Làng quê – nơi có lũy tre xanh, nơi có con đường đất đỏ thân thuộc, có cánh đồng lúa trĩu nặng bông, nơi dòng sông quê yên bình trải dài theo năm tháng. Nơi có những con người vất vả, lam lũ một nắng hai sương mà chân chất, mộc mạc, chứa đựng cả tình quê sâu lắng, ngọt ngào. Đó cũng là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ tôi với những kí ức ăn sâu vào tiềm thức không bao giờ có thể quên.
Nhớ biết bao những ngày hè, lũ trẻ con chúng tôi tung tăng, thỏa sức bơi lội, ngâm mình dưới dòng sông, con suối; dưới bóng mát của những bụi tre, hàng duối thân thuộc nơi quê nhà. Đứa nào đứa nấy đầu tóc, mặt mũi ướt mèm với trò té nước, hò hét, cười đùa inh ỏi vang vọng cả khúc sông. Có lần bố tôi cầm cái roi tre ra, lúc đó mới len lét vội vã chạy về.
Ngày ấy còn nghèo lắm. Trẻ con chúng tôi làm gì có máy tính, điện thoại để học, để chơi và cũng hiếm có sách, truyện mà đọc như bây giờ. Tôi nhớ lúc đó cả làng có mỗi nhà ông bà Quậy ở đầu xóm có cái ti vi đen trắng. Cứ tối thứ bẩy là mọi người kéo nhau ra nhà ông bà xem chương trình sân khấu. Chiếc vô ti vi được bê ra để trên cái ghế gỗ ngoài hè. Già trẻ, gái trai trải chiếu ngồi kín sân, trò chuyện rôm rả chờ đến giờ phim. Các cụ ông thì có ấm nước chè xanh, điếu thuốc lào. Các cụ bà bỏm bẻm nhai trầu, tay phe phẩy chiếc quạt đan bằng nan búp cọ non phơi khô. Những vở cải lương, chèo, tuồng, kịch nói là món ăn tinh thần của người dân quê tôi vào mỗi tối cuối tuần, sau những ngày làm việc vất vả. Cuộc sống mộc mạc, giản đơn mà thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Làng quê ấy, tuổi thơ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn ấy với biết bao nhọc nhằn, vất vả của bố mẹ đã nuôi chị em tôi khôn lớn, trưởng thành.
Có những buổi trưa hè, lũ trẻ chúng tôi trốn bố mẹ rủ nhau ra ngồi lê dưới gốc tre chơi chuyền, chơi chắt, nhảy dây, chơi ô ăn quan. Chỉ mấy cây cỏ nhật bằng cái đũa ăn cơm, chặt bằng đều nhau, nhặt quả bòng non rơi dưới gốc; vốc hòn sỏi nhỏ hay hai cái dây chun mà chúng tôi mải mê suốt mấy tiếng đồng hồ. Có khi, bố mẹ không gọi thì chưa biết đường về.
Cái trò đố lá cũng rất thú vị. Để chơi được trò này, chúng tôi mỗi đứa tản một phía ngắt các loại lá cây mà mình biết tên cho vào vạt áo rồi túm tụm dưới gốc cây để đố nhau. Chiếc lá nào mang ra đố mà bạn mình không có lá đó thì coi như đã “ăn”. Cuối cùng, ai “ăn” được nhiều lá nhất thì người đó thắng. Có đứa chẳng may vặt phải lá han hay lá cây sơn, y như rằng về nhà bị ngứa, đau rát rồi mọc những mụn nước li ti rất khó chịu.
Ngày mùa, vào buổi sớm, tôi theo các cậu, các dì ra đồng gặt lúa. Những thảm lúa vàng óng ả, thân lúa trĩu bông, hạt căng tròn phơi dưới nắng, hứa hẹn một mùa bội thu. Các dì, các cậu tôi thoăn thoắt đôi tay cắt lúa lượm thành từng bó rồi ôm để lên xe cải tiến. Tôi bé nhất nên được ưu tiên, chỉ lăng xăng tìm, bắt muỗm là chính. Những con muỗm bay lào xào trên ngọn lúa, mình căng bóng được bắt về. Dì tôi cho vào chảo rang vàng, béo ngậy. Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy thèm cái hương vị rất riêng của tuổi thơ mà trong cuộc sống hiện đại ngày nay, các bạn nhỏ bây giờ không thể có được. Lâu lắm rồi tôi không còn nhìn thấy con muỗm nữa. Có lẽ bây giờ do thuốc bảo vệ thực vật nhiều nên nó đã không còn. Tôi chỉ tìm thấy trong kí ức xưa mà thôi!
