Nó là đứa em, thực ra nó là đứa bạn tuyệt vời của tôi, duyên trời đưa nó đến cho tôi. Nói thì nhiều lắm, nhưng nói nhiều, nó đọc được thì nó lại khóc vì tình cảm chân thành tôi dành cho nó. Tôi viết mà nước mắt cũng đang lưng tròng. Mấy ngày vui bên nó, hôm nay nó bận việc nên phải chia tay tôi để về Thái Nguyên. Nói đấy, cười đấy, nhưng tôi biết trong lòng nó đang buồn. Nó kéo vali ra khỏi cửa, lòng tôi sắt lại. Tôi cũng cố nói như không có gì.
Nó đi rồi, tôi thấy trống vắng lạ kỳ. Ra lan can nhìn về phía nó đi, nhìn lên chiếc cầu xa xa, nhiều xe qua lại trong cái Thành phố ngợp nắng này, nhưng tôi vẫn khẳng định, chiếc xe mầu trắng đang di chuyển trên cầu là chiếc xe có nó ở trong. Quay vào giường tôi nằm vật ra giường vừa viết vừa khóc. Gặp lại sau 10 ngày nữa nhé nhóc của chị. Nghi Le.
Đấy là dòng tâm tư của tôi trên trang Facebook cá nhân, tôi dành cho nó.
Được lệnh xuất phát xuống sân bay lúc 8h15, nó hăm hở nhắn tin gọi điện cho tôi và anh đoàn trưởng, trong tin nó không quên nhắc một câu: Các anh chị cứ yên tâm, em đi là sẽ đóng góp đầy đủ kinh phí cùng các anh, các chị trong đoàn. Giám đốc Nhà sáng tác là con của chú họ em, cần gì các anh chị cứ bảo, nó sẽ phục vụ tận tình, chu đáo.
Giọng bạn tôi xởi lởi khiến ai gặp nó, tiếp xúc với nó cũng tin tưởng nó ngay.
Đúng hẹn, tôi và nó đã có mặt ở đoạn cầu vượt, nút giao Yên Bình để đợi xe chở đoàn văn nghệ sỹ từ Thành phố Thái Nguyên đi xuống, qua Phổ Yên đón tôi và nó lên xe rồi thẳng tiến về sân bay Nội Bài. Trong lúc chờ đợi, nó moi cái nhíp trong va li dúi vào tay tôi: Chị giải phóng cho em mấy cái tóc trắng ở hàng tiền đạo với, hôm nay gặp gỡ các văn nghệ sỹ Thái Nguyên, em thấy hồi hộp quá.
Tôi đón cái nhíp từ tay nó đứng sát bên đường chỗ đầu cầu để nhổ tóc cho nó, hai cánh áo dài sặc sỡ mầu, lại đứng ở đầu cầu vào buổi sáng sớm mai, nhổ tóc cho nhau, có khi người đi đường bảo chúng tôi là hai con dở, nhưng nó đã nói vậy mà lại dúi nhíp vào tận tay, tôi cũng chả kịp phản ứng mà làm theo lời khẩn cầu của nó luôn.
Nghe nói giới văn nghệ sỹ là họ nhậy cảm lắm phải không chị. Nó hỏi tôi. Dưới con mắt của họ thì các cô gái có thể trở thành nàng tiên, nhưng không cẩn thận thì nàng tiên thành bà điên có khi còn thành con khỉ ngay đấy.
Tôi bật cười bảo: Này luyên thuyên vừa thôi, ai bảo em như vậy, văn nghệ sỹ người ta cũng là người chứ có là Tam Ma, Bát Quái gì đâu mà nói thế, để im chị nhổ tóc cho, cứ loáy ngoáy thế chị nhổ nhầm hết vào tóc đen bây giờ, nó cười khơ khớ. Tôi nói tiếp: Nhiệm vụ của em là để ý xe kẻo mà nó chạy qua thì chị em mình méo mặt, lúc ấy chả thành khỉ thì cũng thành đươi ươi. Nó toác miệng cười to hơn, cái giọng khàn khàn bật ra vang cả đoạn đường, mấy người đi đường ngoảnh lại nhìn, chả biết họ thấy lạ hay họ khó chịu nữa.
