Có lẽ cơn mưa cuối thu và bụi hồng cổ nở hoang dại bên rào một khúc quanh dốc đường lên ga Đà Lạt làm ta lỡ chuyến tầu đi Trại Mát. Chỉ vì đứng lại một chút nhìn ngắm những giọt sương trong veo đọng trên bông hồng hàm tiếu và thoáng một bóng áo Măngtôsan sáng mầu đi qua trong màn mưa giăng nhẹ. Cái nhịp sống ở cao nguyên Lâm Viên này thật lạ. Chậm và thoáng chút ma mị – điều mà nhiều năm ta sống vội vã xô bồ không mấy khi bắt găp.
Ta đã lỡ tầu nhiều chuyến ở các ga đường sắt, cả ở ga cuộc đời, đắng cay thất vọng cũng như không, thêm một lần nữa ở chặng đường sắt có 7 km, ngắn nhất đất Việt này có gì làm ta phải xao xuyến ?
Ga Đà Lạt đã gần 100 năm tuổi rồi. Được khởi xây vào năm 1932 đến 1938 mới xong. Kiến trúc của nhà ga gợi nhớ đỉnh núi của núi Lang Biang và những mái nhà rông Tây Nguyên, mang một vẻ đẹp Đông Dương vàng son một thủa, phong cách cổ kính lãng mạn không giống một nhà ga nào trên toàn tuyến đường sắt . Nó gần như cùng tuổi với nhà ga Hải Phòng, cái sân ga mà lần đầu tiên cách đây 70 năm trước cho ta biết đến xe lửa. Nhà ga mặn mòi mùi gió ấy xen lẫn cả tiếng còi tầu biển như nâng đỡ thúc giục những chuyến đi khác hẳn với nhà ga dưới chân Lang Biang biệt lập có gì hơi ngơ ngác giữa những đồi cây lá nhọn, những rừng thông và bạt ngàn các vạt hoa dã quỳ.
Trong màn mưa nhẹ mờ ảo, nhà ga như một chứng tích buồn gợi nhớ những kí ức xa xôi..Người bán vé đã không còn ở trong quầy. Nhà ga không một hành khách nhưng vẫn sáng đèn với những bảng báo các ga đi đến. Này Sài Gòn hoa lệ, này Nha Trang, Đà Nẵng lộng gió, Hà Nội thâm trầm trong tinh khôi, rồi Đồng Đăng trắng màu hoa mắc-cọt dùng dằng bầu rượu nắm nem đường lên Ải Bắc, Lào Cai đỏ nước sông Hồng thao thiết đổ xuôi ..
Ta bật mở màn hình điện thoại vẫn có thông báo trên Google, Đà Lạt bán vé về ga Tháp Chàm -Phan Rang cung đường 84 km với 43km đường sắt răng cưa độc nhất vô nhị trên thế giới ngày nào. Chỉ có điều ngày giờ ở các trạm ga đi, đến chỉ là con số 0 luyến tiếc. Dường như tuyến đường sắt ấy không muốn tàn lụi trong ký ức của cuộc đời này. Người ta cố nhớ nó trong nỗi ân hận muộn màng và làm mọi cách để nỗi nhớ mong manh ấy tồn tại. Đúng rồi, không phải ta chỉ lỡ chuyến tầu về Trại Mát mà là lỡ cả một trời thương nhớ.
Tháng 6, ngày 21 năm ấy-1893 vào lúc 15h 30, Bác sĩ Alesandre Yersin cùng đoàn thám hiểm sau hơn một tháng băng rừng vượt dốc đã tìm thấy cao nguyên Lang Biang với đồi núi nhấp nhô rợn ngợp cỏ cây ở độ cao hơn 1500 m so với mực nước biển. Ông đã gặp với những bản làng của người Lạch hồn hậu bình yên hoang dại. Đất đai có thể trồng lương thực, nguồn nước sạch, khí hậu mát mẻ. Có một điều gì đấy giống như những vùng đất ôn đới ở Nam Âu, khiến ông mơ mộng muốn làm thức tỉnh nàng công chúa ngủ quên trong rừng này thành một trung tâm nghỉ dưỡng cho người Châu Âu đi khai thác thuộc đia. Một lá thư đề nghị được gửi đi cho thượng cấp.
