng phát triển và chung sống hòa bình với nhau, không có xung đột.
6. Kinh tế – Xã hội
Tình hình kinh tế và xã hội của Đà Lạt cũng là điều đáng quan tâm. Trải qua thời gian dài phát triển ngày nay Đà Lạt đã trở thành trung tâm kinh tế – chính trị – xã hội trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng.
Kinh tế Đà Lạt phát triển dựa vào các ngành dịch vụ, du lịch, nông nghiệp là chủ yếu. Số liệu thống kê giá trị sản xuất công nghiệp của Đà Lạt vào năm 2011 bằng với giá trị của thành phố Bảo Lộc. Đà Lạt phát triển nhiều trong ngành công nghiệp chế biến, các sản phẩm nổi bật như: rượu vang, atiso, mứt trái cây, chè, cà phê, tinh dầu…
a. Tình hình Nông nghiệp
Điều kiện khí hậu và đặc điểm đất đai thuận lợi hỗ trợ ngành nông nghiệp của Đà Lạt phát triển tốt. Nơi đây thích hợp để trồng trọt các loại cây ôn đới, phần lớn là trồng các giống rau trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài về. Những giống rau củ phổ biến hàng đầu ở Đà Lạt chính là: cải bắp, cải thảo, xà lách, khoai tây, hành tây, cà rốt… Bên cạnh đó là sự góp mặt của đa dạng các loại hoa khác nhau: hoa lan, hoa hồng, mai anh đào, hoa ly, hoa lay ơn, hoa cẩm tú cầu…
Tại Đà Lạt hiện có nhiều công ty nông nghiệp quy mô tư nhân và nước ngoài tập trung về đây phục vụ cho nhu cầu sản xuất các mặt hàng. Tiếp theo đó là sự hình thành của các Hiệp hội rau quả hay Hiệp hội hoa Đà Lạt. Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật trồng trọt hiện đại giúp sản lượng nông nghiệp tại thành phố tăng cao. Các sản phẩm nông nghiệp tại Đà Lạt cũng được đánh giá cao về mặt chất lượng.
b. Hệ thống Y tế
Từ những ngày đầu mới thành lập ở Đà Lạt chỉ có những trạm cứu thương lưu động. Mãi đến năm 1921 Đà Lạt mới xây dựng trạm xá đầu tiên. Năm 1938 người Pháp cho xây dựng Bệnh viện Đà Lạt với tên gọi Viện Pasteur Đà Lạt nằm trong hệ thống Viện Pasteur Đông Dương.
Sau khi thống nhất đất nước Bệnh viện Đà Lạt được đổi tên từ Trung tâm Y tế toàn khoa. Về sau lại tiếp tục được đổi tên thành Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Tại đây còn có một Bệnh viện Y học cổ truyền được xây dựng từ 1986 và một Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (cơ sở được sát nhập từ hai viện khác nhau trước đó). Đây cũng chính là 3 bệnh viện lớn thuộc tuyến tỉnh có mặt tại Đà Lạt.
Cuối năm 2008, bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt được hoàn thành xây dựng đi vào hoạt động. Đây là bệnh viện tư đầu tiên của thành phố và cả vùng nam Tây Nguyên. Năm 2011 tiến hành xây dựng bệnh viện Nhi Đà Lạt với quy mô khoảng 150 giường. 3 bệnh viện tuyến tỉnh của Đà Lạt với quy mô 630 giường bệnh, bệnh viện tư với quy mô 200 giường bệnh phục vụ nhu cầu thăm khám của dân cư trong và ngoài vùng.
Đà Lạt với hệ thống y tế riêng của thành phố cũng được đánh giá cao gồm có: Nhà hộ sinh thành phố, các phòng khám đa khoa, Văn phòng Trung tâm Y tế, Hội Y Dược học, Hội Chữ thập đỏ, Hội Y học cổ truyền…
c. Hệ thống Giáo dục
Hệ thống giáo dục của Đà Lạt phát triển từ những ngày đầu có thông báo thành lập thị tứ. Trường học được xây dựng đầu tiên tại đây là trường dành riêng cho con cháu người Pháp – École française (1919). Đến những năm cuối thập kỷ 1920, Đà Lạt có thêm 2 trường học mới đó là Petit Lycée và Grand Lycée.
