Ngày chưa biết tới mảnh đất tột cùng phía Bắc Việt Nam – Đồng Văn, tôi thường nghe đôi ba người bạn nói “Nơi miền xa ngái”, “nơi rừng thiêng, nước độc” hoặc “nơi chỉ có đá và đá”. Nhưng với riêng tôi, chuyến đi lên với Cao nguyên đá Đồng Văn lại là chuyến đi đáng nhớ nhất trong suốt chuỗi những năm tháng “lang bạt” sáng tác của mình.
Tôi đến Đồng Văn vào tháng 10, khi những nương ngô đã được thu hoạch, khi những đợt gió đông bắt đầu thổi tới Cao nguyên Đồng Văn. Đứng trên đỉnh đèo Cổng Trời huyện Quản Bạ khung cảnh đập vào mắt tôi là sự hùng vĩ, cô liêu của chập trùng núi đá tai mèo. Đá xếp thành hàng, thành lũy. Đá làm nhà, làm cửa…Có lẽ vì vậy mà trong một số tác phẩm thơ ca nói về mảnh đất này người ta đã nói “sống trên đá chết vùi trong đá” hay “ Đá ở đây thay đất nuôi người/Người với đá tình sâu nghĩa nặng/Đá âm thầm trung thủy mãi nghìn năm”. Nhưng cũng thật lạ kỳ, ở trên cao nguyên này, khi những cây hoa màu, cây ngô, cây lúa không thể chống chịu được với mùa đông buốt giá, không thể sinh tồn được với cái khát khi hai, thậm chí ba, bốn tháng trời không có lấy một hạt mưa. Thì ở đây, dưới chân những vạt đá xám khô cằn lại mọc lên những bông hoa tím hồng cánh nhỏ và mỏng manh, hoa được gọi với cái tên “tam giác mạch”.
Dọc hành trình tôi đi, quan những địa danh như: Quyết Tiến, Cổng Trời, Núi Đôi, Phố Cao… hai bên đường Tam giác mạch nở rộ rung rinh như chào đón. Tôi tạp xe máy vào một ngôi làng nhỏ trong một thung lũng xinh đẹp có cái biển “Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Lũng Cẩm Trên”. Thả bộ trên con đường nhỏ dẫn vào làng, tôi lặng đi khi trước mặt mình là cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn sắc tím, hồng mê đắm. Chắc hẳn, bạn sẽ không thể kìm nén được càm xúc, muốn đến ngay vùng đất để được giao hòa giữa trời và đất, giữa đá và hoa, giữa ngọt ngào và mê hoặc với khát khao ôm trọn cả cánh đồng hoa vào lòng. Cô gái bán hàng ở cổng làng nói với tôi khi tôi hỏi mua bánh tam giác mạch: “…Làng giờ vui hơn, vì đông khách du lịch tới. Làng giờ cũng đẹp hơn, khi những nương ngô nằm phía cổng làng trước đây, giờ đã được thay bằng một năm bốn vụ trồng cây Tam giác mạch. Cây không chỉ nở hoa làm đẹp cho làng, níu chân người lữ khách phương xa tới. Mà cây còn cho lá làm rau xanh, cho thân làm trà, cho hạt để làm bánh, làm mì hay nấu rượu”.
Qua nói chuyện với người dân trong làng tôi còn biết thêm, cái tên “tam giác mạch” là vì cây có hạt ba cạnh như hình tam giác và là một loại cây lương thực thuộc họ kiều mạnh. Thân cây nhỏ bé và cánh lá mỏng manh nhưng sức chịu đựng sương xa, gió tuyết thì không cây nào bằng. Vì vậy, ngày xưa, khi mùa đông tới trên Cao nguyên Đồng Văn mọi cây cỏ chết khô, hoa màu rũ lá chỉ còn sót lại cây tam giác mạch, là cây lương thực duy nhất giúp cho người dân trên cao nguyên đá này sống qua những mùa giáp hạt. Bây giờ, cùng với sự phát triển đi lên của cả nước, đời sống người dân nơi đây được đổi mới, họ đã có cơm ăn, áo ấm. Cây tam giác mạch, giờ không là cây lương thực cho mùa đói nữa, mà là cây làm giàu, cây kinh tế. Không những thế, tam giác mạch, dưới sự sáng tạo của những người làm du lịch Hà Giang, họ đã biến nó trở thành thương hiệu du lịch, là biểu tượng cho sức bền bỉ chịu khó, cho tâm hồn cao đẹp của những con người sống trên Cao nguyên đá này và làm ra nhiều sản phẩm đặc sản hấp dẫn, được bạn bè du khách thập phương ca ngợi.