Và 6 năm sau-1899, trong một chuyến đi bằng ngựa từ Phan Rang ông tháp tùng toàn quyền xứ Đông Dương – Paul Doumer trở lại vùng đất ấy với quyết định biển nơi đây thành một nơi nghi dưỡng cho người Pháp ở xứ thuộc địa xa xôi này.
Năm 1901 ý tưởng điên rồ làm con đường sắt vượt độ dốc 12% từ Phan Rang lên Đà Lạt đã được Toàn quyền Paul Doumer kí, nhưng 10 năm sau, mới chính thức đặt những mét đường ray đầu tiên. Phải đến 30 năm giấc mơ Đông Dương ấy mới hoàn thành. Tuyến đường sắt 84 km có 3 đoạn vượt đèo Sông Pha, đèo D’ran, và cung Trạm Hành-Trại Mát, vận
hành bằng đường răng cưa ở giữa hai đường ray, chạy bằng đầu máy hơi nước chuyên dụng đặt mua ở Thuỵ Sĩ và nước Đức. Chạy song song với cung đường bộ Phan Rang- Đà Lạt được làm từ 1915, tuyển đường sắt huyền thoại ấy có đến 43km đường răng cưa vượt qua hai đèo cao trên 1500 m, hai sông lớn, vô số vực núi suối nguồn và 5 hầm xuyên núi.
Thiết lộ ấy cùng với đường sắt vượt đèo Furka của núi tuyết Alpes Thụy Sĩ chỉ có 25km đường răng cưa đã viết vào lịch sử đường sắt thế giới những kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt được xếp ở chiếu trên…
Mưa đã ngớt. Nắng lên đỏng đảnh kiêu kỳ, vàng đẫm những bụi cúc quỳ nở sớm vào cuối thu. Lỡ tầu ở ga Đà Lạt dường như gợi lại cho ta bao điều. Cứ muốn tự hỏi mình ta tìm gì ở giữa mênh mông những cung đường giờ đã trở thành hoang phế ấy. Hình như ta muốn tìm lại về kí ức bồng bềnh trôi trong khói tầu đẫm hơi nước trắng xoá quyện với làn sương mỏng còn vương lại ở mỗi khúc quanh xuống dốc lên đèo. Tiếng còi tầu bất chợt rúc lên làm đàn chim xanh đang nhặt hạt quả rừng trên hai bên đường giật mình ùa bay vào các bụi cây loang hoa rừng trong nắng sớm.
Bóng người tuần đường đơn độc in trên nền trời cao. Những cơn mưa bất chợt. Hương cà phê đêm nồng nàn trong quán vắng ở các nhà ga heo hút và một giai điệu nhạc Trịnh vẳng đến thật vô tình bên bếp lửa bập bùng thơm ngát mùi gỗ thông cháy. Hình như ta trở lại một trời thương nhớ tuổi hoa niên của những cung đường và các trạm ga trên con đường sắt nhánh nối với thiết lộ độc hành Nam Bắc
Có người nói ga Trạm Hành là nhà ga có vẻ đẹp bình dị đầy lãng tử nhất. Không, các nhà ga lẻ trên toàn tuyến đều mang dáng dấp của các nhà ga vùng nam nước Pháp mà hoà nhập được cảnh sắc hoang dã của một vùng rừng núi xanh ngút ngàn cây lá rừng nguyên sinh Nam Trung bộ. ..
Những bao trà, cà phê của Sở Trà Cầu Đất duy nhất xứ Đông Pháp thời ấy xếp đống trên sân ga chỉ gợi lữ khách nhớ cố hương. Ta như đắm chìm vào những hương chè của Cầu Đất, vào mầu xanh ngút mắt của những đồi chè đang độ vào búp mơn mởn và hoa cà phê Arabica trắng ngần trong nắng
Quên sao được khi tầu vượt qua Đơn Dương (D’ran) lao ầm ầm trên cầu sắt D’ran vượt sông Đa Nhim ngang tàng đẹp như tranh vẽ ngày nào. Đa Nhim thôi gào thét khi qua các thác ghềnh để in bóng đoàn tầu như một chiến binh Chu-ru tay cầm giáo, tay ôm hoa Dã Quỳ đi vào đất Chàm cầu hôn các vũ nữ của vua Chế Mân bên tháp cổ Pôklong Garai trên núi Trầu linh thiêng. Bây giờ cầu D’ran đã bị phá dỡ trong cơn thèm khát sắt vụn từ những năm khốn khó của cuối thế kỷ trước. Những trụ cầu trên sông kiêu hãnh ngày nào giờ chỉ còn đọng nắng Đơn Dương mỗi khi chiều tắt như đọng nỗi buồn vô minh mà không sao cắt nghĩa nổi vì sao thời gian lụi tàn.
