Ngày tôi quen em, phố hiền dịu êm, trong veo mắt Nguyệt Hồ. Nguyệt Hồ mộng mơ, buông tơ liễu rủ. Nguyệt Hồ heo may lửng lơ chân sóng, hoài mong người về.
Tôi yêu Nguyệt Hồ bằng một tình yêu thủy chung đầy si mê, ngưỡng vọng. Nguyệt Hồ đẹp trong mưa xuân hổn hển, trong nắng hạ chói chang, trong trăng thu điệu đàng, trong nụ sương đông băng giá. Song tôi mê mẩn nhất là vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm, kiều diễm của Nguyệt Hồ khi vào thu. Mặt gương trong vắt, áo giai nhân đằm hương sen ủ, liễu mi dài buông rủ, mắt em hồ thu chưa gợn sóng tình. Nguyệt Hồ e ấp nép mình vào bờ đê sông Hồng vạm vỡ mà nũng nịu, tự tình, thủ thỉ. Ngoài kia, lá rơi lòng phố thu rơi tóc Nguyệt Hồ. Câu thơ tôi đầy gió.
“Anh bảo rằng ngày xưa nơi đây vốn là đất. Em bảo rằng ngày xưa nơi đây vốn là nước.” Ấy là khi tôi nghe Tình khúc Nguyệt Hồ của nhà thơ Nguyễn Khắc Hào ông đã lí giải rất dễ thương về nguồn gốc của Nguyệt Hồ khoác màu huyền thoại. Điều đó thật trùng hợp khi tôi đọc cuốn “Hưng Yên địa chí ” có ghi chép lại : “ Hưng Yên xưa kia nằm trên bờ bể . Bể mỗi ngày một lùi ra ngoài. Sông Phú Lương là một chi lưu của sông Nhị Hà chảy theo chiều khác. Một phần lòng sông Phú Lương thành hồ Bán Nguyệt”. Như vậy, Nguyệt Hồ là dấu tích còn lại của một nhánh sông Hồng khi đổi dòng. Còn người dân Hưng Yên lại cho rằng Nguyệt Hồ là mảnh gương chị Hằng Nga đánh rơi xuống trần thế. Dáng hồ cong hình trăng khuyết nên gọi là hồ Bán Nguyệt ( Bán Nguyệt triết tự theo từ Hán Việt là nửa vầng trăng). Nghe bà tôi kể Nguyệt Hồ đã hiện diện ở mảnh đất “ thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến ” trên bảy trăm năm, thậm chí còn xa hơn nữa. Người dân Hưng Yên nâng niu, chân quí coi Nguyệt Hồ như viên ngọc xanh giữa lòng thành phố.
Một lần ngược miền châu thổ, tôi gặp hoàng hôn võ vàng đổ dài bên bến sông Hồng lộng gió, giọt mưa mùa còn đọng trên lá cỏ, bãi soi dài lặng đỏ gối bờ lau, hối hả cánh buồm nâu ngược xuôi, xuôi ngược mà lòng chùng lại. Thoai thoải sườn đê, Nguyệt Hồ chứng kiến thăng trầm của Phố Hiến xưa trong dòng chảy lịch sử vật đổi sao dời. Lần nào trở về bên Nguyệt Hồ, tôi cũng ghé Đông Đô Hội Quảng mà bâng khuâng, hoài cổ: không gian thâm u, tĩnh mịch, nét hoa văn trổ khắc trên bức phù điêu đã ngả màu thời gian, tường rêu loang lổ, nghệ nhân xưa đã lắng vào hồn nước Nguyệt Hồ, thương nhân xưa đã gửi hồn vào đất. Chớp mắt, thời gian như bóng câu qua cửa sổ, người xưa đã thành thiên cổ. Đời người buồn vui dâu bể, bể dâu.
Bữa ấy, em đưa tôi thăm Văn Miếu Xích Đằng, Chùa Chuông, Đền Mẫu rồi ngược lên Đa Hòa – Dạ Trạch. Em kể tôi nghe thiên tình Tiên Dung_ Đồng Tử, chàng trai nghèo dạy dân ta trồng trọt, giăng lưới buông câu lập nên làng lúa, làng hoa trù phú. Tiếng vó bè âm vang bờ sông Cái, lắng trong hồn nước Nguyệt Hồ bóng dáng của cha ông, của lịch sử ngàn năm.
