“Alo, Huynh à, chú về đến đâu rồi?… Ờ, mọi người đang chờ ở đây cả rồi nhé”. Mẹ tôi tắt điện thoại, nói thêm “hỏi về đến đâu lại bảo đến chỗ trồng nhiều thuốc lào hai bên đường, thế thì biết chỗ nào”. Phải rồi, có xã nào ở Vĩnh Bảo này không trồng thuốc lào không nhỉ. Mà cả huyện Tiên Lãng bên cạnh nữa, thuốc lào bên đó có khi còn nổi tiếng hơn, chọn đường về đi qua đó thì có mà bao la. Đó là hôm bác tôi tổ chức mừng thượng thọ cho ông bà nội, cụ ông tám mươi, cụ bà tám hai, chú Huynh và một vài hàng xóm của nhà tôi ngoài phố kéo về chúc thọ hai cụ. Thấy mọi người đi lâu lâu, mẹ tôi sốt ruột gọi hỏi, xong rồi thì bà cũng chịu, chả biết mọi người đang ở đoạn nào trên đường về. Dọc theo quốc lộ 10, qua cầu Quý Cao gần chục cây là đến địa phận huyện Vĩnh Bảo. Vào mùa trồng thì rất dễ nhận thấy, cây thuốc lào đầy hai bên đường. Lá cây này to, có lá to ngang đến cỡ ba mươi cm, chiều dài gần cả m. Cả một đoạn đường khoảng 15km từ đầu huyện về đến xã nhà cụ tôi bạt ngàn là thuốc lào xanh mướt. Chú Huynh nói thế thì đúng là chả biết đang ở đâu thật.
Chuyện về Vĩnh Bảo gặp thuốc lào chẳng có gì lạ, nó là hiển nhiên nếu đúng mùa, hoặc không thì thế nào cũng gặp những hình ảnh như cụ ông tôi kia kìa, đang thong thả thông điếu ở thềm nhà, nhồi thuốc, châm lửa khi đã búng cái đóm bằng lạt tre tanh tách để gảy tàn, sau hai hoặc ba tiếng rít ngắn là một tiếng rít thật dài, tiếng kêu lọc ọc giòn tan như mấy đời nay nó vốn thế, rồi đến màn thả khói rất khoan khoái. Nói mấy đời là vì tôi đã được nghe tiếng cái điếu này từ ông nội khi tôi còn rất nhỏ, chú tôi cũng bảo “từ hồi tao còn bé tí đã thấy cụ của chúng mày dùng cái điếu này, chả biết có từ bao giờ”, vậy thì ít nó cũng truyền được ba đời rồi. Đàn ông quê tôi, họ nhà tôi ai cũng hút thuốc, phụ nữ cũng nhiều người hút, không thì cũng thêm một ít vào miếng trầu cho “mặn”, nhưng trừ tôi và thằng em trai. Không hẳn là do tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, mà không hút là không hút. Không hút nhưng những ký ức về thuốc lào thì tôi nhớ, tôi yêu và thầm nhủ “quê đấy” mỗi khi được nghe ai nhắc “thuốc lào Vĩnh Bảo” trên những chặng đường sau này.
Đây nhé, mọi người biết nhiều tiếng rao, nào là: kem mút, kẹo kéo, chẻ chai lông ngan lông vịt, bánh chưng bánh rán bánh giò, rồi: đổi bún, hoạn lợn, v.v. quê tôi còn có tiếng rao “ai thái thuốc đơ…i”. Nhìn ra sẽ thấy một bác, xe đạp chằng theo cái cầu thái thuốc, phần cầu cong cong làm tôi hay liên tưởng tới cái bắp cày, rồi lỉnh kỉnh dao thái, đá mài, vân vân và linh tinh. Nhiều khi khả năng do rao nhiều, mệt, các bác ấy chỉ còn “Thá…..i thuốc” đan giữa những tiếng lọc cọc đều đặn của cái xe đạp chắc cũng mệt. Thường thì làng nào cũng có vài bác hành nghề này nhưng nhiều nhà trồng và đặc điểm thu hoạch, chế biến nên cháy thợ là chuyện thường, vì thế nên mới có mấy bác đi thái thuốc dạo như vậy.
Các loại cây lấy lá khác, rau chẳng hạn, thu hoạch khi lá ở kỳ bánh tẻ, cây thuốc lá thì không vậy, nông dân chỉ thu hoạch những lá đã rũ về phía gốc, thậm chí còn để úa vì còn chờ gió đông nam, thời điểm thu hoạch lá thuốc tốt nhất theo kinh nghiệm người dân quê tôi. Lá phải bẻ bằng tay, không cắt, cũng chả hiểu vì sao, chắc lại mẹo miếc gì đấy, mang về trải đều ra sàn nhà, để hai ba hôm cho lá mềm hẳn, nhiều lá khi mang ra bó đã úa vàng, chả sao cả. Đến mùa, tôi vẫn thấy bác tôi rải lá đầy gầm giường.