Ta đã lỡ chuyến tầu về thương nhớ có phải ở ga Eo Gió trên đèo Ngoạn Mục không ? Người Pháp gọi đèo này là Belleveu vì có những “viu” nhìn tuyệt đẹp . Mây trắng lang thang vô định như gợi nỗi buồn tha hương. Xanh thẳm trời như lẫn cùng xanh thẳm rừng nguyên sinh. Xa hơn nữa vào buổi đẹp trời thấy bình minh rực hồng phía biển, lấp lánh những cồn cát và sóng xao sông Cái đất Chàm. Vũ trụ mênh mông mà như chạm tay được, mở rộng, thu hẹp được trong tầm mắt làm ta bối rối. Những vạt nắng trải mạnh bạo khắp các đường đèo mà sao đất trời lại se lạnh như thu mỏng manh xứ Bắc lạc vào. Sao lại gọi là ga Eo Gió nhỉ? Có phải Eo là chỗ thắt lại như eo lưng quyền rũ của sơn nữ Chàm đang đứng ngơ ngẩn nhìn đoàn tầu đi lẫn vào sương sớm.
Gần đỉnh đèo Ngoạn Mục, ga Eo Gió thắt lại chỗ nào mà gió phóng khoáng thổi ào ạt suốt đêm ngày mang theo mùi biển tràn ngập cao nguyên. Rừng khộp từng đợt gió ngập ngừng ào ào lá đổ trong mùa khô, làm bừng tỉnh đôi nai rừng đang tình tự. Trong nắng chiều, những làn sóng lau trắng như loang khắp cả sườn núi. Những bức tranh kỳ thú của thiên nhiên liên tiếp thay đổi qua khung cửa toa tầu, bên dưới là vực sâu thăm thẳm để lại những vệt tối sáng lẫn lộn khi hoàng hôn dâng lên từ đấy. Trong tiếng máy hơi nước hối hả kiên nhẫn nghiến bám vào đường thép răng cưa nghe như có tiếng cồng chiêng của bản làng người K’Ho, tiếng trống Paranưng rộn rã của người Chăm, tiếng đàn đá gõ thánh thót âm vang bên suối vắng Khánh Sơn, cả tiếng chuông chùa buông trầm mặc ráng chiều của dân Kinh tha hương lập làng xã trên đất cao nguyên quanh Trại Mát, Trại Bò …
Lỡ chuyến tầu xưa về thương nhớ, ta muốn háo hức tìm lại mình ở ga Krông Pha (Sông Pha ).!Sông Pha ngày ấy là ga chuẩn bị cho tầu bắt đầu vận hành bánh răng leo đèo hay xuống núi khi tầu từ Tháp Chàm trực chỉ Đà Lạt và ngược lại. Từ Sông Pha ở độ cao 186 m tầu hỏa leo đến ga Eo Gió ở độ cao 991m so với mực nước biển. Ở cả hai chiều lên hay xuống đều là những cung đường tạo cảm xúc mạnh mẽ như trong một trò chơi mạo hiểm. Nghe nói các đường ray được sản xuất riêng biệt phù hợp với độ cua của từng đoạn dốc quen được gọi là cua tay áo. Những răng cưa thép vẫn giữ chặt một bánh răng ở đầu máy tầu do tốp thợ lái tầu lão luyện vận hành.
Từ ga Eo Gió về đến Đơn Dương con tầu lại tiếp tục leo từ độ cao 1016 m lên đến Trạm Hành cao 1515 m để hưởng trọn khí hậu mát lành ôn đới của thung lũng ngàn hoa. Đoàn tầu vội vã leo tiếp từ Đa Thọ ở độ cao 1402m đến Trại Mát ở “cốt” 1550 m rồi rúc từng hồi còi phả hơi nước mù mịt giữa Lâm Viên.