Nắng trải vàng khắp cánh đồng hóa, tạo nên sự lung linh huyền ảo. Tôi gặp những em bé hai má đỏ hồng, trên tay cầm những “chiếc vương miện” bằng hoa Tam giác mạch để bán cho du khách với nụ cười bẽn lẽn trên môi.
Lũng Cẩm Trên với những ngôi nhà tường trình bằng đất, mái lợp ngói âm dương nằm yên bình, luôn rộng mở đón khách vào thăm. Tôi bước vào ngôi nhà “chuyện của Pao”, ngôi nhà tiêu biểu cho kiểu nhà truyền thống của người dân trên cao nguyên Đồng Văn. Ngôi nhà đã được lựa chọn làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Hải. Chị chủ nhà mặc chiếc áo hoa màu xanh, đầu vấn khăn bảy màu cầu vồng đang ngồi nối lanh bên hiên cửa. Hình như sự có mặt của những vị khách “không mời mà đến” như tôi không làm chị bận tâm. Đôi tay thoăn thoắt chị nối những sợi lanh lại với nhau, thật khéo léo và chính xác. Tôi bước chân qua bậc cửa, trong nhà thiếu sáng, hơi lạnh tỏa ra từ nền đất, mùi men rượu thơm lừng sộc vào mũi. Một cô bé tầm mười lăm, mười sáu tuổi với bộ trang phục dân tộc Mông đang ngồi canh bếp. Nhà đang nấu rượu. Tôi bước tới hỏi em.
– Chào em! Em tên là gì?
Cô bé ngước đôi mắt trong veo lên nhìn tôi, trả lời: – Cháu tên Pà.
– Em còn đi học không? Cô bé lắc đầu.
– Em nấu rượu thơm quá!
– Rượu tam giác mạch đấy, chú có muốn thử không? Cô bé có vẻ hồ hởi.
Em đứng lên với lấy cái bát rồi múc ra cho tôi một chút rượu. Tôi cũng đã đi nhiều nơi, uống nhiều loại rượu của đồng bào. Nhưng hương vị của loại rượu tam giác mạch thật đặc biệt, không thơm nồng, không đậm đà mà nó nhè nhẹ, chan chát, cay cay đầu môi. Tôi hỏi em.
– Rượu ngon lắm, nhà em có bán không?
– Không bán đâu, nấu để ra tết lấy chồng thôi.
Vậy là, em chuẩn bị đi làm dâu. Lẽ ra, bố em sẽ là người nấu rượu, nhưng vì bận đi làm thuê ở tận bên kia biên giới chưa về kịp, nên em tự nấu rượu cho ngày hạnh phúc mình.
Tôi bước ra ngôi nhà “chuyện của Pao” lòng chợt hỏi: Không biết rằng, có bao nhiêu người đàn ông đã say trong men rượu của em? Có phải em chính là Pao!!!!
Chiếc xe hai bánh lại đưa tôi vượt qua những con đường uốn lượn vắt qua những lưng núi. Trong nắng vàng, trong hơi gió hanh hao của mùa đông, tôi cảm nhận được thật rõ vị thơm nồng của loài hoa tam giác mạch và vị chan chát, cay cay còn đọng lại nơi đầu môi của loại men được chắt ra từ những hạt tam giác mạch. Tôi cố gắng hít căng lồng ngực hơi thở bình yên, chậm rãi để bỏ lại phía sau ánh mắt u buồn trong ngôi nhà mình vừa vào … Tôi đến với điểm cực Bắc của Tổ quốc – Lũng Cú.
