Khi cái nắng gắt của ban trưa dần dịu xuống, má đèo tôi trên chiếc xe đạp cũ mà má thường hay đi. Chiếc xe đạp cũ kêu “lạch..cạch”, nhiều lúc má cũng bực vì nó hay bị tuột xích, nhưng má cũng để lại rồi đem đi sửa chứ không bán đồng nát. Cũng bởi nó cùng má tôi đi qua từng con đường, cùng má chở con cá, mớ rau, gói quà mỗi lần má đi chợ về. Má chở tôi ra “ruộng muối”- nơi tôi sinh ra và lớn lên. Từ phía xa, tôi đã thấy cô Năm, người phụ nữ với gương mặt rạng rỡ, mồ hôi ướt đẫm trên khăn, từng giọt thấm vào trong trán, chảy xuống đuôi mày. Cô Năm vẫy tay chào tôi và nói:
– Hôm nay Xí ra cào muối hả? Cũng ra dáng “diêm dân”rồi ha!
Tôi ngồi sau yên xe, cười với cô Năm bảo:
– Dạ cô Năm! Mốt con lớn con vác muối phụ cô Năm!
Cô Năm cười phá lên, tiếng cười giòn tan khoái chí. Thảo nào trong xóm ai cũng bảo nghe tiếng cô Năm cười là hết mệt liền. Niềm vui không chỉ thể hiện trên tiếng cười mà còn ở nét mặt và thân hình rám nắng của cô nữa. Má dừng xe, cái phanh xe đã cũ nhưng vẫn còn thắng được, mà mỗi lần thắng thì nó kêu cái “kít…” thật dài nghe chói tai lắm. Như mọi khi, má đưa tôi cái cào nhỏ, bảo tôi cào muối thành từng gò. Tôi thường gọi những gò muối đó là “núi tuyết” vì nó vừa trắng, vừa nhọn giống như những ngọn núi trên đồi. Từng hạt muối trắng tinh, đậm vị hòa quyện với bầu trời xanh ngát cùng những vũng “nước chạt”vẽ nên một bức tranh cổ điển,tuyệt đẹp. Những hạt muối được phản chiếu dưới ánh mặt trời tựa như những hòn pha lê óng ánh. Tôi nghe cô Năm trò chuyện với má tôi :
– Muối năm nay trắng tinh, đậm vị mà săn chắc, hạt nào hạt nấy bụ bẫm hẳn nhỉ!
Má tôi quẹt vội giọt mồ hôi lăn dài trên trán, giọt mồ hôi hòa với vị mặn của muối, má chỉ cười và đáp:
– Dạ! Cũng may trời thương cho dân quê mình được mùa nắng đẹp, nắng đều, chứ không mà như năm ngoái thì thất thoát lắm. Làm thì cực mà trắng tay lại khổ hơn nữa!
Cái hơi muối mặn làm cơ thể của má khác biệt hẳn da tay thì thô tháp, chai sạn, da dẻ đen đúa, tóc tai cứng sáp vì hơi muối, chân thì to, vai thì rộng, cũng không riêng gì má tôi mà tất cả những người diêm dân ở đây đều như vậy. Nhưng phận làm muối mỗi năm cả chục vụ, suốt ngày phơi thân hớp muối bảo sao da không thô, tóc không sáp. Nhiều khi nhớ lại những ngày mưa bão, muối chưa đến độ thu hoạch, trời đổ mưa như trút nước; muối lẫn nhiều nước mưa nên đâm ra phải tháo bỏ toàn bộ. Giọt mồ hôi lẫn trong hạt mưa, hòa cùng giọt nước mắt vừa mặn và chát đắng; chẳng có hương vị nào có thể xua đi cái đắng chát đó cả.
Người ta vẫn thường nói những người nông dân thường lặn ngụp sâu trong biển mồ hôi, người “diêm dân” cũng vậy, chỉ là giọt mồ hôi đó mặn hơn, chát hơn muối. Hạt muối được trắng tinh, đậm vị và săn chắc ấy là kết tinh của những giọt mồ hôi mang đậm hương vị mặn chát của người lao động, của sự cần mẫn chịu thương chịu khó ở những người con nới xứ sở này. Bởi đó là những hạt muối được kết tinh từ lao động, mà lao động chính là “ tinh túy của biển”!
Tác giả: Lê Trần Kim Ngân