Tôi muốn gọi những người làm kéo rùng ở làng chài ven biển Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai– mảnh đất địa đầu xứ Nghệ là những người luôn thức để đợi bình minh.
Nghề này có tự bao giờ, người dân ở đây chẳng rõ. Chỉ biết rằng đó là một nghề đánh bắt hải sản quen thuộc của người dân miền chân sóng này. So với những nghề biển thì nghề kéo rùng có những điều rất đặc biệt.
Đây là một trong những cách đánh bắt hải sản gần bờ. Những người ngư dân thả lưới bao quanh một vùng biển, thường là cách bờ từ 1-2 ki -lo -met, sau đó sẽ thu lưới để tận hưởng thành quả lao động của mình. Họ kéo lưới quanh năm không kể nắng mưa, mùa vụ miễn là biển êm, sóng lặng.
Những người gắn bó với nghề này chủ yếu là những đàn ông và những phụ nữ lớn tuổi. Lớp thanh niên trẻ hiện nay không ai làm nghề kéo rùng vì thu nhập ít ỏi so với việc đi tàu lớn đánh bắt ngoài khơi xa.
Công việc của họ bắt đầu khi quá nửa đêm. Độ một hai giờ sáng họ đã gồng gánh ra bãi biển. Họ lầm lũi đi trong đêm. Nhiều cuộc đời, nhiều bước chân cứ miệt mài như thế dọc theo con đường làng quen thuộc. Đến bãi, tùy theo con nước nhưng họ sẽ dùng một con thuyền nhỏ chạy xa khoảng một đến hai ki – lo – met để thả lưới. Sau khi xong việc đó, trong lúc chờ cá chờ tôm đóng lưới, họ sẽ rì rầm những câu chuyện đời, chuyện nghề.
Khi đợi chờ mệt mỏi, có những vạn chài sẽ ngả lưng tạm thời trên những tấm chiếu mỏng trải ngay trên bãi cát êm mịn. Vị mặn mòi, mát lành của những cơn gió biển cũng giúp cho họ một giấc ngủ ngắn nhưng cũng đủ ngon để lát nữa còn lấy sức để kéo lưới. Trong những giấc ngủ không đủ dài đó có lẽ họ cũng mơ về những mẻ lưới bội thu, mơ về những ngôi nhà khang trang từ cái nghề khá đỗi nhọc nhằn này.
Những giấc ngủ chập chờn ấy khiến tôi nghĩ đến giấc mơ của ông lão đánh đá Santiago trong tiểu thuyết lừng danh “Ông già và biển cả” của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway. Suốt cả một đời đánh cá, đến khi bắt được con cá kiếm khổng lồ bằng một nhát lao, khi đánh trả lũ cá mập và cả khi quay trở về bến với bộ xương khổng lồ của con cá thì lão luôn mơ tới những con sư tử. Ông lão có một khát vọng vô cùng lớn lao. Có lẽ, chính lão Santiago cũng như chúa sơn lâm kia, ông là chúa tể biển khơi. Ông đeo đuổi giấc mơ đánh được con cá khổng lồ và ông đã thỏa nguyện ước mơ. Dù ông không bảo vệ được thanh quả của mình nhưng ông đã khẳng định một chân lý: “con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị khuất phục”.
Nếu ông già đánh giá trong tiểu thuyết của Ernest Hemingway có lúc xem mình là chúa tể biển khơi, bằng ý chí và nghị lực của mình muốn chinh phục biển cả thẳm sâu, mênh mông thì tôi nghĩ những người kéo rùng ở làng chài này chỉ xem mình là những người bạn của biển, của bình minh. Họ làm nghề rất thô sơ. Những ngư dân này không hề dùng đến các phương pháp “tận diệt” dù có lúc trong những mẻ lưới của họ có những con cá con tôm còn rất nhỏ. Cả đời sống dựa vào biển nên họ không dám làm đau biển. Để rồi mỗi ngày họ đều nhận được lộc của biển dù ít hay nhiều. Họ luôn ơn biển vì điều đó. Với họ, chỉ buông lưới, trời cho bao nhiều thì nhận bấy nhiêu!