Trường Grand Lycée được xây dựng dành riêng cho con em người Pháp và con cháu quan lại người Việt theo học. Về sau trường được đổi tên thành Trung học Yersin, và là tiền thân của trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt ngày nay. Đây cũng chính là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách ghé thăm vì lối kiến trúc thiết kế độc đáo. Sau đó là sự ra đời của hàng loạt các trường học khác nhau tại Đà Lạt.
Tính đến tháng 4 năm 1975, tại đây có 61 ngôi trường (tính cả tư thục và công lập). Hiện tại, Đà Lạt vẫn là một trong những trung tâm giáo dục của miền Nam Việt Nam. Thống kê năm 2011, Đà Lạt có 44 trường học đủ cấp bậc từ tiểu học, phổ thông, giáo dục toàn thành phố.
7. Văn hóa – Du lịch
Những nét văn hóa đặc trưng chính là điểm thu hút nhiều du đến với Đà Lạt. Điều này cũng góp phần thúc đẩy ngành du lịch của thành phố phát triển mạnh hơn.
a. Đặc trưng kiến trúc
Đà Lạt là một trong số ít các khu đô thị của Việt Nam được quy hoạch bài bản từ những ngày đầu thành lập. 1906, Đà Lạt vẫn còn là một vùng hoang vắng thưa thớt dân cư. Kể từ khi tiếp nhận chức vụ, thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt đã có kế hoạch cụ thể quy hoạch toàn vùng trong tương lai.
Đà Lạt từng được nhắm đến việc trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương. Đó là lý do các công trình kiến trúc ở đây được xem trọng xây dựng. Mọi yếu tố từ cảnh quan, bố cục, không gian thẩm mỹ đều được chú ý kỹ càng. Có sự kết hợp tuyệt vời giữa các cảnh quan thiên nhiên và công trình kiến trúc. Điều này tạo nên một thành phố du lịch phát triển và thu hút như ngày nay.
Lối kiến trúc ở đây rất độc đáo, Đà Lạt từng được ví như bảo tàng kiến trúc phương Tây. Nổi bật là các công trình nổi tiếng, các biệt thự xinh đẹp mới lạ. Ưu điểm của những công trình kiến trúc này là có tính ứng dụng cao, có sự gắn kết với thiên nhiên, thích hợp với lối sống sinh hoạt của dân cư.
Trải qua thời gian dài lịch sử phong cách kiến trúc tại Đà Lạt dần có sự thay đổi từ phong cách thiết kế thuộc địa tiền sử cho đến lối kiến trúc tân cổ điển, rồi đến lối kiến trúc hiện đại như ngày nay. Những công trình được xây dựng từ lâu tại Đà Lạt có phong cách phương Tây chủ đạo. Tuy vậy, các công trình này đã được biến tấu sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, lối sống của dân cư. Đó chính là yếu tố tạo nên nét đẹp rất riêng, rất khác biệt trong phong cách kiến trúc ở Đà Lạt.
b. Truyền thống, lễ hội
Đà Lạt là nơi quy tụ của nhiều dân cư sinh sống có nguồn gốc từ nhiều dân tộc, nhóm dân tộc khác nhau. Kết quả tạo nên một Đà Lạt đa dạng về nét đẹp văn hóa, có nhiều lễ hội truyền thống. Đến Đà Lạt, đến với Tây Nguyên núi rừng mọi người không nên bỏ qua những lễ hội độc đáo diễn ra thường niên.
- Lễ hội đâm trâu (thường diễn ra vào tháng 3, tháng 4 âm lịch).
- Lễ hội Cồng Chiêng (được tổ chức luân phiên hàng năm).
- Lễ cúng Thần suối (diễn ra vào khoảng thời gian tháng 3 hàng năm).
- Lễ cúng Thần Bơ Mung (diễn ra vào tháng 2 âm lịch hàng năm).
- Lễ cúng cơm mới (diễn ra vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô hàng năm).
- Lễ hội trà (thường tổ chức vào dịp cuối năm – tháng 12).
- Festival hoa Đà Lạt (tổ chức 2 năm một lần tại trung tâm thành phố).
c. Phát triển du lịch
Có thể thấy rõ du lịch là một trong những ngành kinh tế chủ đạo của Đà Lạt. Đây là một trong những thành phố du lịch trọng điểm trong cả nước. Hàng năm Đà Lạt thu hút hàng nghìn, hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt trong những năm gần đây (từ thế kỷ 21) du lịch thành phố tăng trưởng mạnh góp phần thúc đẩy thu nhập bình quân đầu người.
