Những cơn mưa ngâu xuất hiện làm dịu đi cái nóng của mùa hè. Từng tia nắng dài chiếu xuyên qua vòm cây trông như những sợi tơ vàng óng, liêu xiêu. Cảnh vật làm cho ta nhận ra sự giao mùa của đất trời. Cảm nhận rất rõ mùa thu đang về trên quê tôi. Mùa thu đến vấn vương mùi hoa bông giờ của ngoại.
Tôi không biết bông giờ do ai đặt tên, và thuộc họ nào trong thế giới thực vật. Tôi cũng không có ý định tìm hiểu rạch ròi, vì đối với người dân quê tôi, bông giờ giống như một món quà của thiên nhiên ban tặng. Bông giờ không có giá trị kinh tế, nó dân dã, mộc mạc như tình người và hồn đất quê tôi. Nhớ có lần, tôi hỏi bà ngoại “ cây bông giờ ở đâu tự dưng mọc lên đầy vườn như có phép thuật vậy hả ngoại?” Bà tôi bảo ”con người đủ chín tháng mười ngày thì được sinh ra, cây cối cũng vậy cứ đến mùa thì ra hoa kết trái. Bông giờ cứ đến mùa thì mọc lên như hoa thơm của đất”. Bà còn nói “Vạn vật trong tự nhiên, cây cối cũng có vòng đời chỉ là vòng đời ngắn hay dài mà thôi”.
Bông giờ chỉ mọc một lần trong năm. Khoảng cuối tháng bảy âm lịch, vạt đất sau hè sau vài cơn mưa, bỗng một sớm mai người ta thấy những búp hoa cánh tím nhuỵ vàng lấm tấm mọc lên như nấm. Hoa phảng phất một mùi thơm nhẹ nhàng hoà lẫn với mùi the tinh dầu tạo thành một mùi thơm riêng biệt, độc đáo của bông giờ. Không rực rỡ, mỹ miều để thi sắc, bông giờ làm hương vị cho những món ăn trở nồng nàn, thơm thảo, làm cho những bữa ăn quê “được cơm” hơn. Khác với cây cỏ, thân của cây bông giờ chính là hoa và lá. Hoa mọc lên trước rồi lá mới lần lượt mọc theo sau. Hết hoa thì dùng lá, lá bông giờ thơm chẳng khác gì hoa nên người quê tôi dùng để kho cá đồng. Đến cuối tháng giêng lá của bông giờ già cỗi, khô quéo rồi tự biến mất khỏi mặt đất. Lúc này, hình như chẳng còn ai nhớ đến bông giờ nữa. Củ bông giờ nghe nói dùng để chữa chứng kiết lỵ nhưng vì nhà ít người nên bà tôi cũng chẳng muốn đào. Có lẽ, bà muốn củ và rễ của bông giờ cứ ẩn sâu dưới lòng đất nghỉ ngơi, dưỡng sức để thai nghén cho mùa hoa tiếp theo.
Vào mùa bông giờ, mỗi buổi sáng tôi thường mang rổ theo bà ra vườn. Những bông hoa tim tím bám trên mình những hạt sương long lanh như mời gọi. Từng cánh hoa mầu tím nhạt cuộn tròn để che chắn lớp nhuỵ vàng bên trong như một người mẹ đang mang đứa con trong bụng. Vì dáng dấp mỏng manh đó nên chỉ cần qua một đêm mưa, từng cánh hoa tím sẽ bị dập tơi tả, hoa lẫn vào cát đất trông rất đáng thương. Ngoại nhẹ nhàng nhổ từng búp hoa và lá non cho vào rổ. Bà bảo tôi lựa bông lành lặn, mập mạp vẩy ráo nước rồi mới gói lại bằng lá chuối để dành mẹ tôi và các dì hoặc mang đi biếu cho bà con chòm xóm. Bà nói phải cẩn thận như vậy bông giờ mới giữ được lâu. Những bông hơi bị dập hoặc đẹt hơn thì bà cháu tôi ăn.
