Trong cuộc đời mình, tôi đã nhìn và vì công việc được bắt tay với rất nhiều đối tượng. Người sở hữu đôi tay mềm mại, từng ngón thuôn dài, trắng ngần. Người thì bàn tay to thô ráp lúc nào cũng dơm dớp mồ hôi. Có bàn tay mới cầm vào thôi tôi đã cảm nhận được sự thừa thãi của mỡ… Còn tôi, lúc nào cũng tự ti với đôi tay gầy guộc, đen nhẻm của mình.
Mỗi lần về thăm quê, tôi thích ngả đầu vào lòng mẹ, thủ thỉ: Mẹ ơi! Sao con chẳng có nước da trắng giống mẹ, chẳng có dáng cao giống ba, đi đâu cũng bị chê. Mà đôi tay, đúng là vừa đen, vừa thô, cứ như tay con trai ý… Mẹ khẽ vuốt những sợi tóc lòa xòa trên tóc tôi, rồi cười: Cha bố cô, lớn thế này rồi còn nũng nịu như trẻ con ấy à.
Âu yếm cầm tay tôi, mẹ bảo, tay con giống bà nội lắm, đen bóng lên. Nhưng mẹ tự hào đôi tay này, hồi đi học, chẳng phải lần nào họp phụ huynh cô giáo cũng khen con viết đẹp nhất lớp hay sao? Cũng đôi tay con, mới lớp ba thôi đã biết trông em, nấu cơm giúp mẹ.
Lời mẹ nói khiến tôi nhớ đến bà nội. Bà tôi người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, bà có đôi mắt sáng và giọng ngâm thơ rất hay. Tôi cũng như các anh chị em đều đã được tay bà bồng bế, ru hời đưa nôi và lớn lên bên cánh võng. Bàn tay bà cũng khéo léo xe chỉ, luồn kim khâu vá cho anh chị em chúng tôi từng bộ quần áo lành lặn từ thủa lọt lòng…
Chợt tôi giơ lên trước mặt, nhìn kỹ lại bàn tay mình. Đúng, tay tôi nhìn là biết con nhà nông, cũng như mẹ, chằng chịt vết sẹo vì thủa nhỏ đi cắt cỏ cho trâu, băm bèo, thái chuối chăn lợn. Ngày ấy, tôi cùng chúng bạn ra đồng bắt cua, hến, vào vụ lại đi gặt, cấy. Đến lứa, lăng xăng theo ba mẹ lên đồi hái chè. Gì chứ màu thâm sì trên năm đầu ngón tay được tạo thành từ bùn và nhựa chè đã cho “sản phẩm” trên đôi tay tôi không dễ lẫn với chúng bạn.
Hồi vào đại học, tôi luôn e ngại với bàn tay xấu xí của mình. Năm thứ hai, tôi bắt đầu yêu. Mối tình đầu của tôi là một “công tử bột” người thị xã. Anh cao, gầy, đẹp trai, nhất là bàn tay sao mà trắng và mềm mại đến vậy. Sau mấy lần hẹn hò, anh nắm tay tôi đi dạo, tôi vừa thích thú lại vừa cảm thấy không được tự tin. Khi hỏi anh về đôi tay mình, anh cốc nhẹ lên trán tôi thầm thì, hơi thở nồng nàn yêu mến: Anh yêu em, yêu tất cả những gì thuộc về em, cả đôi tay này nữa, chắc thời thơ ấu em đã vất vả lắm. Anh hy vọng sẽ nắm chặt bàn tay em đi suốt quãng đời còn lại…
Tôi mỉm cười, những ngón tay chúng tôi đan vào nhau thật chặt, như không muốn cho cơn gió mùa với hơi lạnh len lỏi. Nhưng chỉ ba năm sau đó, tôi và anh chia tay. Lý do anh đưa ra không phải từ đôi bàn tay đen, gầy của tôi mà vì chúng tôi không hợp tuổi để tiến tới hôn nhân.
…Tôi cầm bàn tay mẹ, áp lên má mình, thấy những chai sần, thô ráp cọ vào da, cho một cảm giác nhột nhột mà bâng khuâng lạ. Đôi tay mẹ đã tần tảo, lam lũ nuôi bốn anh chị em chúng tôi lớn. Những vết xước kéo dài như con rết, từng vết chai dầy, cứng u lên như in hằn cả quãng đời nhọc nhằn của mẹ bên đồng ruộng. Từng ngón tay mẹ vàng ệch vì ngày mùa xuống ruộng cấy, “ràng rạc” nhuộm màu.
“Ràng rạc” là tên mà người dân quê tôi vẫn dùng để gọi chất vàng nổi lên như váng dầu ở ruộng mỗi vụ cày, bừa chuẩn bị cấy. Nếu không đóng xà cạp, cả chân và tay người cấy về sẽ có màu đó, rất khó rửa sạch.
Tôi còn nhớ năm tôi học lớp 7, một hôm đi học về chị Hai thông báo đoạt giải Ba văn Quốc gia, chị nằn nì bằng được mẹ đi dự cùng mình. Vì cô con gái giỏi giang, mẹ đã vứt bỏ sự tự ti, ngại ngùng và dùng rất nhiều lân xanh trộn với nước kỳ cọ thật kỹ cho màu vàng của “ràng rạc” mờ dần để cùng chị lên tỉnh nhận giải.
Tối nay, ngồi vẽ cùng con trai, tôi thấy trào dâng bao niềm thương mến khi nhìn những ngón tay hồng hào, mũm mĩm của con đưa theo từng nét vẽ. Cuộc sống con trai tôi đã đầy đủ hơn mẹ, bà và cụ của nó rất nhiều. Tôi luôn tâm niệm, mình sẽ dạy con trai lớn lên luôn biết yêu, kính trọng và biết ơn bao đôi tay chai sần, thô ráp, những ngón tay vàng ệch và đầy vết chai đã cho con tuổi thơ trong lành, hạnh phúc hôm nay…
Tác giả: Mai Linh Lan