Thông thường, tầm khoảng sau bốn giờ sáng là những ngư dân chuẩn bị thu lưới. Một mẻ lưới như thế cần khoảng 10 – 20 người kéo, chia làm hai bên, kéo dần vào theo hình cánh cung. Họ phải đi bộ khá xa ra phía ngoài bãi nước để kéo lưới vào phía trong. Có những lúc ra đến chỗ nước ngập ngang nửa thân mình. Việc kéo rùng gần như hoàn toàn bằng sức người. Bàn tay kéo lưới, bàn chân bước lùi, cứ thế với sự hợp sức của nhiều người thì từng bước từng bước một lưới sẽ được thu về. Việc thu lưới mất khá nhiều thời gian, có thể trên dưới một tiếng. Họ phải kéo xong lưới trước khi mặt trời nhô cao. Nếu kéo muộn hoặc hôm nào không đủ bạn chài thì sự nhọc nhằn càng tăng. Lúc đó không chỉ là những mệt mỏi do sức nặng của việc kéo lưới mà còn phải chịu sức nóng của ánh mặt trời.
5h30 sáng. Gió dịu nhẹ. Biển êm. Sóng đang hát. Những người ngư dân đã kéo xong mẻ lưới. Cá, mực quẫy đạp trong vàng rùng. Những hải sản tươi xanh. Tôi có thể nhìn rõ màu óng ánh trên lưng các loại cá và cả những nét nhấp nháy trên từng con mực. Có giá trị kinh tế nhất trong số những sản phẩm mà nghề rùng kéo được, đó chính là mực nháy. Nhìn những con mực, con cá tôi thấy cả sự tươi nguyên, mát lành của biển cả.
Lúc đó, những nụ cười đã bừng sáng hiện trên khuôn mặt nhăn nheo của những người thiếu ngủ đêm qua. Vì những vàng rùng hôm nay đánh được mẻ lớn. Nụ cười ấy dưới những tia sáng của mình minh giữa tiết trời chính hạ tôi thấy sao mà thật đẹp. Đẹp tựa một bài ca!
Bà Xin, tầm hơn 60 tuổi, chủ một vàng rùng rùng tươi cười mời chào rổn rảng: “mua đi các cô các chú. Cá đốm độ này béo lắm. Ăn bởi cái ngon cái tươi các cô các chú ạ!”. Bà nói bằng một giọng Nghệ chân chất, mặn mòi. Vừa nói bà vừa cùng mọi người phân loại rồi đổ cá vào những sàng chiếc rổ để sẵn ngay đó. Cá sẽ được bán ngay tại bãi biển hoặc chở vào con đường phía trong làng. Vàng rùng của nhà bà hôm nay được khoảng một tấn. Bà vui lắm. Nhà bà ba đời làm nghề này. Thỉnh thoảng trong năm chỉ được một vài lần như thế. Còn lại chỉ là những mẻ lưới còm cõi, đôi khi chỉ đủ cho bữa cơm trong ngày.
Những người làm nghề kéo rùng không phải đối mặt với sóng to gió dữ hay cái nắng như rang giữa mênh mang sóng nước như các nghề biển khác nhưng bản thân họ cũng mang nhưng nỗi gian truân của nghề biển. Với họ, một giấc ngủ tròn đêm sao mà ít ỏi. Có chăng là những ngày bão nổi, chẳng thể buông lưới. Những ngày lạnh đến cắt da, gió ngoài biển cứ rít liên hồi nhưng họ vẫn phải men theo bờ sóng, vẫn phải dầm mình dưới nước để kéo lưới với hi vọng có thêm chút ít để trang trải qua ngày.
