Mặt trời đã dần dần chếch Tây, sà xuống núi, Chắc “vợ lão” cũng đang chuẩn bị bữa ăn chiều, chờ xem bóng đá UERO 2021. Tối nay có hai trận, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chắc lão sẽ xem Italy và Wales.
Nhìn ra vườn, nắng vẫn lao xao. Tôi muốn bảo với lão “Ông xuống nhanh đi, cả ngày nắng đã bỏng hết da nông dân rồi”. Lão hình như không nghe thấy, khề khà đến sôi máu.
Chờ mặt trời xuống, tôi lang thang trên Fb, mới biết hôm nay là “Ngày của cha”. Rất nhiều Fbk đã viết về người cha, cả thơ nữa. Trong thẳm sâu, đúng là tôi nhớ cha mình, nhưng tôi không viết. Đã viết thì phải viết từ sáng, post lên Fb vào “giờ vàng” mới nhiều người xem, nhiều like, cmt.
Thế giới ảo cũng cần nổi tiếng. Ảo mà thật, rất nhiều Fbk rủng rỉnh tiền tiêu nhờ khoản thu nhuận like, nhuận cmt. Mai lại là ngày Báo chí nữa, những “nhà báo mạng xã hội” cũng tranh thủ kiếm tiêu pha. Nhu cầu chính đáng và thánh thiện. Đồng tiền mồ hôi nước mắt bao giờ cũng đáng trọng. Những kẻ tiêu bằng tiền ăn cắp của dân, dẫu “vỏ bọc” rất “vì dân”, thật tởm lợm, đáng khinh.
“Ngày của Cha” – Father’s Day, được quy định là ngày Chủ nhật thứ 3 trong tháng Sáu. Đấy là ngày để con bày tỏ lòng biết ơn và hiếu thảo đối với cha mình. Trước đây, “Ngày của Cha” thường được biết đến nhiều ở các nước phương Tây, nhưng hiện nay Father’s day đã được quan tâm và phổ biến hơn ở Việt Nam.
Trưa nay ăn cơm cùng gia đình chú em, 2 tiểu thư nhìn bố trìu mến và nhắc “Hôm nay ngày của cha”. Lòng tôi, chùng xuống, vì đang xa gia đình, không nhận được ánh mắt tương tự từ con mình.
Cũng như “Ngày của Mẹ”, đây là một ngày quan trọng đối với các gia đình. Thông thường, các con thường dễ dàng bày tỏ tình cảm với mẹ hơn. Người cha trong gia đình thường gắn với sự nghiêm khắc, là tấm gương cho các con. Giữa cha và con thường có ít cơ hội để thể hiện tình cảm. Vì vậy đây là dịp bày tỏ suy nghĩ, tình cảm để cha và con được gắn kết hơn. Ý nghĩa lắm.
Vào “Ngày của Cha”, con cái thường thể hiện và bày tỏ tình yêu thương, lòng kính trọng bằng nhiều cách khác nhau. Người con có thể mua quà hoặc bày tỏ tình yêu bằng những lời nói tình cảm, những cái ôm thật chặt.
“Công cha như núi Thái sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, (Ca dao). Với bất cứ ai cũng có đấng sinh thành, cha và mẹ. Có lẽ chỉ Thánh Gióng là không có cha. Vào thời Hùng Vương có một người đàn bà đã nhiều tuổi nhưng sống một mình. Một hôm sáng dậy bà đi thăm nương, bỗng nhìn thấy một vết chân giẫm nát cả mấy luống cà. Bà kêu lên: – “Ôi! Bàn chân ai mà to thế này!”. Bỗng bà cảm thấy rùng mình khi đưa bàn chân ướm thử vào dấu chân lạ. Và từ đó bà có mang. Đủ ngày tháng, bà sinh được một đứa con trai bụ bẫm đặt tên là Gióng (Theo truyện cổ tích Thánh Gióng).