Xuống sân bay nó xăm xắn kéo va ly len lỏi thật nhanh vào phòng làm thủ tục và hướng dẫn mọi người những thứ cần thiết… thoắt cái lại biến vào dòng người, rồi thoắt lại hiện ra trước mắt tôi, nó lo thủ tục rồi dẫn đoàn vào trong nhà chờ, toác miệng cười nói oang oang. Các anh chị đứng xếp hàng vào em chụp cho kiểu ảnh làm kỷ niệm. Nó chỉ vào tôi bảo: Chị mặc áo dài đỏ đứng vào giữa đi. Nào tất cả kéo va ly lên, im nhé, tươi lên nào. Từ từ đã, cháu ơi chụp giúp cô kiểu ảnh. Nó “điều hành” cả hành khách không quen. Hihi. Tôi cười và thầm khen nó rảo hoạt quá.
Đến giờ máy bay cất cánh tôi vẫn thấy nó nhìn sang tôi và không quên nhắc tôi thắt dây an toàn, mặc dù đã được hướng dẫn viên trên phi hành đoàn hướng dẫn cẩn thận rồi. Nó hỏi tôi: Chị có mệt không. Tôi chìa ngón tay cái ra hiệu cho nó là tôi vẫn ổn, bấy giờ nó mới yên tâm ngồi im.
Đúng 12h kém 15 phút, máy bay hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, anh chị em trong đoàn ai cũng mạnh khỏe, vui vẻ, xách va ly hành lý ra khỏi sân bay rồi lên chiếc xe 16 chỗ mà anh trưởng đoàn đã đặt sẵn từ hôm trước, tiến thẳng về Nhà Sáng Tác Đà Nẵng. Những khu phố đẹp ngất ngây, choáng ngợp, đường sạch bong cảm giác như không một cọng rác, không mảnh túi nilon hay rác thải nào vương vất.
Tiếng cô bạn tôi lại khàn khàn oang oang vang lên. Các anh chị ơi, đây là chiếc cầu đầu tiên mà chúng ta sẽ đi qua, ở Đà Nẵng có nhiều cầu lắm, đây là Cầu Nguyễn Tri Phương bắc qua sông Thu Bồn chảy về Hội An, chúng ta còn đi qua tiếp một chiếc cầu nữa tên gọi là cầu Khuê Đông rồi đi một đoạn đường ngắn nữa là đến Nhà Sáng Tác Đà Nẵng thôi, các anh chị thấy cảnh ở đây có đẹp không. Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống đấy.
Tôi thấy nó cũng am hiểu kha khá, không biết là do nó đọc thông tin trên ti vi, trên mạng hay nhiều lần đưa các đoàn đi mà nó hiểu biết được thế. Nghề của nó thực chất là làm đại lý vé máy bay, ngoài việc bán vé và kết nối cho hành khách đi các chuyến bay, nó còn tự nguyện bỏ tiền mua vé cho bản thân và các chi phí khác để đồng hành cùng đoàn đến các điểm tham quan, du lịch. Đoàn nào vui vẻ và cần có sự giúp đỡ của nó là nó sẵn sàng ô kê dẫn đoàn đi như một thành viên chính thức, không tính toán, không nề hà. Nó nói: Em chỉ muốn sống vui, sống khỏe, sống có ích thôi. Nghe có vẻ lý thuyết nhưng lại rất thực tế, chính vì vậy mà tôi mê cái tính của nó và kết thân.
Để các văn nghệ sỹ có những trải nghiệm thực tế và có các tư liệu phong phú sáng tác, đoàn quyết định đi tham quan các điểm danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc…vv…. Trước tiên là thăm Ngũ Hành Sơn, Phố cổ Hội An, Bán Đảo Sơn Trà, Chùa Linh Ứng, Rừng dừa Bảy Mẫu, Bà Nà Hills, Thánh Điện Mỹ Sơn, Bãi Biển Mỹ Khê, Cầu Rồng, Cầu Quay… còn một số điểm khác như buổi tối Hội An, Núi Thần tài, nơi Cá chép hóa Rồng và thưởng thức đặc sản Mì Quảng, Chè Sầu, các loại hải sản khác vv…thì tùy các nhóm, miễn là báo cáo với trưởng phó đoàn để nắm bắt tình hình, có nhu cầu thì tự tổ chức đi.