Những sản vật đồng bằng Nam Bộ, từ biển được mang từ đây lên rừng. Mùi nước mắm đậm đà Phan Thiết, mùi cá khô sẫm nắng Ninh Chữ Phan Rang cuốn hút. Muối và các thức biển hào phóng đến với những bếp lửa bập bùng ở khắp các buôn làng của Cao nguyên Lâm Viên. Quan trọng hơn cả đây là con đường cung ứng vật liệu xây dựng cho một thành phố du lịch trở thành Tiểu Paris với tốc độ chóng mặt của 10 năm sau đó 1935-1945. Thiết lộ như một người mẹ tảo tần thu vén cho cung đường nối giữa biển và rừng, giữa Hoa và Cát, khoáng đạt biển xanh Nam Trung bộ và kỳ bí sương mù đỉnh Lang Biang. Con đường sắt huyền thoại ấy đi qua 5 hầm xuyên núi. Hầm đầu tiên ở đèo Sông Pha dài đến hàng trăm mét được đục hoàn toàn bằng sức người, minh chứng cho sức mạnh của mồ hôi, cơ bắp, máu và nước mắt Việt.
Hơn một vạn phu đường mang vật liệu sắt thép lên độ cao hơn 1500 m làm đường, làm cầu, đặt đường ray gần như chỉ bằng những công cụ thô sơ và sức người để tàu qua núi cao có thể kéo thêm được 65 tấn hàng hoá. Ai đếm được đã bao nhiêu chuyến tầu lên xuống để bây giờ hơn 100 năm Đà Lạt thành thành phố kiêu sa trong sương, lưu giữ những kí ức buồn đẹp mà ta không dễ quên được.
Làm sao quên được hơn một ngàn người bỏ mạng vì đất lở, lũ cuốn, thú dữ, bệnh tật lao lực và cả vì bom đạn chiến tranh trong gần 70 năm tạo dựng và vận chuyển trên thiết lộ ấy. Những ngôi mộ hoang không khói hương trải khắp tuyến đường giờ dần khuất lấp trong cây cỏ hoang dã đã gọi tên Tháp Chàm -Đà Lạt trong u tịch. Những người muôn năm ấy đã thành gió thoảng, thành tiếng chim cô độc sầu thảm trong rừng đêm. Rêu xanh ở các kè đá, trụ cầu, muội than của đầu máy hơi nước bám đen sì trên trần nhà các trạm Đề-pô xe lửa, các đường hầm đọng đầy bóng tối với vô vàn cánh dơi bay trong chiều chạng vạng heo hút có lưu giữ chút gì số phận âm thầm của họ không?
Thiết lộ Tháp Chàm – Đà Lạt chỉ hoạt động đến năm 1972 thì ngừng vì chiến sự ác liệt. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ngành hỏa xa chạy được thêm 7 chuyến nữa rồi ngừng hẳn. Các đường ray bị tháo dỡ mong làm được việc có lợi hơn cho tái thiết đường sắt Bắc Nam nhưng không được vì lệch chuẩn kĩ thuật, rồi thành sắt vụn. Các nhà ga bỏ hoang phế cho cây rừng trùm lấp trong heo hút và vô tình như những giọt nước mắt khô dần trong quên lãng. Các đầu máy hơi nước cổ kiêu sa một thời bỏ phơi mưa nắng cao nguyên. Hoa bìm bìm leo nở tím ngắt cả trên khoang máy. Chim rừng vào làm tổ ở các toa khách sang trọng ngày nào. Dường như có một thời chúng ta đã lãng quên, vô cảm với những đi sản mà cha ông để lại. Buông xuôi tất cả trong cảm giác bất lực vá víu.
Có lẽ không trách được ai. Cái đói nghèo thời ấy làm mất đi tầm nhìn, phải giật gấu vá vai trăm đường nó mới thành cơ sự thế.
Cũng vào lúc đó ở phía trời Âu, người Thụy Sĩ chính xác tỷ mỉ như một chiếc đồng hồ báo thức lại không quên. Họ nhớ niềm kiêu hãnh của họ dù chỉ đứng thứ nhì trong kỳ tích đạt được. Một công ty đường sắt Thụy Sĩ đã thương thảo với Cục đường sắt Việt Nam mua lại những gì còn lại của tuyến đường sắt ấy.
