Nói đến cây sim thì nhiều người, nhiều thế hệ trẻ thơ Việt Nam biết và yêu thích cây sim từ hoa cho đến trái. Cũng dễ hiểu vì hoa sim đã đi vào thơ ca, nhạc họa từ lâu lắm rồi. Bài thơ “Màu tím hoa sim” nổi tiếng của thi sỹ Hữu Loan viết trong chiến tranh là minh chứng. Sau đó, được các nhạc sỹ phổ thành nhiều bài hát lắng sâu, đi vào lòng người vượt không gian và thời gian như: “Những đồi hoa sim” hay “chuyện hoa sim”…làm lay đọng lòng người vẫn còn nguyên giá trị.
Thật đúng vậy, từ thời còn trẻ trâu tôi đã yêu và thích cây hoa sim tím mọc trên những quả đồi, hay những bìa rừng. Và câu chuyện tình lãng mạn, đầy chất bi thương, nhưng không bi lụy của Nhà thơ Hữu Loan viết ra từ chính mối tình của ông trong chiến tranh thấm đẫm chất tình yêu lứa đôi, nhân văn trong những năm tháng của khói lửa chiến tranh, và người lính mất đi người vợ yêu thương khi quay trở về…Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ gieo vào trong tâm trí, con tim bao thế người Việt Nam niềm tin yêu, nỗi đau chiến tranh và khát vọng ngày mới…
Với tôi, những năm sau ngày giải phóng đất nước, thời còn học cấp 2, 3 tôi thường theo các anh chị, cô chú trong xóm lên trại Quế, hay núi Lớn cắt tranh, đốn (chặt) củi vào dịp nghỉ hè, nên biết và rất thích cây hoa sim tím thường mọc lên và trưởng thành trên những quả đồi, bìa rừng cao lộng gió. Phải công nhận cây hoa sim có sức sống mãnh liệt, vì trên những đỉnh đồi nắng gió, nhưng cây vẫn tươi xanh và phát triển thành từng bụi, từng lùm.
Mỗi khi đi chặt củi, cắt tranh trên núi, khi đi và khi về phải vượt qua nhũng quả đồi (thường thấp hơn núi) dừng chân nghỉ ngơi 5 đến 10 phút, để uống nước đựng trong bi đông đem theo khi đi rừng, lấy sức đi tiếp. Là tôi lại tranh thủ đi ngắm hoa sim, hay đi hái những quả sim chín tím từng chùm trông rất ngon và bắt mắt để thưởng thức. Nếu có nhiều trái chín thì hái đem về để dành nhâm nhi, hoặc cho tụi bạn bè cùng trang lứa, chứ cũng không biết tặng cho ai. Vì đâu có người yêu hay người vợ như thi sỹ Hữu Loan mà lãng mạn.
Hoa sim thường nở rộ vào đầu tháng 5 và kết trái chín vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, tức sau 3 tháng là có quả chín (tính từ lúc ra hoa). Phải nói hoa sim trông rất đẹp, mỗi bông hoa có 5 cánh màu hồng, chính giữa hoa là nhụy có rất nhiều cái tua nhỏ, có đính các hạt phấn màu vàng, càng làm cho hoa thêm duyên dáng, tươi tắn, có thể ví như cô gái xuân thì mười tám, đôi mươi của núi đồi. Hương hoa thơm nhè nhẹ, bay trong gió thoảng, trên đồi xanh mơ mộng.
Trái sim khi già có màu xanh, nhưng khi bắt đầu chín chuyển sang màu tím nhạt, rồi tím đậm; trái sim tròn lịm, trên đầu trái có những cái tai nhỏ (gọi là núm sim), trái chín, rất ngọt thanh, vị hơi chát chát, rất hấp dẫn khi thưởng thức. Hồi đó, tôi chỉ cần bứt mấy cái tai, cái núm sim, sau đó cho vào miệng để thưởng thức và cảm nhận hương vị đặc trưng của núi rừng mà cảm thấy yêu hơn núi rừng, nơi miền quê yêu dấu!
