– Con chào bố mẹ
– Đi đường cẩn thận con nhé
Không phải tôi nhớ y nguyên vậy đâu, trước chuyến đi nào mà chả nói những câu như vậy. Nhưng chắc chắn không có “Về đến nơi thì gọi điện cho mẹ” hoặc “Đến nơi nhớ check in Facebook để mẹ biết”, ngày ấy đến điện thoại cố định cũng chưa có nữa là.
Không ai dạy, nhưng các địa danh, điểm mốc trên đường từ nhà ở thành phố về đến quê, nơi ông bà nội, ngoại tôi ở cứ dần in trong đầu qua những lần bố mẹ đưa về thăm ông bà. Thế rồi, sau một hai lần gửi người lớn đi cùng, bố mẹ thả cho anh em tôi tự đạp xe về quê chơi mỗi dịp hè hoặc tết, lúc đó chỉ cỡ mười một, mười hai. Kể ra bố mẹ cũng liều thật, năm mươi cây số chứ ít gì, lại chả có thông tin liên lạc, đến ngày hẹn thấy đám con đen nhẻm do đày nắng từ quê ra đến nơi là được rồi.
Nhoáng cái là đến ngã năm, ngã tư trại lính rồi ngã tư An Dương, một chút lo lắng đầu tiên xuất hiện, rẽ nhầm một nhát là chẳng biết đi đâu. Một lúc nữa thấy cầu Niệm thì yên tâm đi tiếp, vậy là đã ra khỏi thành phố, độ dăm cây nữa là ngã ba Quán Trữ. Lần đầu tiên tự đi, tôi đi đúng lối được người lớn đưa đi nhiều nhất, rẽ phải, đi qua một loạt doanh trại quân đội. Đến tận giờ, mỗi lần ngang qua đây tôi vẫn luôn nhớ đến những câu chuyện của bố thời còn trong quân ngũ, buồn có, vui có. Từ ngã ba này có rất nhiều lối để đi qua thị xã Kiến An, hồi đó chưa thành quận, dần rồi tôi đi thử hết, chả chừa đường nào. Đường hay đi nhất là qua ngã năm Kiến An rồi hướng đi phà Khuể. Đoạn này khá dài, nắng bắt đầu bám theo hai anh em ra khỏi thị xã, con đường chạy giữa những cánh đồng “mỏi chân đạp xe”, thi thoảng mới có quán xá lèo tèo. Sắp đến phà rồi, anh em tôi động viên nhau, con đê thấp thoáng rồi to dần. Bến phà là nơi nghỉ chân đầu tiên, cũng là nơi anh em tôi biết đã đi được nữa quãng đường. Khúc sông này rộng, chờ phà, rồi sang được đến bờ bên kia cũng gần tiếng đồng hồ, tha hồ mà ngắm những chiếc sà lan nước ngấp nghé sàn như chìm đến nơi chậm chạp rẽ nước. Chiếc ca nô đầu kéo hộc lên phành phạch như hậm hực, nó đang phải dìu cái phà ương ngạnh sang sông, mệt lử, thở khói đen xì, mà lại còn đi cắt ngang như rùa bò thế kia. Tiếng sóng ì oạp, gió sông và những câu chuyện vẩn vơ như vậy giúp anh em tôi phấn chấn cho đoạn đường còn lại.
Đây là nhà máy chỗ bác Nghiên làm việc, tôi nói với con em đang ngồi đằng sau, cũng là khẳng định mình đã đi đúng đường. Chẳng biết nhà máy sản xuất gì, chỉ nhớ một lần nhà tôi về ngang qua thì gặp bác ở đó cũng bắt đầu về. Một lát nữa gặp một ngã ba, góc bên phải là bưu điện, có cái cột trên nóc nhà thì rẽ trái. Bao lần đi qua đây, tôi đã từng hỏi bố mẹ, tự hỏi mình cũng có, rẽ phải thì đi đâu, vậy mà mới đây tôi mới có câu trả lời. Chuyện là chúng tôi về thăm mộ thày giáo lần đầu tiên, bọn bạn chạy ra đường 10 rồi rẽ đi khu du lịch sinh thái suối nước nóng Tiên Lãng. Khi chạm ngã ba với cái nhà có cột thu phát sóng vô tuyến trên nóc thì tôi nói “Bọn mày đi như này là mua đường, lúc về để tao dẫn”, gần ba mươi năm, tôi mới tìm được lời giải cho câu hỏi từ thuở nhỏ.
