Hồi ông nội tôi còn sống, có kể về sự tích đảo cò. Chuyện kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa, có một năm trời giáng xuống làng Triều Dương ba trận lụt liên tiếp. Nước sông Luộc, nước sông Cẩu An tràn vào như thác lũ. Người và vật nổi trôi tứ tán. Đất làng vốn đã là vùng trũng, nay biến thành biển nước mênh mông. Tháng sau, nước rút hết, làng mạc xác xơ, tiêu điều. Duy cái đầm An Dương rộng chục ha là còn nước. Cái đói sầm sập trước mắt mà không biết bấu víu vào đâu. Lòng người hoảng loạn. Nửa đêm, lí trưởng của làng mơ thấy ông Bụt hiện lên, bảo: “Ta thương dân làng gặp nạn. Nay ta ban cho các con một vật quý. Hãy cố gắng giữ gìn”. Nói xong Bụt biến mất. Lí trưởng choàng dậy ngơ ngác và không hiểu Bụt cho thứ gì để cứu dân làng.
Nhưng đến sáng hôm sau, giữa đầm An Dương bỗng nổi lên một gò đống cao, rộng non vài sào Bắc bộ. Trên đảo, tre pheo ngút ngàn, cùng đàn cò, đàn vạc đông đến ức vạn con, đậu kín ngọn cây. Người làng tin rằng tiên phật, thánh thần thương dân khốn khó nên “đền bù” thiệt hại. Đây chính là nguồn thực phẩm duy nhất cứu giúp cả làng vượt qua nạn đói năm ấy”.
Chuyện ông nội tôi kể nghe như cổ tích nhuốm đôi chút mầu sắc liêu trai. Nhưng tôi lại yêu cái sắc mầu cổ tích, cái sắc mầu liêu trai ấy. Bởi sắc trời, cảnh nước đẹp quá. Hoang dã, thơ mộng quá. Tới mức “thần sầu”. Tiếng cò, tiếng vạc đã khắc sâu trong tâm trí tuổi thơ chúng tôi như áng mây hồng giữa xanh biếc trời chiều. Không yêu sao được, khi từng đàn cò tựa đám mây trắng sà xuống thửa ruộng kiếm mồi, bên cạnh người nông đân đang chuẩn bị vào vụ. Ngỡ giơ tay ra là bắt được cò. Đêm nằm không ngủ được vì tiếng cò, tiếng vạc líu ríu. Tôi cố lắng nghe xem chúng nói những gì. Niềm vui sau một ngày làm việc bội thu? Trách cứ nhau về điều gì đó không bình thường? Như ghen tuông, giận hờn chẳng hạn.
Ngày xưa do đói nghèo, do không hiểu biết và cả sự vô tâm, người ta hủy diệt đàn cò không thương tiếc. Những lũ người cưỡi bình bịch, khoác súng dài nghênh ngang về xã bắn cò. Tiếng súng nổ chát chúa. Cò bay cuống cuồng, loạn xạ. Nhiều con đâm sầm vào nhà dân như cầu cứu. Chiều tối, vẫn lũ người ấy, vẫn những chiếc bình bịch ấy lại lặc lè từng xâu cò trĩu nặng.
Một lần theo mẹ đi chợ huyện, tôi ngẩn ngơ nhìn những con cò cổ dài ngoãng, cái mỏ đen há ra như chiếc com pa, hai mắt ướt sượt, buồn như sắp khóc. Mỗi ngày, mỗi đêm có hàng trăm, hàng ngàn con cò, con vạc sa lưới hoặc bị bắn rụng. Biết bao tiếng hát bị tắt khỏi dàn hợp xướng cất lên mỗi sớm, mỗi chiều?
Cho đến một ngày, đường làng quê tôi không còn những tay vác súng dài, cưỡi bình bịch thì cũng là lúc không gian vắng lặng tiếng cò, tiếng vạc. Còn đâu nữa mà săn với bắn. Đừng tưởng kho trời là vô hạn. Người làng tôi cảm giác như mất đi một vật gì quý giá vô cùng. Đau đớn, xa xót và nuối tiếc. Có thể là như vậy. Như lưỡi dao cắt xẻo vào da vào thịt mỗi ngày.