Cơ sở lưu trú
Thống kê năm 2009 Đà Lạt có 673 cơ sở lưu trú có tổng 11.000 phòng với sức chứa lên đến 38.000 khách du lịch. Phần lớn các cơ sở lưu trú tại đây thuộc quy mô vừa và nhỏ, mang tính chất cá nhân, còn thiếu chuyên nghiệp. Trong tổng 673 cơ sở đó chỉ có 85 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 – 5 sao. Cần có sự thay đổi để giúp du lịch Đà Lạt phát triển mạnh mẽ hơn.
Cho đến hiện nay, Đà Lạt đã có sự góp mặt của nhiều thương hiệu khách sạn, khu resort lớn đạt tiêu chuẩn cao. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tuyệt vời phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn cho các du khách khi đến đây. Một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng chất lượng tốt, view đẹp theo đánh giá của du khách tại Đà Lạt chính là:
- Khách sạn Pansy Đà Lạt.
- Lacami Dalat Hotel.
- Dalat Serene Villa.
- Làng biệt thự Osaka ở Đà Lạt.
- Terracotta Hotel Resort & Spa Đà Lạt.
- Khách sạn Ngọc Lan Premium Đà Lạt.
- Hoàng Anh Đất Xanh Resort Đà Lạt.
- Sacom Tuyền Lâm Resort.
- Dalat Palace Hotel.
- Dalat Edensee Lake Resort & Spa.
- LaDaLat Hotel.
- TTC Hotel Đà Lạt.
Bên cạnh đó là hệ thống các nhà nghỉ, homestay trang trí mới mẻ độc đáo với giá cả phải chăng. Mọi người có thể tham khảo thêm để tiện lựa chọn khi đi du lịch.
Địa điểm du lịch
Thành phố Đà Lạt được ưu ái với nhiều cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, sở hữu nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Nếu biết cách tận dụng có thể giúp ngành du lịch của thành phố phát triển toàn diện hơn. Cùng tham khảo qua một vài địa điểm du lịch hấp dẫn tại Đà Lạt như sau:
- Núi LangBiang.
- Thung lũng tình yêu.
- Đồi mộng mơ.
- Chợ Đà Lạt.
- Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt.
- Thác Datanla.
- Quảng trường Lâm Viên Đà Lạt.
- Nhà thờ Domaine de Marie.
- Làng Cù Lần.
- Vườn dâu tây Đà Lạt.
- XQ sử quán Đà Lạt.
- Nhà thờ Con gà.
- Chùa Linh quy pháp ẩn.
Cùng rất nhiều các địa điểm du lịch, các địa điểm check-in hot tại Đà Lạt mọi người có thể tham khảo thêm. Bên cạnh đó đừng quên tìm hiểu về các địa điểm ăn uống chất lượng tại đây để ghé thăm nhé.
8. Giao thông
Hệ thống giao thông ở Đà Lạt khá thuận lợi, đặc biệt là hệ thống đường bộ và đường sắt đã được khai phá từ sớm. Từ những ngày đầu người Pháp bước chân lên vùng cao nguyên Lâm Viên để xây dựng khu nghỉ dưỡng, hệ thống giao thông đi lại cũng đã dần được hoàn thiện.
a. Hệ thống đường bộ
Vì điều kiện địa hình toàn đồi núi nên ở Đà Lạt chỉ có hệ thống đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Hoạt động nhiều phải kể đến đường bộ và đường sắt. Quốc lộ 20 chính là tuyến đường chính nối Đà Lạt với các tỉnh/thành phố khác. QL20 giao với QL1 ở ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) đi về phía TPHCM. Bên cạnh đó QL20 cũng nối liền với QL 27 đi về Phan Rang cùng các tỉnh vùng Nam Trung Bộ. Và nhiều điểm giao nhau khác với các tuyến đường quốc lộ.
