Tháng Sáu đi vội vã như đám mây cuối chiều bị gió dồn đuổi để đợi trăng lên, cho tháng Bảy ngập ngừng, thênh thênh trên bầu trời đầy nắng, đầy gió của những chiều không mưa. Những cơn mưa tháng sáu vốn dĩ đã thân quen nên mới ào ào như vị khách vào nhà không gõ cửa. Nhưng ở cao nguyên này, người ta lại lấy điều ấy làm niềm vui. Bởi tháng sáu đã đi qua, cuộc sống vẫn bình yên vô sự, không trượt đất lở đá, không gió cuốn lũ về…không phải thấp thỏm lo sợ mỗi đêm mưa rơi thì tháng bảy về cuộc sống sẽ ấm êm, sẽ đủ đầy…
Tháng sáu đi qua bình yên!Trong ánh mắt, nụ cười của nẻ hôm nay vẫn còn xót xa khi nhớ về mùa lũ năm nào!
Lũ về trong chớp mắt. Lũ về trong đêm khuya. Lũ về khi cả nhà anh Bảy còn say giấc ngủ! Lũ về khi cả Sáng Tùng còn im lìm trong giấc mơ đêm…Suốt bao đời gắn bó với rừng, sinh ra từng rừng, lớn lên từ rừng, cuộc sống vẫn bình yên như cây mọc ở rừng. Những nếp nhà gỗ bao đời dựng chênh vênh sườn dốc vẫn vững chãi đi qua biết bao tháng sáu mưa dầm. Vậy mà, một tháng sáu mưa tràn suối, nước ngập ruộng. Một tháng sáu gió về không ngớt, sấm chớp giật liên hồi như tích tụ cả nghìn năm bây giờ mới hoài thai trở về hạ giới khiến cây cối ngả nghiêng. Người ta khản giọng gọi nhau trong đêm khi thấy âm thanh lạ trong lòng đất, dưới nền nhà của mình.
Mưa nặng hạt hơn, gió gào thét dữ dội hơn. Già gọi trẻ, khỏe cõng yếu, tay dắt tay trong đêm tối mịt mùng chạy lũ… Hơn hai mươi hộ dân dắt díu nhau đứng lặng bên đường nhìn về phía bản khi trời tang tảng sáng. Sáng Tùng bao đời cheo leo giữa lưng chừng núi giờ chỉ còn bãi đất hoang, sình lầy, ngổn ngang cây cối bật gốc trơ rễ phơi sương. Những mái nhà lợp đá, lợp tôn, những con lợn con gà, những tài sản ki cóp cả đời mới dành dụm được giờ vùi sâu trong lòng đất lạnh chỉ trong phút chốc…Họ chẳng còn gì sau một đêm lũ về.
Nẻ (tù nẻ – mẹ) theo các con chạy lên đến đường lớn cũng là lúc đất đá đổ ập xuống. Lũ về, cuốn nhà cửa, cuốn phăng phăng cả cánh rừng đời nẻ nâng niu… Mặc mưa, mặc gió nẻ ngửa mặt gọi Giàng.Tiếng Nẻ lẫn trong tiếng mưa nên chỉ còn nghe giọng nói thều thào qua rít kẽ răng đang nghiến chặt vì tiếc, vì xót của: “Mẹ thiên nhiên nổi giận. Thần linh cũng nổi giận rồi! Bao đời người Mông nương náu với rừng, sống dựa vào rừng. Bây giờ rừng mất, nhà cửa mất, thửa ruộng cũng nằm sâu trong lòng đất…những tháng ngày sau biết cấu víu vào đâu! Giàng ơi!”
Tháng sáu, nơi nơi rộn rã tiếng ve, rực đỏ hoa phượng và tím ngắt màu bằng lăng thì ở cao nguyên Sìn Hồ lại đón hạ bằng những cơn mưa đầu mùa xối xả cuốn trôi xác hoa hồng, hoa giấy rụng kín sân. Những cơn mưa còn mang màu mỡ cho đất, thấm màu máu và mặn mòi giọt nước mắt của người như nhắc nhớ về trận lũ năm nào đi qua bản làng. Thứ thiên nhiên khắc nghiệt ở độ cao hơn 1500m so với mực nước biển như là món quà thượng đế ban tặng mà chẳng ai muốn nhận nên cứ đùn đẩy nhau để rồi buộc Sìn Hồ phải lấy. Có khi vì không được chào đón nên nó cũng hay hờn giận, cáu bẳn mà ấm ức chia đôi địa hình để thỏa sức làm mình làm mẩy với con người.
Vùng cao khí hậu ôn đới nên mùa đông thì rét cắt da cắt thịt, còn mùa hè thì mát mẻ như Đà Lạt nhưng mưa nhiều. Còn vùng thấp lại chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới nên mùa đông bớt lạnh thì mùa hè lại thêm nóng. Nẻ tôi cả đời ở trên núi cao, gắn bó với rừng nên chỉ cần nhìn cơn mưa đầu mùa, quan sát hướng gió ngày đầu hạ là biết tháng bảy lũ có về không. Thế nhưng, đàn bà thì không có quyền được biết nhiều thế! Đại kỵ, không được nói chuyện liên quan đến trời đất, đến thần linh mà chạm vía trời làm mất linh thiêng…vì thế, cả đời những người đàn bà ở đây chỉ quanh quẩn với việc lên nương làm rẫy, vào rừng hái măng, hái rau, sinh con đẻ cái và cuối tuần xuống chợ phiên đổi vải mua muối, còn những việc khác đã có người đàn ông – trụ cột của gia đình gánh vác. Nhưng chí (tù chí – bố) tôi mất sớm, từ cái lí lấy gỗ đóng quan tài đến lí đưa chí tôi về với tổ tiên đều tự tay nẻ lo liệu.
Nhà nghèo, lễ nẻ làm cái tâm nhiều hơn đồng tiền nên suýt nữa chủ lễ không nhận. Nẻ tôi quả quyết: “Không thể để cái nghèo kéo mình đi theo nó mãi được, phải nghĩ thoáng ra mà thoát nghèo. Giàng cho ông làm thầy, cho ông làm chủ tế, giàu nghèo ông cũng phải làm thì mới đúng ý Giàng, mới thấy cái bụng mình tốt. Mà trời đất thần linh chỉ phù hộ người tốt chứ có phù hộ người xấu bao giờ đâu”… lí lẽ của nẻ như cọng tóc vướng họng con gà, chủ lễ cũng có cái lí của ông ấy. “Người chết là con trưởng trong dòng họ, không có lợn to cũng phải có lợn bé mà xẻ thịt cúng ma. Không có gà rừng cũng phải đủ đôi gà trống mà tiễn hồn ma, mà mời người sống…
Cái người đàn bà đi ra nhiều, biết nhiều, muốn bỏ cái lí là không được”. Cũng chẳng biết nẻ và chủ tế thống nhất những gì nhưng cuối cùng chí tôi cũng có người cúng tiễn về trời như bao người khác. Nhưng năm chí đi, trời đất cuồng nộ, lũ cũng ập về trong đêm cuốn sạch hoa màu, ngô lúa…Năm đói, nẻ lên đưa mấy anh em chúng tôi vào rừng đào măng, tìm nấm đợi mùa mới. Mỗi lần nhớ lại ngày
Tác giả: Châm Võ