Tôi sinh ra khi đất nước vừa thống nhất, cuộc sống khi đó còn khó khăn nên ba mẹ gửi tôi về ở với ngoại. Nhờ quãng thời gian này mà tôi có nhiều kỷ niệm đặc biệt với bà và quê ngoại dấu yêu. Tuổi thơ của tôi cũng như các bạn cùng trang lứa, ngoài giờ học phải phụ giúp bà quét dọn nhà cửa và làm những việc vặt. Bà tôi nổi tiếng khéo tay nên thường được những người hàng xóm mời đi nấu cỗ. Nhà chỉ có hai bà cháu nên bà dắt tôi theo. Thời đó, tiếng là cỗ nhưng chỉ có những món ăn đơn giản. Người ta thường nấu những món người thân khi còn sống ưa thích. Có khi chỉ là món tép đồng kho thịt, hoặc canh chua cá trầu. Cỗ quê vào mùa này, món nào cũng đầy ắp mùi thơm hoa bông giờ.
Tôi thích nhất món bánh xèo bông giờ bà tôi thường đổ vào những ngày mưa. Trong gian bếp thấp lè tè của bà, mùi thơm của gạo mới, mùi của lá hẹ, mùi của thịt mỡ và mùi bông giờ hoà quyện cùng với mùi khói củi ngai ngái tạo ra một sự kích thích lạ thường. Tôi cầm sẵn cái đĩa ngồi bên cạnh bà chờ chực, đợi cái bánh nào chín là cho vào đĩa ăn ngay. Chiếc bánh xèo mới vớt ra khỏi khuôn còn nóng hổi, giòn rộm, đậm đà vị béo của mỡ, vị ngọt thơm của bông giờ, tôi ngấu nghiến vừa ăn vừa phải xuýt xoa. Bà nhìn tôi ăn cười hiền từ “ mồ tổ cha mi, ăn từ từ thôi làm như bị bỏ đói bảy ngày”.
Năm lên cấp hai, bố mẹ đón tôi về thành phố để tiện việc học hành. Mùa thu năm đó, lần đầu tiên tôi xa bà, xa bạn bè và mái trường cũ kỹ. Hành lý của tôi đầy ắp những kỷ niệm với bà. Là lời thủ thỉ hàng đêm kể những câu chuyện của thời “ 9 năm” rồi đến thời “ 20 năm” của ông bà. Là bóng dáng bà chạy ra tận đầu ngõ để đưa gói bông giờ mẹ tôi để quên. Là những món ăn bà nấu hàng ngày, là món canh rau tập tàng, là con cá rô, cá sặc kho tiêu, là nồi riêu cua đồng vàng ươm, béo ngậy … những món ăn thơm phức mùi bông giờ. Tôi xa bà đi học rồi ra trường đi dạy xa nhà. Bà tôi sau một cơn bạo bệnh theo ông tôi về với tổ tiên. Từ đó những lần về thăm quê ngoại của tôi cũng thưa dần.
Quê ngoại tôi bây giờ đã thay da đổi thịt. Đường xá bê tông thẳng tắp, hai bên đường nhà cửa mọc lên san sát khang trang. Những mảnh vườn tràn ngập bông giờ trước kia được chia năm xẻ bảy khi những đứa con lớn lên bắt đầu lập gia thất. Vườn thu hẹp lại dần, cây bông giờ không còn chỗ để sinh sôi mà thay vào đó là những cây cảnh có chút ít giá trị. Nhà ngoại tôi cũng không ngoại lệ. Mỗi lần về thắp nhang ngoại, tuổi thơ tôi lại ùa về. Đứng trước hiên nhà, tôi lại nhớ quay quắt mảnh vườn có khóm bông giờ nở hoa thơm ngát.
Tác giả: Ngọc Minh