Nhọc nhằn là thế, gian nan là thế nhưng họ khó lòng mà bỏ nghề. Khi gánh nặng của sự mưu sinh vẫn còn, khi cái duyên của nghề chưa dứt thì có lẽ họ vẫn để những bàn tay của mình nắm lấy vàng lưới; để những bàn chân trần của mình bám mãi bãi cát quê hương.
Do rùng lên vào độ sáng sớm nên người dân địa phương và khách du lịch cũng cảm thấy rất thích thú với việc đi ngắm biển, ngắm người dân lao động. Và đôi khi họ tham gia hỗ trợ người dân kéo lưới. Khi thử làm điều đó, họ sẽ cảm thấy rõ hơn vị mặn của những giọt mồ hôi; cảm nhận rõ hơn sự nhọc nhằn của những người dân làm nghề này. Thử tham gia một buổi kéo rùng cùng bà con, bạn sẽ thấy buổi sáng ấy sao mà bình yên đến thế! Tươi trong đến thế! Tươi trong cả khung cảnh, tươi trong cả tâm hồn!
Cũng bởi suy nghĩ họ hưởng được lộc biển nên gặp những hôm trời êm, sóng nhẹ, vàng lưới đầy thì họ sẽ bán rất rẻ, rất nhanh, đặc biệt là khi bán cho người làng đi dạo biển sáng sớm. Đôi khi bán bằng mớ, bằng túi chứ không cần đến cân kéo nữa, nhất là những loại cá bình dân như tép, cá đốm hoặc cá mai. Tôi thấy mến thương điều đó ở họ. Họ giản dị, mộc mạc. Giọng nói lúc nào cũng rổn rảng, kể cả đàn ông hay phụ nữ. Dù gần gũi, giản dị như vậy nhưng đôi khi lại hào phóng như biển cả. Dường như những người dân gắn đời mình với biển tự bao đời nay họ luôn tâm niệm một điều: sởi lởi trời cho, bo bo trời buộc. Sự thảo thơm ở những người dân vùng biển đến từ những triết lý sống đơn giản nhưng rất đậm đà ấy.
Bao ngày, bao tháng, bao năm những người ngư dân với dáng hình khắc khổ, với khuân mặt xạm đen họ vẫn cứ thức để đợi bình minh. Không đơn thuần để đợi những cơn gió mát dịu, đợi ánh sáng, đợi những tia nắng mặt trời. Mà họ đợi cùng với những hi vọng. Hi vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy. Hi vọng biển vẫn thương, vẫn cho cá cho tôm. Hi vọng về những tháng ngày “trời êm bể lặng mới yên tấm lòng”.
Có lúc tôi nghĩ, họ như những người lạc thời. Họ vẫn lặng lẽ làm nghề như cha ông họ đã làm, không có gì thay đổi dù phần đông ngư dân trong làng đi thuyền lớn, tàu lớn với hệ thống máy móc hiện đại. Nhưng chính cái cũ, cái xưa đó của nghề kéo rùng đã góp phần làm nên sự đa dạng của nghề biển, làm nên một nét riêng của những làng chài. Nhìn họ kéo lưới, thu hoạch thành quả, ta sẽ thấy vẻ đẹp của sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người. Một vẻ đẹp của quá trình lao động ngay cạnh cửa biển, lúc bình minh. Chính vẻ đẹp này sẽ làm cho những người chứng kiến có được những phút giây lắng lại giữa bao nhiều sự ồn ào của cuộc sống.
Kể về những người kéo rùng để tôi hiểu hơn gương mặt của quê mình. Đó là câu chuyện của sự mưu sinh, câu chuyện của những người trọn đời gắn bó với biển, với quê hương. Họ – những người thức đợi bình mình bằng sự nhẫn nại, cần mẫn, chăm chỉ. Họ – tiếp tục hát lên bài ca của tình yêu lao động – một trong những vẻ đẹp đang trân quý nhất của cuốc sống này.
Tác giả: Hương Nguyễn