Thời gian dành cho đoàn cũng không nhiều những cũng không ít, 15 ngày để vừa thị sát thực tế vừa viết bài, nếu không khẩn trương chắt lọc những thông tin, những cảnh quan thực tế thì cũng khó hoàn thành các tác phẩm của mình. Các thành viên trong đoàn đều hào hứng khám phá. Cô bạn tôi luôn là tâm điểm để mọi người nhắc tới. Đáp lại bạn ấy cũng nhiệt tình tham gia đóng góp vào những việc cung cấp và gợi ý cho đoàn nghiên cứu, chọn lọc các địa danh, địa điểm để quyết định đi tham quan, hợp với thời gian, hợp túi tiền và yêu cầu tư liệu sáng tác, sao cho thật bổ ích và ý nghĩa. Bạn ấy luôn tươi cười và khỏe khoắn khiến mọi người cũng tăng thêm sự tự tin, nhiệt tình và phấn khởi. Một câu nói vui của bạn ấy cũng làm cho anh chị em trong đoàn thỏa trí tò mò, bạn ấy nói: “Đến với Đà Nẵng mà chưa thưởng thức món Mì Quảng thì chưa gọi là đến Đà Nẵng”. Vậy là cuộc hành trình đi tìm và thưởng thức món Mì Quảng đã được “thiết lập” ngay ngày hôm sau.
Đúng 7 giờ sáng, chiếc xe 7 chỗ chở nhóm chúng tôi chuyển bánh đi khám phá ẩm thực Đà Nẵng. Từ Nhà Sáng Tác đi qua cầu Khuê Đông và cầu Nguyễn Tri Phương, rẽ trái theo đường CM.8 về hướng cầu vượt Hoà Cầm khoảng 28km đến Túy Loan. Nơi đây thuộc ngoại ô thành phố Đà Nẵng có làng cổ Túy Loan, tuổi đời hơn 500 năm, nằm ở hướng Tây Nam của TP. Đà Nẵng. Nơi đây ghi dấu nét đẹp văn hóa truyền thống của dải đất Miền Trung, là địa điểm du lịch của Đà Nẵng, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Làng cổ Túy Loan có ngôi đình làng Túy Loan là di tích LSVH cấp Quốc Gia. Chợ Túy Loan là một chợ quê truyền thống, quy tụ hầu hết các sản vật của quanh vùng, ví dụ: Cá mắm Hội An, lâm sản từ miền tây TP Đà Nẵng như chiếu, nón, nong, rổ…của làng Cẩm Nê. Bánh tráng và Mì Quảng của Túy Loan không nơi nào có được hương vị độc đáo như vậy.
Từ bước pha chế bột, đến bước pha trộn mầu thực phẩm vào bột cho đẹp, cho hấp dẫn phải cần sự tinh tế và khéo léo. Mầu trộn thường là mầu của nghệ. Bánh tráng có độ dẻo, dai, mướt, thơm hương gạo mới và thật ngon. Nước lèo là khâu quan trọng nhất, có thể coi nước lèo là hồn cốt của Mì Quảng, có vị ngọt của xương hầm, độ sánh và thơm của thịt. Chế biến thịt gà, thịt heo hoặc tôm, cá nóc, sứa vv… ( tùy theo từng loại mì) cũng rất cầu kỳ. Dầu phộng cho vào chảo, đun nóng già, thả hành khô vào phi cho thơm rồi mới bỏ thịt vào xào cho săn, nêm gia vị cho vừa, đảo cho mùi thơm bốc lên mới múc ra. .
Mì Quảng Đà Nẵng được biết đến là món ăn đại diện cho nền ẩm thực phong phú, đặc sắc của người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân các tỉnh miền Trung nói chung. Ẩn sâu trong hương vị của tô Mì Quảng là cả một nền văn hoá ẩm thực độc đáo của những người con miền Trung, gìn giữ và phát triển.
Đến với Đà Nẵng tôi thêm hiểu Đà Nẵng và yêu Đà Nẵng hơn. Tôi thầm cảm ơn cô bạn gái vô tư, người đã mang cho tôi cái tình, cái nghĩa mà theo tôi rất trong sáng, bình dị, tôi không khỏi bùi ngùi khi nó kéo chiếc va li ra khỏi phòng, chào mọi người để về đất Thái, tôi đã trào nước mắt. Màn đêm buông xuống, điện hai bên bờ sông Cổ Cò sáng lung linh, tôi thẫn thờ ra lan can đứng nhìn về hướng sông Hàn, con Rồng vàng xuất hiện trong mắt tôi, đôi mắt Rồng hấp háy chớp, Rồng cũng nhớ bạn tôi chăng ? Tôi khẽ gọi trong lòng: Le Nghi ơi, MẮT RỒNG VẪN THỨC, bạn đã ngủ chưa, giữa đất trời Đà Nẵng hoa lệ mà tôi nhớ bạn rất nhiều. Nhớ lắm Le Nghi ơi !
Tác giả: Ngọc Thái