Trên cả quãng đường dài như thế, tôi biết là mình đi qua Kiến An, Tiên Lãng để về huyện Vĩnh Bảo. Tôi nhớ tên nhiều mốc trên đường nhưng cũng có nhiều điểm chỉ nhớ theo cảm giác, đến đây là phải rẽ, và nếu gặp một hình ảnh nào đó quen quen thì biết mình đã đi đúng, ngã ba tới là một điểm như vậy. Đang bon bon trên đường rải nhựa, một khúc đường cong cong bị khuất bởi rặng bạch đàn, gần tới thì một lối rẽ vào con đường đất bất ngờ xuất hiện. Mơ hồ nhưng tay lái thì bẻ rất cương quyết, và kia rồi, cái quán quen kia rồi, nó ở đấy có khi phải vài đời rồi ấy. Chỗ này cũng là nơi nghỉ chân quen thuộc. Có lần về quê cùng cậu, thằng bé vòi vĩnh “Mẹ hay mua bánh chưng ở đây cho cháu”, thế là nó được chén một cái nhỏ nhỏ xinh xinh, ngon lắm. Cũng ở quán này, một bác vào nghỉ chân uống chén nước, ăn củ khoai lang luộc, nhằm lúc chủ quán ra ngoài, bác nhặt ăn nốt đám vỏ. Chủ quán quay lại hỏi bác ăn thêm gì thế, ôi thế là “Tôi ăn cái kẹo dồi”. Chuyện này mẹ hay kể mỗi lần đi qua đây, đắng thật. Mà mọi người đừng cười, hồi đấy tôi cũng hay như vậy, ăn khoai lang luộc, cũng bóc vỏ như ai nhưng cho vào mồm, chả vứt đi tẹo nào. Từ điểm này đến cầu phao Đăng là con đường “đau khổ”. Nắng thì bụi mờ mắt, mưa thì lầy lội khỏi đi. Tôi vẫn còn nhớ như in cảnh mình lội bùn, bám theo mẹ đang đẩy xe đạp có em gái đang ngồi vắt vẻo trong cái ghế buộc ở giữa khung. Một lần tránh chướng ngại vật, bố đưa cả em gái và bà nội tôi xuống con sông đào cạnh con đường này, thật hú vía, may mà chỉ bị ướt. Qua cầu phao Đăng là đến huyện nhà tôi rồi, trước nữa chỗ này là đò Đăng, mỗi lần phải đi qua tấm ván để xuống con đò đúc bằng bê tông là tôi lo lắm, nào xe đạp, nào người lổn nhổn, nước thì mấp mé miệng đò, tôi sợ chìm. Thực tế thì cũng đã có vài vụ. May là người ta dùng cầu phao từ lúc tôi tự đạp xe qua đây, giờ cầu bỏ được chữ “phao” rồi.
Lần ấy, anh em tôi về quê sau một đợt mưa kéo dài mấy ngày, để tránh lội bùn trên đường vào cầu phao Đăng, tôi đưa các em đi theo đường 10 từ Kiến An. Đường 10 bây giờ to, đẹp chứ ngày ấy cũng tệ lắm, hai ô tô tránh nhau là chiếm hết đường của xe khác, ổ trâu, ổ voi dày đặc. Tránh lầy lội triệt để hơn, tôi chọn qua dốc Hội, nhớ một lần bố mẹ cũng làm vậy. Một chàng choai choai đèo thằng em họ 5 tuổi, cô em gái lẽo đẽo đạp xe theo sau trên cái xe rất cục mịch của Tiệp Khắc sản xuất. Đường qua dốc Hội không còn đẹp như trí nhớ, xe tải khai thác đá đã phá nát nó lâu rồi, ba đứa trẻ gần như dắt xe leo bộ qua dốc, vắt ngang sườn núi, toàn đá lổn nhổn, trơn trượt trong bùn đất. Kỷ niệm nhớ đời, một lần và không bao giờ qua đó nữa. Tên dốc là sau này tìm hiểu mới biết.
Đi đường nào thì rồi cũng qua cầu Mục ở thị trấn huyện Vĩnh Bảo, ngang qua một cái cầu nữa là đến lối rẽ vào cầu Kê Sơn, đường về nhà ông bà. Trạm bơm thủy lợi và cây đa đổ rõ dần trước mắt. Cây đa ngày ấy to lắm, ngả ra như sắp đổ đến nơi, em gái tôi hay hỏi “Nó nghìn năm chưa anh?”, anh em tôi gọi nó là cây đa huyền thoại, mốc dấu cuối cùng trên đường về quê. Đến đây thì chẳng còn lo lạc, nhưng lần nào chúng tôi cũng hứng khởi chỉ chỏ hai cây dừa cao nhất làng khi vẫn còn cách một đoạn dài. Dưới gốc hai cây dừa đó là một hàng rào dâm bụt được cắt phẳng phiu, một cái sân đầy nắng. Bà đón tiếng chào của chúng tôi bằng tiếng cười “khích khích”, cái quạt mo cau trên tay quạt lấy quạt để, ông thì “chậc chậc” thương cháu nắng nôi, lật đật lấy con dao và mấy quả dừa. Anh em tôi bắt đầu một kỳ nghỉ hè đen cháy, như con của những người nông dân thực sự.
Điều kiện giờ đã khác, tôi đưa con về quê bằng xe ô tô, mát lạnh, chạy băng băng trên những con đường to rộng. Không còn cảnh lội bùn, không còn những chuyến phà ì ạch, cây đa đổ cũng đã đổ thật và được thay bằng cây đa khác. Cũng không còn cây dừa cao nhất làng để tự hào chỉ chỏ, mọi thứ đã đổi khác, hẳn là phải tốt hơn rất nhiều. Một người bạn tôi bảo “Trẻ con giờ không có những ký ức như vậy”. Đúng thôi, chúng sẽ có ký ức của riêng mình, nhưng sẽ nối với những kỷ niệm tuổi thơ của tôi bằng quê hương và bằng chính những bài viết như này. Trẻ con lại đang sắp nghỉ hè đấy, anh cu nhà tôi hôm qua ghé tai bố “Nghỉ hè về quê luôn bố nhé”.
Tác giả: Nguyễn Duy Chung