Có những chiều miên man miền nhớ
Tôi thả hồn theo gió: gọi hồn sông…
Đó là những chiều mà lòng tôi tan chảy khi ngang vội dòng sông êm đềm sóng vỗ, uốn lượn giữa nhộn nhịp Sài Thành, hay những lần “chợt chạm” hình ảnh sông nơi câu hát, trang thơ của một cõi lòng đa cảm. Cái tan chảy của ước muốn hòa mình vào nhịp khẽ sóng đưa để cảm cái sức mềm của nước và để tâm giao với hồn sông.
Tuổi thơ tôi được đưa ngang trong từng nhịp sóng, nên bây giờ chỉ một cái “khẽ chạm” ấy thôi cũng đủ làm cõi lòng bâng khuâng. Khắc khoải chữ “sông” kéo hồn tôi về một miền nhớ mênh mông, vô tận. Miền nhớ ấy là cả một khoảng thời gian thơ ấu bên dòng Ngàn Sâu muôn trùng sóng vỗ – Nơi đã ươm mầm những ước mơ, tưới tắm cho chúng, và chở chúng đi đến những chân trời mới lạ…
Tuổi thơ tôi cũng đã gửi vào dòng sông những ước mơ!
***
Sài Gòn vốn là một thành phố trẻ, đầy sức sống. Nhắc đến Sài Gòn, người ta thường nghĩ tới cảnh phồn hoa, náo nhiệt. Vì đó mà người ta gọi vùng đất này với cái tên thật mĩ miều: Sài Thành. Với riêng tôi, Sài gòn đông đúc thật, náo nhiệt thật, nhưng cũng có những lúc nó chết lặng. Đó là những sáng, những trưa, những chiều, những tối… mà lòng “chợt chạm” một khoảnh khắc thân thuộc: Hồn quê, rất quê! Như những chiều mà lòng tôi bắt chợt hồn sông chẳng hạn. Những khi ấy, tôi không ngăn nổi những bước chạy run rẩy hướng về miền quá khứ xa xôi để hòa mình vào những dòng kỉ niệm. Đã bao lần: cứ ngỡ những kỉ niệm ấy đã rụt rè, lui vào miền quên lãng khi chủ nhân của chúng vội vàng lao vào nhịp xô bồ của xã hội; Cứ ngỡ hành trình tìm kiếm kế sinh nhai đã gạn lọc khỏi ta những hành trang không cần thiết ấy; và cứ ngỡ dòng sông đã cuốn tuổi thơ của ta đi, để khi có dịp ngoái lại, nó đã yên vị ở một chân trời xa tít tắp… Nhưng không, tôi giật mình khi thấy chúng vẫn luôn bên cạnh: Chúng chờ đợi những cõi lòng hồi hương!
***
Tôi thấy mình lẽo đẽo theo sát chân anh chị trên con đường đê ké dòng sông. Những lúc ấy, tôi thấy sông thật hiền hòa và êm ái. Nhìn dòng nước trong lành mát chảy mà lòng muốn chạy ùa tới ngã mình xuống, nhắm mắt lại, để những dòng tinh nghịch ấy thọc vào nách, vỗ vào vành tai, hay vẩn vơ quanh ngực, quanh cổ, quanh đùi…
Tôi thấy mình những chiều trần truồng cùng đám bạn quê ngâm mình dưới dòng nước trong lành, mát rượi. Những chiều ấy, đám tre bên bờ như học đòi con người: chúng nô đùa với gió. Những ngọn xanh rì ưỡn xuống sát mặt nước, ve vẩy như quan sát, chơi cùng bọn trẻ tinh nghịch chúng tôi đang rộn ràng bên những trò đuổi bắt, bơi thi, xây nhà cát…
Tôi cũng thấy mình cùng anh trai những trưa hè nắng, bơi dọc bờ sông, truy tìm những chú bạ trù (Bã trầu) nằm ẩn sâu dưới lớp bùn dẻo quánh, chỉ vì thèm một bát cháo. Ôi! Mùi cháo trai mẹ nấu vẫn thơm nức hồn quê!…
***
Dòng Ngàn Sâu quê tôi không có “những cụm vừa trôi vừa sinh sôi nảy nở, những hoa vừa trôi vừa nhuộm tím sông chiều” như dòng Dinh của Bùi Diệp. Hồi nhỏ, tôi đã từng ước được một lần theo dòng nước ấy ngược về nguồn để tìm hiểu lí do tại sao, nhưng khi lớn lên tôi chợt hiểu rằng: Không phải dòng sông nào cũng mang nhiệm vụ chuyên chở những cụm tím ấy. Có lẽ, chúng cũng như con người, theo dòng tha hương, tìm đến những chân trời mới lạ, nơi mà họ tin là có thể mang lại cho họ cuộc sống an yên, no ấm. Nhưng bến đỗ ấy hình như cũng lênh đênh, vô định như những bãi lục bình?
