Trên con đường quen thuộc hàng ngày tôi đến lớp, sáng nay bỗng nhộn nhịp lạ thường. Tiếng máy gặt, máy tuốt lúa, tiếng xe cộ, tiếng tắc rì cùng với mùi thơm ngai ngái của rơm rạ phảng phất đâu đây… Hòa vào cùng dòng người hối hả, tôi phóng tầm mắt ra xa, màu xanh mơn mởn của lúa chiêm đương thời con gái ngày nào đã thay bởi một thảm vàng bất tận. Phải rồi, đã bắt đầu vào mùa gặt. Tự nhiên, bao nhiêu cảm xúc lại dâng trào trong ký ức. Tôi bồi hồi nhớ về những vụ mùa ngày tháng cũ.
Đó là ký ức những ngày mùa trên cánh đồng lúa Văn Yên ” thẳng cánh cò bay” của ba mươi năm về trước, nắng tháng năm như đổ lửa, gió Lào thổi từng cơn mang theo những cái nóng khô hất tung vào mặt, mặt đất nứt nẻ, trắng xóa, đường làng bỏng rát, cây cối xác xơ… Gia đình tôi dù con nhà bán nông vẫn được phân sáu sào ruộng khoán. Từ ngày mẹ mất, bố là lao động chính trong nhà mặc dù bố đang là giáo viên THPT. Tôi là chị cả đang học lớp 10, sau là ba em, em kề đang học lớp 6. Những ngày trung tuần tháng 5 là những ngày vào mùa gặt.
Mới khoảng 3 giờ sáng, tôi đã mơ màng nghe tiếng tắc rì, tiếng gọi nhau í ới của các bác nông dân đi gặt sớm để tránh nắng. Quê tôi, có những vùng lúa với cái tên gọi Hội Tâm, Mò Cua nằm sát xóm Con Khỉ là xóm cuối cùng của xã Lạc Sơn cách nhà chừng 6km, ủi xe đến nơi mất cả tiếng đồng hồ. Bố tôi đã tỉnh giấc nhưng vẫn chờ để con ngủ thêm chút xíu. Tối qua, cả ba bố con tuốt lúa đến quá nửa đêm. Thế mà bố vẫn dậy sớm, nấu cơm nếp với đậu đen chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Chừng 4 giờ sáng, bố thức chị em tôi: ” các con dậy đi, họ đi cả rồi”. Tôi nghe tiếng bố rất rõ mà sao hai mắt cứ díu lại, không thể mở ra, lật qua lật lại, cơ thể rã rời. Tôi có cám giác như ai đó lấy dây buộc xuống giường, không thể nào ngửng đầu lên được. Bố gọi lần hai, rồi hai chị em tôi cũng ngồi dậy, ra được khỏi giường, vệ sinh vội vã, ăn tạm bát cơm bố nấu, lấy một bi đông nước đầy, không quên đùm mấy củ khoai lang tối qua luộc sẵn. Đẩy xe đến ruộng thì trời mờ sáng, trời sáng thì ông mặt trời cũng bắt đầu ló ra. Mới sáng sớm mà nắng đã réo rắt, lại đứng gió, bầu trời không một gợn mây, báo hiệu một ngày nóng nực và những trận mưa dông về chiều…
Khi ông mặt trời nhô lên khoảng chừng hai đòn gánh, khi những bó lúa căng tròn đã rải dài trên thửa ruộng thì tôi bắt đầu gánh lúa lên xe. Ruộng lúa cách chỗ tập kết khoảng chừng 200m, người nhỏ, dóng dài, tôi phải gánh ngang, chạy còng, những bó lúa cứ cà sền sệt vào gốc rạ. Mỗi lần gánh lúa lên xe là mỗi lần thở dốc tưởng chừng như không còn chút sức lực nào nữa. Bắc được xe lúa đầy, hai chị em ngồi tránh nắng dưới bóng xe, dùng chiếc nón đội đầu quạt cho đỡ nóng, lấy chiếc khăn trùm lau những giọt mồ hôi ướt nhòe trên mặt, ăn tạm củ khoai, uống vội vài ngụm nước rồi em đẩy, chị kéo, rong ruổi những nẻo đường…
Ở quê tôi, chủ yếu là thuần nông nên nhà nào cũng nuôi trâu bò để cày kéo. Đến mùa vụ, chúng đỡ sức người đáng kể. Riêng gia đình tôi, không có trâu bò nên gặt xong, vận chuyển lúa chủ yếu bằng sức người. Trời nắng, bấm chân đất mà đẩy, mà kéo, đường đất đỏ đá dăm bỏng rát hai chân. Về đến nhà, đặt xe lúa xuống, cảm giác như người lả đi, mặt đỏ tái, nằm xõng xoài ra thềm, nước uống chừng nào cũng thấy khát. Nhưng cũng chỉ nghỉ ngơi chớp nhoáng thôi, bố và chị em tôi lại tuốt, người đứng máy, người chia lúa, người mang rơm phơi. Tất cả cứ thoăn thoắt theo guồng quay tròn xoay cùng với tiếng kêu ầm ầm, ù ù của máy…
Nắng mệt thật nhưng ngày mùa ai cũng trông ông trời đừng giận dữ đổ mưa. Người dân hối hả chạy đua với thời gian một phần tranh chấp với cái nắng để phơi lúa, phơi rơm, một phần để làm đất gieo sạ cho kịp thời vụ. Được nắng, hạt thóc sẽ khô đều, không bị ưởi nên khi xay thành gạo, hạt gạo cũng đỡ nát và cơm sẽ dẻo thơm hơn. Còn rơm rạ, được nắng, đỡ hao, rơm sẽ đượm màu xanh, mùi thơm ngái nồng nàn, trâu bò khoái lắm. Rơm rạ là nguồn thức ăn chính của người bạn thân thiết nhà nông. Chính vì vậy, người dân quê tôi dù mệt đến mấy cũng cần mẫn phơi trở không quản cái nắng chói chang, rát bỏng để chăm sóc cái ăn cho ” đầu cơ nghiệp” như chăm sóc miếng ăn cho chính bản thân mình. Nhà nào không có trâu bò thì phơi rơm để làm củi đuốc. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Bố bảo rằng, các con cố gắng gặt sát gốc, tuy gánh nặng và phơi phong vất vả một chút nhưng mình có cái để mà đun mà nấu, sau này tro của nó đem ra bón ruộng giàu kali, đỡ bón phân hóa học, đất sẽ màu mỡ hơn.