Bên cạnh các tuyến đường QL chính Đà Lạt còn có các tuyến tỉnh lộ kết nối thành phố với các huyện phía Tây Bắc của Lâm Đồng. Trong thành phố phát triển các tuyến xe bus với 79 đầu xe khai thác các chuyến đi nội thành và đi đến các huyện khác trong tỉnh. Thêm vào đó là các tuyến xe vận tải taxi của các hãng lớn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong và ngoài thành phố.
b. Đường sắt
Đà Lạt cho xây dựng tuyến đường sắt đi Tháp Chàm từ năm 1903 – 1928. Đến năm 1932 tuyến đường này mới được khai thác toàn tuyến. Tuyến đường sắt này có điểm riêng biệt so với tuyến đường sắt Việt Nam đó chính là hệ thống đường ray răng cưa. Điểm đến cuối cùng của tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là nhà ga Đà Lạt. Đây cũng là một công trình kiến trúc độc đáo và là điểm đến du lịch thu hút của thành phố.
Sau các cuộc chiến tranh tuyến đường sắt Đà Lạt chỉ được khôi phục 7km đi từ Đà Lạt đến Trại Mát. Hiện tại, tuyến đường sắt 7km này và nhà ga Đà Lạt được dùng để phục vụ nhu cầu du lịch là chủ yếu. Nhà ga Đà Lạt không kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt Việt Nam. Tuy vậy nhà ga vẫn bán vé cho những ai có nhu cầu du lịch trên tuyến đường sắt này.
c. Đường hàng không
Giao thông đường hàng không ở Đà Lạt thông qua 2 sân bay chính là sân bay Liên Khương và sân bay Cam Ly.
- Sân bay Liên Khương cách trung tâm thành phố khoảng 20km về phía nam. Đây là sân bay được người Pháp xây dựng phục vụ cho mục đích đi lại. Về sau được người Nhật nâng cấp phục vụ cho mục đích quân sự. Năm 2003, sân bay này được nâng cấp đạt tiêu chuẩn 4C của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Hiện sân bay Liên Khương được dùng phục vụ mục đích thương mại, được khai thác với các chuyến bay trong và ngoài nước.
- Sân bay Cam Ly cách trung tâm thành phố khoảng 3km về phía tây. Hiện tại sân này thuộc quyền quản lý của quân đội Việt Nam. Được sử dụng cho các mục đích quân sự, tại sân bay Cam Ly không có chuyến bay thương mại nào.
9. Một vài thông tin khác
Tìm hiểu thêm một vài thông tin liên quan khác đến Đà Lạt chính là cơ quan truyền thông, đặc điểm nghệ thuật.
a. Cơ quan truyền thông
Đà Lạt có đài phát thanh được xây dựng từ rất lâu. Đây là một trong bốn đài phát thanh đầu tiên của Việt Nam. Về sau cơ quan truyền thông được đổi tên thành Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng. Công việc chính hiện tại của cơ quan truyền thông này là tiếp phát sóng 2 đài quốc gia, phát chương trình riêng của nhà đài mỗi ngày. Bên cạnh đó thành phố còn có Đài Truyền thanh – Truyền hình tọa lạc ở đường Thủ Khoa Huân.
Tại Đà Lạt có sự hiện diện của một số tờ báo quan trọng và có tiếng như: Báo Lâm Đồng, tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, tạp chí Langbian, tạp chí Du lịch Đà Lạt…
b. Nghệ thuật ở Đà Lạt
Đà Lạt là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều tác phẩm nghệ thuật thơ ca, phim ảnh. Bên cạnh đó cũng là nguồn tư liệu cho nhiều nhiếp ảnh gia thảo sức đam mê. Tại đây đã không ít lần diễn ra các cuộc triển lãm ảnh phản ánh chân thực cuộc sống của con người, phong cảnh nơi đây.
Đà Lạt cũng được nhiều đạo diễn lựa chọn làm địa điểm quay phim. Lối sống bình dị, thời tiết khí hậu mát mẻ, giá cả bình ổn là những điều kiện thuận lợi giúp các nhà làm phim khai thác Đà Lạt vào các thước phim của mình. Hiện nay tại Đà Lạt có một vài phim trường quy mô lớn nhỏ khác nhau phục vụ cho các nhu cầu chụp ảnh, quay phim, tham quan du lịch… Mọi người có thể tham khảo giá vé, đường đi để ghé thăm.
10. Lời kết
Bài viết đã giới thiệu chi tiết về Đà Lạt – thành phố du lịch hấp dẫn thuộc top đầu trong cả nước. Đà Lạt thu hút các du khách không chỉ vì những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn vì nhiều lý do khác. Hãy thử một lần đến với Đà Lạt để được trải nghiệm những điều đặc biệt ở đây nhé.