Cũng như những dòng sông khác, dòng Ngàn Sâu quê tôi luôn dồi dào phù sa. Nó cần cù lượm nhặt những hạt phù sa nhỏ nhoi ở khắp những nơi nó chảy qua, mang về miền hạ để đắp bồi nên những cánh đồng màu mỡ. Nó chở mưa đến cho những cánh đồng cỏ ngát xanh, chở nắng đến cho những vạt lúa vàng thơm nức mùi gạo mới. Sông mang trong mình một sức hồi sinh mãnh liệt. Quê tôi những tháng hạ, nắng gắt cháy cả lưng người. Chúng nhấn chìm cả một vùng quê yên bình với một màu vàng ngả nâu ảm đạm. Vậy mà khi mùa mưa về, sông đã kéo đến một khung trời xanh diệu kì, nhanh đến lạ!
Thế nhưng, không phải lúc nào sông cũng hiền hòa. Sông, là phải chở nước – đó là một định luật của thiên nhiên. Trời quê về cuối thu, mưa kéo về tuôn xối xả, sông lại phải gồng mình chở nước. Khi ấy, nước không còn là những dòng hiền hòa, yên bình nữa mà chúng xiết chảy cuồn cuộn, dữ tợn. Bao nhiêu nước từ thượng nguồn dồn dập chảy, cuốn theo biết bao nhiêu gò đất, mảnh nương, những vật nuôi, cây trồng, thậm chí là những ngôi nhà… Những lúc ấy, sông như phải mang lên mình tấm áo ảm đạm, đau thương, chết chóc… và, hồn quê nấc lên từng giọt thê lương! Nhưng, dẫu vậy, ai có thể oán trách dòng sông!
***
Là sông – là dòng chảy – là ngăn cách hai bến bờ. Vì thế, sông luôn là biểu tượng của chia ly, của đón đợi. Đã không ít lần, sông mang trong mình vị mặn của những “dòng chia ly” nhỏ xuống từ những cặp mắt đượm mùi thương nhớ. Những khi ấy, hai bến sông như hai chân trời xa thật xa, khiến cho những bóng hình nhòe dần trong tiếc nuối. Cũng có những lần, sông mang vị ngọt của những cõi lòng hân hoan. Vốn dài, vốn rộng, nhưng những khi ấy, sông bỗng nhiên nhỏ lại, ngắn lại, đến nỗi hai bến bờ có thể chạm được lòng nhau…
***
Những lần thả hồn theo những dòng kí ức đó, tôi bắt gặp “hồn sông quê”. Nó khẽ kéo tôi về với những dấu ấn khó phai của một miền thơ ấu. Nó kể lại cho tôi một cách chi tiết tuổi thơ tôi. Nó cũng chăm chú lắng nghe những dòng tâm sự tôi gởi gắm. Tôi gọi những khoảnh khắc ấy là tâm giao với hồn sông.
Tác giả: Jb Ngọc Huấn