Thời điểm đó làm chi có điện thoại chụp hình để đăng tải lên facebook, zalo… nếu có như bây giờ ghi hình lại, thì tuyệt biết bao nhiêu. Những phút giây lãng mạn, hồn nhiên của thời trai trẻ. Còn bây giờ thì sao? Còn đâu nữa khi những đồi hoa sim tím, giờ đã trở thành những đồi cây keo lá tràm “ăn xổi”, “ở thì” của người dân quê tôi. Đồi hoa sim ngày ấy, nay chỉ còn trong dĩ vãng. Và câu thơ mang nỗi niềm trăn trở:
Tôi về tìm lại đồi sim
Chợt nghe đau nhói trong tim thuở nào
Giờ đây tiếc đến khát khao
Đồi sim ngày cũ ước ao mắt buồn!…
Thiên nhiên ưu ái cho con người biết bao nhiêu, thế nhưng con người không biết cách bảo tồn hay nói như người miền Tây là hào phóng, hào sảng với thiên nhiên, thì thiên nhiên sẽ lấy đi những gì ưu ái đã ban tặng. Nhưng nói đúng hơn, con người đã “cướp” đi những quả đồi tự nhiên, để cải tạo, thay vào đó là những cây có lợi trước mắt, làm mất đi cái tự nhiên mà thiên nhiên đã ưu ái cho con người. Đành vậy, chứ biết sao hơn khi con người chọn cái lợi trước mắt.
Và chim chóc cũng rời khỏi những cánh rừng, đồi, khi sự sống của chúng bị xáo trộn. Vì các loài chim muốn sinh sống, làm tổ sinh sản, bảo tồn giống nòi và cho tiếng hót trong trẻo ngọt ngào, bay bổng, vang xa, thì đòi hỏi phải có thức ăn là những trái cây rừng; con ong muốn làm mật, xây tổ thì phải có muôn loài hoa tươi trên rừng cho mật…
Nói như vậy, không có nghĩa những đồi hoa sim xứ Quảng nay không còn nữa, hay tuyệt chủng, nhưng đa số đã không còn, những nơi người dân biết trân trọng, bảo tồn thì vẫn còn những đồi hoa sim đẹp đến say lòng lữ khách. Nhưng tôi biết là không nhiều! Mong rằng, đến một lúc nào đó con người nhận thức lại và trả những đồi hoa sim về đúng với cái tên khai sinh của nó như lời bài hát “những đồi hoa sim”, hay như tiêu đề bài thơ của thi sỹ Hữu Loan “màu tím hoa sim” đã chọn, vừa mộc mạc, dung dị, nhưng sâu lắng tình đời, tình người.
Vậy đấy, đến đây tôi liên tưởng và nhớ Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”, nhưng có lẽ khi ta đi đất bổng hóa nỗi buồn chăng? Mà không hóa sao được, khi còn đâu những đồi hoa sim tím đã hàng ngàn năm ăn sâu vào trong từng sớ thịt, đường gân của đất. Như những đứa con được sinh ra trong lòng đất mẹ! Nay khai tử thì sao không khỏi buồn?
Tiếng thét của rừng, tiếng gào khóc của đất khi mỗi mùa đông lại quay về, mưa bão, nước lũ đã cuốn trôi từng mảng cánh rừng, gây cho cuộc sống của bao gia đình phải lao đao và mạng sống luôn bị rập rình, đe dọa. Đó chính là lời cảnh tỉnh cho sự không biết quý và trân trọng những cánh rừng, những quả đồi nguyên sinh. Những đồi hoa sim tím ngày cũ, nay đã không còn nữa. Và câu thơ tôi như mắc nghẹn giữa dòng đời…
Ngày 18.06.2021
Tác giả: Võ Văn Thọ