Một chiến dịch mang tên “Back to Swilzare Land ” ( Trở về Thụy Sĩ) được khởi động. Họ đã trở về thành công khi mang được tất cả những gì còn sót lại của con đường thần kỳ ấy về nước. Từng chi tiết phụ tùng của đoàn tầu đã hỏng, bỏ vương vãi trong kho hay vệ rừng, từng chiếc bu lông còn sót lại của đường ray đã tháo gỡ cũng được thu thập. Cái khung đầu máy hơi nước trúng mìn năm 1968 tưởng như là đống sắt vụn và 4 chiếc đầu máy hơi nước vô dụng đã được vận chuyển về Thụy Sĩ bằng đường biển , Những báu vật của họ từng làm ra bây giờ lại trở về đất nước dưới chân dẫy Alpes, câu chuyện “Châu về Hợp Phố “ thời nay được viết lại . Tất cả được mua với giá hơn giá sắt vụn một chút. Sự thần kỳ được lập lại chỉ sau mấy năm, hai đầu máy hơi nước cổ đã được phục hồi hoàn hảo. Cung đường chỉ có 25 km đường răng cưa của Thụy Sĩ đã sống lại. Bây giờ đã trở thành cung đường sắt có đường răng cưa độc nhất vô nhị trên thế giới.
Chỉ khác một điều mẩy chục năm trước, các đầu máy lấm bụi cát đỏ Tháp Chàm và vương đẫm hương hoa Đà Lạt, thì giờ đây nó lấy lại dáng vẻ tinh khôi, kiêu hãnh rúc những hồi còi phả hơi nước trắng xoá trong mưa tuyết Bắc Âu chào đón khách viễn du vượt đèo Furka trong dãy Alpes về miền cổ tích.
Còn chúng ta, một dự định khác cho tuyến đường sắt huyền thoại Tháp Chàm – Đà Lạt đang được ấp ủ. Người ta sẽ hạ thấp các cung đường có độ dốc cao, bỏ thanh ray răng cưa chạy uốn song song giữa hai ray truyền thống. Các đầu máy chạy dầu hoặc chạy điện có sức kéo lớn hiện nay đủ lực đưa đoàn tầu vượt đèo Ngoạn Mục, đèo Đ’Ran. Các ga trên toàn tuyến với những phong cách kiến trúc cũ từng vang bóng một thời sẽ được hồi sinh gợi lại đầy đủ vẻ đẹp Đông Dương ngày nào.
Để về được thương nhớ xưa, các đầu máy sẽ được thiết kế vỏ bên ngoài như những đầu máy hơi nước thế hệ HG 3/3 của Thụy sĩ hay HG 4/4 của Đức chuyên chạy trên đường sắt răng cưa leo núi được sán xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Hoả xa Đông Dương nay đã lùi về quá khứ của lịch sử, không còn đâu chế tạo nữa. Một cái két nước sôi cao áp tạo hơi phả những đụn khói trắng hơi nước cùng với tiếng còi lại làm choàng tỉnh rừng xưa. Cái vương miện hào quang bằng hơi nước của thiết lộ này sẽ được chế tác nhưng chỉ là đồ Mỹ ký.
Chàng dũng sĩ Chu Ru nay mặc quần bò Levis lại có thể vượt cầu D’ran- Đa Nhim, vượt cầu Tân Mỹ qua sông Cái thong thả rúc những hồi còi chào thung lũng Ninh Sơn vàng cánh đồng lúa về với Tháp Chàm kỳ bí.
Một dự án mà tiền bạc có thể rất lớn lên đến trên dưới 20.000 tỷ đồng đang được thúc đẩy với hy vọng lấp đầy thương nhớ xưa trong thập kỷ tới.
Rồi đêm nào tại ga Eo Gió ào ạt gió gào thét ta lại nghe thoảng giai điệu của Trịnh ca- “Vết lăn trầm” từ cây ghi ta gỗ và hương cà phê Cầu Đất vẫn quyến rũ kẻ lữ hành đơn độc. Các trạm ga ngày ấy lại dập dìu khách lãng du. Những Tháp Chàm Sông Pha, Eo Gió, Đơn Dương, Trạm Hành, Đa Thọ, Cầu Đất, Trại Mát, hát lại bài hát của những đôi tình nhân xưa cũ mang nắng từ biển xanh ngợp sóng đến Thung lũng ngàn hoa.
Đà Lạt mùa này hoa vẫn thắm. Sương vẫn vương làm nắng thông xanh nõn nà. Nhưng từ sâu thẳm, đời ta vẫn lỡ chuyến tầu xưa về thương nhớ, để lòng mưa giăng mắc đến giờ.
02/2021
Tác giả: Hoàng Gia Điền