Bác tôi và những người bạn của ông nhận ra điều thua thiệt ấy. Ban ngày ông cùng các bạn chèo thuyền ra đảo nhặt nhạnh những chú cò nhỏ, những quả trứng còn nguyên vẹn rơi xuống, vì đủ mọi lí do. Và nhẹ nhàng đặt vào tổ. Ban đêm tuần tra canh gác. Lũ trẻ chúng tôi bị cấm ngặt sang đảo. Việc làm của các ông lôi kéo cả làng vào cuộc.
Có lần bác tôi còn nuôi mấy con cò bị thương do săn bắn, sập bẫy ở đâu đó. Ông chạy chữa thuốc men, chăm sóc chúng như chăm đứa con mình đứt ruột đẻ ra.. Khi chúng khỏe mạnh, ông thả chúng ra, không quên với theo lời dặn: “Hãy cảnh giác với những người xa lạ”. Người làng tôi còn trồng rất nhiều cây trên đảo. Chủ yếu là tre. Để cò, vạc có nơi ngủ qua đêm. Đêm nằm bằng năm ở cơ mà. Những tay vác súng về làng bị xua đuổi như căn bệnh dịch hạch.
Người xưa dạy rằng: “Đất thơm cò đậu”. Đất làng tôi không thơm, động mưa là ngập, động nắng là hạn. Nhưng người làng tôi, ai cũng như ai, đều mang tấm lòng nhân hậu, bác ái. Ban đầu, lác đác vài con cò run rẩy mò về. Chúng không quên đất cũ. Có lẽ chúng vẫn còn sợ và cảnh giác với con người. Sau thấy không hề hấn gì, chúng kéo về đông hơn. Dường như chúng nhận ra rằng, nơi trú ngụ tốt nhất, an toàn nhất vẫn là lòng người.
Đến bây giờ thì mọi người quên bẵng mất cái tên đầm An Dương, làng Triều Dương, xã Chi Lăng Nam. Người ta chỉ cần nói: “Đi thăm đảo cò” là ai cũng hiểu họ về làng tôi, về với đảo cò.
Hàng vạn con cò, con vạc và những loài chim nước như: Bói cá, Tử quy, chim Chả… chung sống hòa bình. Và đâu chỉ riêng có làng Triều Dương của tôi, cả xã, cả tỉnh, cả nước nữa đều chung tay bảo vệ “viên ngọc” này. Đảo cò đã trở thành điểm du lịch lí thú cho người dân trong nước và nước ngoài. Như của hồi môn quý giá của tổ tiên để lại.
Chiều chiều, khi ánh hoàng hôn vừa tắt, cò về chao liệng trên bầu trời như ngàn vạn mảnh giấy trắng lấp lóa trong không trung. Tiếng vỗ cánh ràn rạt. Tiếng lá cây lao xao. Tiếng cò đủ loài, đủ giống sôi lên ồn ã. Náo động một vùng. Chúng xếp cánh từ từ hạ xuống ngọn tre. Trông xa như những cây hoa điểm đầy bông trắng.
Khoảng 20 giờ là thời khắc chúng về đông nhất. Cò về, vạc đi. Đây cũng là thời điểm “mất trật tự” nhất. Cò, vạc bay kín đảo, bay kín mặt hồ. Tiếng kêu khi trầm, khi bổng. Thỉnh thoảng vẳng lên tiếng chim Tử Quy rầu rầu, khắc khoải như đang đưa người ta vào một thế giới của cung vàng, điện ngọc.
Không phải nói nịnh, nói hay, cũng không phải nói lấy được, trên đất nước ta còn có vô vàn bãi cò, vườn cò. Nhưng cảm nhận được từng tiếng cò kêu, từng tiếng vạc thở, chắc không đâu bằng người làng tôi.
Ơi mảnh đất Triều Dương thương mến của tôi. Ơi đảo cò yêu dấu của tôi. Mùa hạ này những cây gạo trong làng nở thêm hoa đỏ. Những cây lúa thêm chắc hạt, mẩy bông. Những con cò, con vạc thêm đôi, thêm lứa. Nối nhau tô điểm xóm làng. Và người làng tôi cũng biết tựa lưng vào những gì mình đang có, để quay mặt nhìn ra nơi biển lớn./.
Tác giả: Nguyễn Sỹ Đoàn