Tôi tự hỏi, đã bao lần cá dưới hồ nghe tiếng vịnh Kiều mà xôn xao đớp trăng mặt nước. Trăng trên trời lấp lánh lặn xuống đáy hồ trăng thăm thẳm trời sao.Tôi tưởng mình đêm hội hoa đăng năm nào, một Nguyệt Hồ thi ca hội tụ đủ đầy những tao nhân mặc khách trong hội thi vịnh Kiều do tổng đốc Lê Hoan tổ chức. Chánh chủ khảo Nguyễn Khuyến cùng người bạn Dương Khuê xướng tên danh sĩ Chu Mạnh Trinh (người Văn Giang) giành giải nhất trong tiếng vỗ tay hân hoan tán thưởng của mọi người. Tôi nhẩn nha nhớ đến bài thơ mà ông tôi thường đọc “ Em đi kiếm gạch Bát Tràng. Xây hồ Bán Nguyệt cho nàng rửa chân. Hồ tiên đâu phải hồ trần. Hồ không thả cá mà thuần thả thơ ” và đắm mình nghĩ về một Nguyệt Hồ của thi ca nhạc họa, một Nguyệt Hồ duyên dáng trong dòng chảy văn hóa, lễ hội bất tận ở Hưng Yên. Chỉ một Nguyệt Hồ thôi, một khúc sông lở bồi mà làm cho bức tranh Phố Hiến lung linh, ngọt ngào mãi mãi.
Em áo mỏng lưng triền đê sóng sánh
Đổ bóng Nguyệt Hồ vào nửa vầng trăng
Ta đặt nụ hôn nồng nàn môi phố
Nghe hân hoan niềm hạnh phúc ngập tràn.
Nguyệt Hồ thức ngủ canh khuya, Nguyệt Hồ buồn vui hờn giận, Nguyệt Hồ xanh đồng bãi. Này em ! Cô gái Hưng Yên, cô gái du kích Hoàng Ngân, cô gái Nguyệt Hồ, cô gái chân ái của đời tôi, tôi hạnh ngộ em sau những bon chen, chật vật áo cơm thị thành. Tôi sà vào lòng phố, phố vỗ về tôi bát chè sen long nhãn vị ngọt thanh, mát như quạt vào lòng, tôi sì sụp bát bún thang lươn nóng hổi đậm đà tình quê như người Phố Hiến, tôi nhâm nhi ly cà phê đá và ngồi hóng gió Nguyệt Hồ. Mọi ưu phiền tan biến hết, tôi thấy lòng nhẹ nhàng thư thái như nhịp sống bình yên, thong thả nơi đây. Vậy đấy, mà dùng dằng, quấn luyến bao bước chân người đi kẻ đến Hưng Yên.
Một chiều bánh đúc bánh đa, mẹ tôi trở về trong bóng hoàng hôn Nguyệt Hồ lặng lẽ, chao nghiêng cánh cò bằn bặt ngày về phố. Bữa cơm mẹ tôi có món cá Mòi béo ngậy, vàng ươm chấm với tương Bần ngon hết sảy. Tôi tan cùng vị mặn mòi mùa nước nổi bên sông. Tôi thỏa mình ngắm dòng Nguyệt Hồ, lấp ló mảnh trăng chưa tròn vành lạc vào đêm mất ngủ. Tiếng nước dập bờ thở vào nhịp phố, phố chẳng còn gì nếu vắng bóng hình em.
Cùng với sự phát triển của thành phố Hưng Yên, Nguyệt Hồ đã được quy hoạch thành một khu công viên bề thế và hiện đại. Song cùng với sự hiện đại ấy dòng Nguyệt Hồ đang bị ô nhiễm. Vẻ đẹp tự nhiên, ban sơ, trong vắt của Nguyệt Hồ chỉ còn trong tâm thức khiến bao người ngậm ngùi, tiếc nuối.
Em cắc cớ điều chi mà Nguyệt Hồ của tôi mênh mang đến vậy ?
Tác giả: Khương Thị Mến