Qua mùa gặt, khi các thửa ruộng mới cày, bừa xong. Giữa cái nắng trưa gay gắt, tôi xách xô ra đồng nhặt cua. Cua nhiều lắm. Tôi men theo bờ và những rãnh khơi dưới ruộng để bắt. Nhiệt độ cao, cua bò lồm ngồm chưa kịp tìm chỗ chui vào tránh nóng thì đã bị tôi túm cho vào xô. Chỉ 15, 20 phút sau là tôi đã có trên lưng xô cua xách về. Bây giờ nghĩ lại cũng không hiểu sao lúc đó mình ham thế! Nắng, nóng; mặt đỏ bưng bừng, chân tay lấm lem bùn đất, lưng áo ướt đầm mồ hôi mà vẫn mải mê. Thế là tha hồ nấu canh cua rồi món cua rang. Mẹ tôi còn muối cua, nấu mắm cua nữa. Tất cả đều tự sản, tự kiếm “cây nhà, lá vườn”. Món canh cua mẹ nấu với mướp hương và nắm rau đay ăn với cơm gạo mới, thêm mấy quả cà pháo giòn tan, mát lịm ngày hè khiến tôi còn nhớ mãi. Ngày nay, cuộc sống đủ đầy với nhiều món ăn ngon nhưng hè đến vẫn không thể thiếu món canh cua, cà muối đậm đà vị quê ấy. Cua nhiều, đàn lợn cũng được hưởng sái vì rất nhiều mai cua và những con cua nhỏ được cho vào nấu cám cho lợn. Bây giờ thì cua đồng trở thành đặc sản; muốn ăn phải ra chợ mua mấy chục nghìn mới nấu được bát canh ngon.
Bố mẹ tôi thoát ly, nhà tôi không có ruộng nhưng tuổi thơ của tôi gắn bó với ruộng đồng. Nhà ông bà ngoại tôi nhiều ruộng lắm. Lúc lớn hơn chút là tôi đã thường xuyên giúp ông bà, các dì, các cậu những việc của nhà nông. Chính vì vậy mà gặt, cấy, phơi thóc, cuốc ruộng hay hái chè,…là tôi đều biết.
Thú vị nhất là những buổi họp Đội, cứ khoảng 19h là tiếng trống ếch lại vang lên rộn ràng, thúc giục lũ trẻ chúng tôi nhanh chân ra nhà văn hóa (lúc ấy chúng tôi toàn gọi là nhà kho).. Thường thì 19h30, có hôm 20h, các anh chị phụ trách mới tập hợp các em để phổ biến nội dung và tổ chức các hoạt động vui chơi. Tôi thường đến sớm hơn, đánh trống cùng mấy đứa và chơi đủ thứ trò chơi của trẻ con. Ngoài những trò chơi mà các anh chị phụ trách tổ chức như: kéo co, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, thả khăn,…thì chúng tôi còn tranh thủ lúc chưa tập trung chơi trò “chiến tranh bùng nổ”, “cướp cờ”, “nú tìm”…Có lúc, mấy đứa con gái chúng tôi chơi “âm” mà kéo nhau đứt hết cả hàng cúc áo, phải lấy dây rơm buộc tạm chạy về. Ôi, đủ thứ trò mà say sưa, mà háo hức vô cùng!
Những ngày chuẩn bị đón rằm trung thu, chúng tôi được các anh chị hướng dẫn tập múa, tập hát, đóng kịch để biểu diễn vào hôm rằm. Không khí rộn ràng, náo nhiệt hẳn lên. Ánh trăng tháng tám dịu dàng soi tỏa không gian cùng làn gió nhẹ đưa như ôm ấp, vỗ về, như nhoẻn miệng cười vui cùng lũ trẻ chúng tôi. Đã hơn ba mươi năm trôi qua nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ như in cái niềm vui hồn nhiên của tuổi thơ lúc đó. Hồi ấy, bố tôi cua cho tôi quả đầu tém như con trai. Không biết có phải vì thế mà các anh chị phụ trách cho tôi đóng vai chàng Sơn Tinh trong vở kịch “Sơn Tinh, Thủy Tinh” không mà tôi diễn ra trò.
“Đất nước khi xưa, đất nước Âu Lạc thanh thanh bình, thanh thanh bình…
Tôi xin vua cha, đón chào Mị Nương công chúa
Thủy Tinh đến chậm. Ôi thôi chết tôi rồi, chết tôi rồi,…”
Những lời hát kịch ấy vẫn cứ ngân nga trong đầu tôi đến tận bây giờ. Tuổi thơ tôi còn say mê với: “Đỏ thắm khăn quàng trên màu cờ, cuộc đời em là ngàn hoa rực rỡ,…”, “Em mang trên vai màu khăn tươi thắm, bao niềm mơ ước tươi sáng ngày mai,…” , những âm thanh rộn rã, tươi đẹp của tuổi thơ với màu khăn quàng đỏ thắm trên vai như vẫn còn đâu đây trong miền kí ức ngọt ngào.
Ngày rằm tháng tám, bố tôi tự tay làm cho ba chị em tôi mỗi đứa một chiếc đèn ông sao dán bằng giấy màu. Mẹ tôi bung sẵn một nồi ngô nếp vần cạnh bếp. Khoảng 3 giờ chiều, chị em tôi mỗi đứa một bát ngô bung lót dạ rồi khấp khởi ra nhà văn hóa tập tành trong sự háo hức chờ đợi đêm trung thu rước đèn, phá cỗ.
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống con người ngày càng đầy đủ hơn với nhiều tiện nghi hiện đại. Kì nghỉ hè, những trò chơi của bọn trẻ bây giờ cũng khác xưa. Nhưng nếu thời gian có thể quay trở lại cho tôi được sống những năm tháng tuổi thơ thì tôi vẫn muốn được sống với tuổi thơ như thế! Một tuổi thơ thật hồn nhiên với niềm hạnh phúc giản dị, trong veo, ấm áp. Một tuổi thơ mà tôi sẽ không bao giờ còn được gặp lại nữa. Tuổi thơ của tôi!
Tác giả: Đoàn Hạnh