Rất nhiều nhà thơ, nhạc sỹ đã sáng tác thơ về cha mình. Tôi lục trên Internet thấy có đến 9 ca khúc hay về tinh cảm cha con. Với nghệ thuật thứ 7 cũng có 10 bộ phim khá nổi tiếng về tình cảm cha con. Hình như Truyền hình Việt Nam có phát chương trình phim giải trí “Bố ơi, mình đi đâu đấy?” và bài hát “Bố ơi là bố” nữa. Đại loại thế.
Tôi cũng có 5 bài thơ có hình ảnh người cha của mình như “Nhớ cha”, “Hoa đại nhà thờ Tổ”, “Vu lan nhớ cha mẹ”… “Bao nhiêu năm thiếu vắng bóng cha / con đi về lặng lẽ / dáng lưng còng từ bếp lên nhỏ nhẹ / con về, phải không?”, (Nhớ cha). Cha mẹ cần mẫn và thảo thơm như cánh đồng, bây giờ đều đã về cõi mênh mông. Nói sao hết!
Do văn hóa vùng miền, con cái gọi thân phụ bằng nhiều cách. Phía Bắc, cơ bản gọi là bố; phía Nam, cơ bản gọi là ba; Xứ Nghệ gọi là cha. Sau khi đất nước thống nhất, có một xu hướng ở phía Bắc học theo Nam, gọi thân phụ là ba. Cá biệt, thời nay còn có vùng con cái gọi cha bằng bọ, bằng cậu, bằng thầy…Theo tôi, Xứ Nghệ gọi “chuẩn phổ thông” nhất, căn cớ là trong mẫu bản khai sơ yếu lý lịch do Nhà nước này xác định thì chỉ có “Họ tên cha”, “Họ tên mẹ”. Tôi không quá cổ điển, nhưng nghĩ cách gọi cha mẹ cũng là văn hóa, sao phải thay đổi. Sinh sống ở Xứ Nghệ nhưng con gọi thân phụ bằng “ba” như phía Nam, tôi thấy cũng chẳng sang chảnh hơn những gia đình giữ cách gọi truyền thống.
Bây giờ ở quê tôi
người ta dạy con gọi cha là ba, là bố
không gọi mệ mà gọi thay bằng mẹ
Xứ Nghệ mình
như thế hỏi tiếc không?
(Thương nhớ gửi về quê, thơ Ngô Đức Hành).
Về cách gọi truyền thống, giữ bản sắc, tôi vẫn trọng từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Họ gìn giữ cách gọi mụ / mệ là người bà, mạ là người mẹ đã có hàng ngàn năm nay, không học theo vùng khác, không “pha loãng” mình.
Tôi có vợ chồng chú em dạy học ở Đắc Lắc, giữa một cộng đồng dân cư gọi thân phụ là “ba”, các con chú vẫn duy trì cách gọi của Xứ Nghệ. “Cha ơi”, nghe thân thương đến vô cùng nơi vùng đất lạ.
…
Xứ Nghệ quê nhà khó nhọc đường cày
Tây Nguyên xanh hồn nhiên người Nghệ
tiếng gọi “Cha” dâng trầu hiếu nghĩa
bàn tay thơm đạo lý trong đời
(Tiếng gọi cha trên đất Tây Nguyên, thơ Ngô Đức Hành).
Sau lưng có cha bao giờ cũng bình yên nhất. Sau lưng có cha mình bao giờ cũng vững tin nhất. Con cái không chê bố mẹ mình, dẫu nghèo khó đó là đạo lý Việt Nam. “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, con cảm ơn khi được cho con được làm con của cha.
Ngoài kia, ông Mặt trời xác nhận, lặn xuống núi. Tôi nhớ cha tôi. Giờ này, cha sắp từ đồng trở về, chắc chắn có con Cà cuống mang về cho tôi nướng. Hương Cà cuống đã thơm, nhưng sao bằng vị mồ hôi cha, nồng nàn.
Hà Tĩnh, ngày 20/6/2021
Tác giả: Ngô Đức Hành