Khổ nhất là những ngày chạy mưa, ông trời cứ thử thách lòng người. Đang nắng to thì mây đen ùn ùn kéo đến, sấm chớp đùng đùng, cuồng phong nổi lên. Như mọi người, bố con tôi cũng chạy sấp, chạy ngả, gió cuốn tung cả nón, vội vã bắc lúa lên xe, hớt hải chạy về. Thế mà vẫn có những lần không về kịp, một sân lúa đầy ướt lênh láng, dải rơm dài đã sắp khô phơi dọc đường làng cũng ngấm nước ướt sũng quyện vào bùn đất. Hai đứa nhỏ đứng nhìn ra, nước mắt chực trào: ” nhà em biết mà mưa đến nhanh quá, chỉ xúc vô được từng ni”. Tôi nhìn sân lúa, bao nhiêu cảm xúc cứ xen lẫn, thấy cực, thương bố, thương em và thương cả chính bản thân mình. Đứa em kề tôi, nhỏ nhắn nhưng được cái cứng cáp và nhanh nhẹn, theo chị đi cùng mùa. Hai đứa út ít cũng đã biết vêu vao nấu cơm canh, phơi lúa, phơi rơm…
Cứ như thế, bố con tôi đi qua mùa gặt, những giọt mồ hôi mặn chát, những ngày oằn mình trong nắng gió, những đêm nóng bức, đặt lưng xuống vừa trở mình thiu thiu ngủ thì gà đã gáy sang canh… Cất được cây rơm to và hai sập lúa đầy, bố nhẩm tính: ” mùa này được khoảng hơn tấn rưỡi, ăn uống hàng ngày ra rồi còn thoải mái mà chăn nuôi con ạ.” Ngoài làm ruộng, bố vẫn duy trì chăn nuôi như ngày mẹ còn sống. Lúc nào trong chuồng cũng một con lợn mạ và hai con lợn béo. Thức ăn của chúng chủ yếu là cám, gạo, ngô và khoai. Nguyên liệu nhà trồng được nhưng cực nhất vẫn là nấu cho nó ăn ngày ba bữa. Kiềng sắt được mang ra đầu hồi, nấu bằng rơm, hai nồi to tướng, mồ hôi lăn từng giọt quyện với khói rơm, ướt nhèm, cay xè cả hai mắt. Những lần bán lợn, được giá, bố sắm cho mấy đứa bộ quần áo mới, mua thêm chiếc quạt tai voi để mấy chị em đỡ phải đưa võng hay trải tấm ni lông ngủ giữa nền nhà… Vắng mẹ, chị em chúng tôi lớn lên trong sự bươn chải, vừa học vừa làm, thiệt thòi, thiếu thốn đủ bề nhưng đầy tình yêu thương của bố…
Giờ đây, rời xa ruộng đồng đã hơn hai chục năm, đã có lúc quên mùi thơm của rơm những ngày phơi được nắng, quên cảm giác ôm từng bó lúa vàng nặng trĩu lá cọ vào mắt, quên bước chân trần trên sỏi đá, quên những lần sấp ngả chạy mưa, những nắm cơm mang theo vội đùm trong lá chuối… Những ngày cuối tháng 5, trên con đường làng đến lớp, nhìn thấy màu vàng của lúa mới, phảng phất mùi rơm rạ đâu đây, xa xa, tiếng máy gặt rền vang cả đất trời… Tự nhiên tôi lại ước muốn biết bao được chân trần xục vào bùn đất, ôm những bó lúa vàng nặng trĩu đặt vào quang gánh, hòa nhịp trái tim cùng dòng người hối hả…, để được trở về những mùa gặt và ngày tháng tuổi thơ. Tự đáy lòng tôi bỗng ngân lên khúc hát ru của mẹ thuở nào: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
Tháng 6/2021
Tác giả: Trần Dịu