Được cho về quê chơi đúng những dịp này, tôi nhớ lắm những ngày nhà có thợ thái thuốc, cũng giống những ngày nhà có thợ gặt đổi công, thế nào mà chả có tý thức ăn tươi, trẻ con ở phố thời bao cấp cũng thèm thịt cá như thường. Mấy chị em tôi ngày đó cứ lăng xăng ra vào vui lắm, cũng xếp lá ra vẻ phụ người lớn bó, cuộn lá thuốc thành những cuộn tròn, dài cỡ thân cây chuối nhơ nhỡ, vừa với cầu thái thuốc. Sống lá được tước bỏ bằng dụng cụ rất đơn giản, một đoạn tre mềm uốn cong, cột hai đầu bằng một sợi chỉ dù. Cầu thái thuốc có một chi tiết mà tôi chả biết gọi là gì, nó giống như cái cổng parapol trường đại học của tôi sau này. Một tay bác thợ giữ cuộn lá trên cầu, đẩy từng tí một, rất đều qua cái “cổng” ấy, tay còn lại liên tục quay, con dao cứ theo chiều thẳng đứng của cái cổng mà cắt xuống bó lá rất ngọt. Thi thoảng dừng tay, nhúng dao vào nước, liếc vào cục đá mài mấy cái, quẹt qua cái khăn bẩn bẩn rồi lại quay. Từng mảng thuốc mảnh như sợi chỉ rơi xuống cái nia ở dưới. Dao thái bằng thép đen, lưỡi mài sáng loáng, hình dạng như cái thước gỗ của thợ may, cán dao nằm ở giữa, phải cỡ nửa cân hơn. Nó phải đủ nặng, sắc để phay được bó lá thuốc to, cuộn rất chặt thành sợi rất mảnh mà không bị nát. Thế mà tay thợ cứ liên tục quay, có khi thái từ sáng tới chiều, mỏi phải biết.
Thuốc thái đến đâu, phơi ngay đến đấy, sợi thuốc được rải đều, mỏng vào những cái nia, gác nghiêng lên cái tường bao ngăn sân và vười, nóc cây rơm, nóc dậu râm bụt đã được ông tôi cắt rất bằng, có khi phơi đè lên cả vạt rau đay ở góc vườn. Tùy tình trạng thời tiết và màu thuốc mà điều chỉnh kế hoạch phơi, nhưng thường thì phơi lần lượt hai nắng, một sương, một nắng tiếp rồi lại một sương. Phơi nắng để khô, phơi sương để lên màu và hình như còn tác động đến cả chất lượng của thuốc. Thời tiết đẹp thì thuận lợi, mưa thì rõ khổ. Có khi mọi người đang làm ngoài đồng, thấy cơn là tất tả chạy về, đận phơi sương còn mệt hơn, phơi đêm mà. Hôm rồi, tôi khơi chuyện chế biến thuốc lào với bố, ông bảo thái thuốc mà gặp mưa thì toi, có mà thành phân. Thật rồi, lá để úa rũ ra mới thái, lại thái mỏng, không phơi mau thì đúng là chỉ mang đi bón ruộng. Đang phơi mà gặp mưa thì chả cần nhờ, hàng xóm chạy nhà mình xong thì chạy giúp nhà khác. Nhớ một lần tham gia chạy mưa cho thuốc, lúc đó cũng cỡ hơn 10 tuổi, mấy chị em cứ khênh chạy từng lia một, bác tôi réo “tiên nhân chúng mày, chồng mấy cái lên mà chạy, từng cái thế kia thì đến bao giờ…”.
Tôi chỉ ngửi khói thuốc nên chả biết vị thuốc lào ra sao khi hút, chỉ nghe nói là có: nóng, sóc, nhạt, nặng. Nóng, sóc thì hút không ngon, khó hút. Nặng nhạt thì biết vì được chứng kiến. Ngày bố tôi còn hút thuốc, sáng nào cũng được chứng kiến ông gật gù trên ghế sau khi rít một điếu chào buổi sáng. Có lần cậu tôi say thuốc quá, không đi được, phải bò từ nhà dưới lên nhà trên. Thuốc hút mà không phê thì là nhạt. Ông tôi, chú bác tôi đều trồng thuốc, vậy nhưng cuối vụ lại thấy vừa bán, vừa mua thuốc. Sau này mới biết, vị của thuốc phụ thuộc nhiều yếu tố, đất trồng, thu hoạch và chế biến. Bác tôi bảo, thuốc của làng Thượng Đồng thì sóc, thuốc An Lãng nhà tôi nóng. Rồi lá già, lá non, lá thu hoạch đầu vụ, cuối vụ cũng cho vị thuốc nặng nhạt khác nhau, tôi chả nhớ được hết. Vậy nên phải mua thuốc nhà khác, đấu với thuốc nhà mình để điều chỉnh mùi vị, việc này đôi khi còn phải mời thợ hút thử. Bác còn bảo, thời ông nội tôi còn quấy hồ gạo nếp để tẩm thuốc, giờ không thấy ai làm nữa.
Tôi vẫn nhớ như in cảnh ông nội tôi ngồi trên cái sập, đóng thuốc lào thành bánh bằng cái khuôn gỗ. Cụ nhồi chặt lắm, thành phẩm là cục thuốc lào vuông vức như hòn gạch, gói bằng lá chuối khô, bên ngoài là lớp ni lông rất cẩn thận. Những hình ảnh ấy xưa rồi, ông khuất núi cũng đã lâu. Quê vẫn còn trồng thuốc lá nhưng cô dì chú bác của tôi không trồng nữa, có lẽ phương thức sản xuất, chế biến cũng đã đổi khác. Tôi viết lại ra đây để nhớ, để khi nào ai đó hoặc bọn trẻ nhà tôi hỏi về cái điếu bát mà tôi đang giữ, tôi sẽ kể chúng nghe.
“Đây là cái điếu bát, có từ bao giờ thì không biết, chỉ biết nó đã từng được cụ nội, ông nội và chú của bố sử dụng,…”.
Tác giả: Nguyễn Duy Chung