Trước khi đi mọi người nói với tôi: Phải đến được Lũng Cú. Nếu chân chưa tới Lũng Cú, tay chưa sờ lá cờ Tổ quốc. Thì xem như là chưa tới với Đồng Văn.
Lũng Cú hiện ra trong mắt tôi, hiên ngang và sừng sững. Đỉnh núi Rồng, với cột cờ cao vút, lá cờ rộng năm mươi tư mét vuông, đứng từ xa chông như một cánh chim lửa bay trên nền trời xanh. Nơi đây, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã in dấu chân những người anh hùng như: Quang Trung, Nguyễn Huệ…mỗi hạt đất, ngọn cỏ nơi đây đã thấm bao mồ hôi, xương máu của những người anh hùng con lạc cháu hồng đất Việt như: Anh hùng, liệt sĩ Vũ Xuân Êm – Tiểu Đoàn 1…Tôi lặng im đứng dưới bóng ở Tổ quốc. Có lẽ, chỉ có ở nơi đây, bên vạch đường biên ải này, trong cái mệnh mông của trập trùng đá núi, người ta mới cảm nhận được rõ nhất sự linh thiêng của lá cờ Tổ quốc.
Nắng cuối hoàng hôn nhuộm một màu đỏ quạch, nó khiến cho thị trấn huyện Đồng Văn thêm cô liêu và huyền bí. Đêm về, có lẽ ở nơi cao này gần trời nên sương đêm cũng xuống sớm và nó cũng khiến cho Đồng Văn buốt giá hơn. Đêm nay là hội hoa tam giác mạch, thị trấn huyện thật rực rỡ trong ánh điện, ánh đèn lồng và cả những bông hoa tam giác mạch đẹp nhất cũng đang đua nhau khoe sắc trong đêm hội ở khắp các trục đường thị trấn. Theo chân dòng người đi hội, tôi len qua các gian hàng chưng bày sản phẩm địa phương tại khu chợ phố cổ. Ở đây sản phẩm thật phong phú, hàng thổ cẩm, mật ong, trà, nấm hương, bánh tam giác mạch…và cả bia tam giác mạch. Và rồi, khi tay đã khá mỏi, khi máy ảnh của tôi đã gần hết pin (vì chụp quá nhiều), tôi chợt bắt gặp “đôi mắt trong veo và u buồn”. Em xuất hiện ngay trước ống kính máy ảnh của tôi trong điệu múa ô. Khác với buổi sáng, khi tôi gặp em bên bếp lò rực lửa. Em thật lộng ẫy với áo thêu hoa lấp lánh, váy xòe trắng tinh khôi, chân đi đôi hài màu đỏ. Em đẹp như con chim xinh, như bông hoa tam giác mạch đung đưa trong gió, nhảy nhót trước mắt tôi. Tôi bị mê hoặc bởi điệu nhảy của em. Và, chân tôi bước theo bước chân em, cho đến khi “đôi mắt trong veo và u buồn” của tôi, “con chim xinh” của tôi bị cuốn đi theo đoàn biểu diễn.
Đêm đó, ở Đồng Văn, tôi không nghĩ mình đã ngủ ngon. Có phải tôi đang mơ không, tôi cũng không rõ. Nhưng rõ ràng ở nơi đây, cao nguyên này, có gì đó đã mê hoặc tôi. Tôi tự hỏi: Có phải vì cao nguyên này đẹp quá, hùng vĩ quá? Có phải vì những nương hoa tam giác mạch trên đá và cái hương cay nồng của chất men nó, đặc biệt quá? Hay bởi vì đôi mắt của người con gái đó, đã chạm vào tim tôi? Tôi chỉ biết rằng, chắc chắn mùa lễ hội năm sau tôi sẽ quay chở lại Đồng Văn. Hi vọng, rượu nhà em vẫn còn đầy chum.
Tác giả: Vừ Mai Hương