1. Tôi đến Nghi Lộc khá sớm, từ 1982, vì một người, nhờ một người. Nghi Lộc xưa thật nghèo. Cả đất nước nghèo, cả Nghệ Tĩnh nghèo. Những cánh đồng lạc, khoai mênh mông. Những con đường cát nóng phanh phui. Mùa gió Lào bỏng rộp. Người đi cào lá khô trong những khu đất trồng cây phi lao (cây Dương) giữa trưa hè cần mẫn.
Căn phòng xập xệ của người ấy, một cán bộ Công ty Dược phẩm ở thị trấn Quán Hành, vừa gần, vừa xa hun hút. Nhờ người ấy, tôi biết được thêm một loài cá – “ca có cuống” ở quê Nghi Lộc. Bữa cơm chiều không có gì, vui nhất nhờ tiếng cà pháo. Hình như ruột quả cà người ấy cắn bay vèo qua trước mặt tôi. Tôi ngỡ trước mặt mình cầu vồng ngũ sắc. Nhìn nhau cười thánh thiện.
Lúc tôi đang ngồi nhớ lại, tai văng vẳng ca khúc “Ai vô xứ Nghệ” của nhạc sỹ gạo cội Phạm Tuyên. Nhiều người hát ca khúc này, vì quá hay đi. Nhưng tôi vẫn thích một người Nghệ, trong vô vàn ca sỹ Nghệ hát, đó là NSUT. Tố Nga. Giọng Tố Nga, vừa ngọt, vừa đằm, âm vực dày, khắc khoải.
“Ai ơi cà Xứ Nghệ, càng mặn lại càng giòn
Nước chè xanh Xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon”
Cà Nghệ, thế đó, đi vào đời sống, đi vào thơ văn, trở thành một phần văn hóa Nghệ. Trong các vùng xứ Nghệ, “cá có cuống” Nghi Lộc là ngon nhất. Mùa hè, nóng bỏng thế này, bữa cơm có bát canh cua rau vặt, bát cà muối Nghi Lộc, có thể đã có nhiều câu thơ bay lên. Nhiều dự cảm bất chợt đến xốn xang.
2. Tôi có người anh cùng cơ quan, gốc Nghi Lộc. Bây giờ anh cư ngụ ở Vinh, nhưng ở Nghi Lộc vẫn có một căn nhà sàn, anh mua từ Tương Dương về thay thế cho ngôi nhà trát vách xưa cũ. Anh tự hào vì mẹ anh được xem là người muối cà ngon nhất Nghi Lộc. Nguyên liệu là cà quả, đến khi thu hoạch, bảo đảm không già, không non. Cắt cuống, gọt mào cà, và phơi cho “xuống” bớt nước mới muối. Kinh nghiệm bà truyền cho con gái, ngay từ khi phơi cà. Phơi cà không phải phơi ngoài nắng, mà phơi giãi sương, phơi trên thềm nhà.
Ngày xưa ngôi nhà của người xứ Nghệ thường có ba gian, che thềm nhà có 3 cái rèm, thường làm bằng lá mía, hoặc đan bằng nứa. Sáng ra, chống rèm lên, phơi cà lên đó, đêm không hạ rèm xuống mà để nguyên quả cà trên thềm giãi sương. Hình ảnh “dãi sương”, với tư cách tính từ, tôi đã dùng trong một bài thơ về quê hương “Quê hương tím ngắt hoa cà / tháng năm đổ lửa lưng bà dãi sương”, (Quê hương, thơ Ngô Đức Hành). Với tư cách động từ, tôi cũng đã dùng “Quê hương là quả cà giòn/ có tay mẹ muối có bà giãi sương”, (Quê, thơ Ngô Đức Hành).
Bí quyết thứ nữa là muối cà và nén. Bây giờ xứ Nghệ đã có thương hiệu “Cà pháo bà Mai”, muối bằng nước mắm, chợp đan bằng mía tươi. Muối truyền thống ngày xưa chỉ là muối ăn, kết tinh từ nắng, gió biển và tận cùng cơ cực của diêm dân.
Muối cà, rõ rồi phải có “tay”, thường người phụ nữ thơm thảo, nhân hậu mới muối được dưa, cà. Tất nhiên, khi muối cà phải kiêng những ngày “thiên quý” của người phụ nữ, cách gọi dễ hiểu là ngày “đèn đỏ”.
Đã là người xứ Nghệ, dẫu đi khắp bốn phương trời, không bao giờ quên được cơm canh cà pháo.
Môi em nhấm nhẳng quả cà
sương mềm bay bổng la đà chiều lam
3. Nhu cầu cà pháo trong bữa ăn người xứ Nghệ không mất đi. Mâm cơm người Nghi Lộc càng không thể thiếu quả cà pháo, bát canh rau vặt. Thế nhưng Xứ Nghệ nói chung, Nghi Lộc nói riêng còn rất ít người trồng cà. Đơn giản vì trồng tự cung tự cấp thì được nhưng bán ngoài chợ thì rẻ bèo. Quá cực nhọc.
Bây giờ, cà pháo trên mâm cơm người Xứ Nghệ là do bà con Quảng Ngãi trồng đấy. Huyện Bình Sơn được coi là “thủ phủ” cà. Bà con nông dân Quảng Ngãi biết làm nông nghiệp hàng hóa trước người Xứ Nghệ. Ngay cả trồng cà pháo cũng là một nghề chuyên biệt, không phải trồng “hờ hững” như người Nghệ. Có những hộ trồng cả mấy sào cà, lấy quả; một vốn mười lời.
Thường tháng 11 âm lịch xuống giống, 3 tháng sau, cữ ra Tết cà bắt đầu ra hoa, kết trái và cho thu hoạch lứa đầu tiên. Cà pháo cho thu hoạch liên tục trong khoảng thời gian 6 – 7 tháng. Thương lái đến mua tận vườn, hàng tấn, cung cấp cho người ăn cà cả nước, không riêng trườn ra quê hương vốn trồng cà nhiều là Nghi Lộc.
Tháng tư sấm gõ bồn chồn
cà vâm vấp quả tay luồn nâng niu
tím cà sắc nhú thương yêu
hiểu cho lòng mẹ sớm chiều lắng lo
Đây là một khổ trong bài thơ “Nhìn hoa cà nhớ mẹ” tôi viết tặng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dịp về quê anh ở Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An giỗ bà cụ. Trước sân nhà anh có hai khoảnh đất nhỏ giữa là lối ra vào. Người em nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trồng cà. Mẹ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng như mẹ tôi, đều “dòng dõi nhà nông”, tần tảo mưa nắng.
Ăn quả cà tôi nhớ bao người, trong đó có người ấy. Nhờ người ấy, tôi biết thêm “ca có cuống”, biết “phài”, biết “trài” ở cuộc đời. Trên con đường ấy có nắng gió, bão dông. Tiếng sấm cuối chân trời nghe rộn rã như tiếng cà pháo Nghi Lộc năm nao!
Hà Tĩnh, ngày 17/6/2021
Tác giả: Ngô Đức Hành