Bố tôi chỉ là một thày giáo bình thường, một người đàn ông giản dị, nhưng với tôi, bố là cả bầu trời, là cả thế giới.
Bố là người thày đầu tiên, người có ảnh hưởng lớn nhất tới tôi cả về tư tưởng, tri thức, thói quen, quan niệm sống…
Lúc tôi còn nhỏ như các con tôi bây giờ, bố luôn là người chỉ dẫn tôi khám phá thế giới. Thế giới của tôi khi ấy xoay quanh góc sân, khu vườn, bờ ao nhà mình, cánh đồng làng mình… Tôi biết phân biệt tất cả các loài cây, con… có trong thế giới ấy. Biết rau này rau kia, biết con rắn khác con lươn, con lươn khác con chạch như thế nào, biết phân biệt các loài cá qua hình dáng, đầu, vảy… của chúng… Biết mỗi lần bố làm cá hay làm thịt gà thì đi lấy muối, bóc hành, hái lá chanh…
Bố tôi hay đọc sách. Thời trẻ, bố tôi thi khối A vào đại học. Rồi vì đủ nguyên do, bố tôi không được chọn trường mình học, dù thừa điểm. Cuối cùng bố tôi đi học sư phạm, đó là lựa chọn cuối cùng. Vì bố thích đọc, quý sách nên từ khi biết đọc chữ là chúng tôi có sách để đọc. Tôi lớn lên từ thế giới ấy, quen thuộc với hình ảnh bố nằm võng đọc sách bất kể khi nào Người có thời gian, bất kể mùa nào… Tôi phải cảm ơn bố vì những kiến thức mà tôi có, tôi nhớ được đến giờ, rất nhiều thứ là từ thế giới của bố.
Cả việc tôi học Văn cũng có dấu ấn của bố. Lúc tôi bắt đầu đi học, bố mẹ cũng hướng cho tôi học tự nhiên. Học bạ của tôi năm lớp 1, cô chủ nhiệm còn ghi: “Có năng khiếu đặc biệt về môn Toán”. Lớp 5, tôi bắt đầu rời góc sân của bố đi học trường huyện. Rồi tôi có biên chế trong lớp chuyên Toán đến hết cấp 2. Đến cấp 3, không hiểu sao mẹ tôi lại làm hồ sơ cho tôi thi chuyên Văn. Thực ra, năm đó, tôi thi cả chuyên Pháp. Tôi hào hứng với chuyên Pháp hơn vì từ bé tôi đã có một giấc mơ Paris, nhưng tôi rớt chuyên Pháp cái bịch. Nào ai học được chữ ngờ! Khi lấy học bạ cấp 3, tôi thấy cô chủ nhiệm 12 ghi “Học tốt các môn, nhất là các môn xã hội”. Và bây giờ tôi là một giáo viên dạy Văn.
Cuốn tài liệu môn Văn đầu tiên tôi có là bố mua cho tôi hồi lớp 5. Đó là cuốn “Những bài văn đoạt giải quốc gia bậc Tiểu học”. Những tài liệu khác mà tôi có nằm trong giá sách của bố, có khi là giáo trình cao đẳng, đại học, có khi là những tác phẩm văn học – phần thưởng bố được nhận trong những năm học cấp 3, có khi là sách của những tác giả mà bố thích… Bố tôi không phải là giáo viên dạy Văn. Sách của bố có đủ thể loại, từ “Sức khỏe bốn mùa”, “Vật lí trong thế giới sinh học” đến “Lịch sử thế giới”, “Những lục địa trôi dạt về đâu” đến “Vũ trung tùy bút”, thơ Nguyễn Trãi, Tản Đà, Nguyễn Bính,… Cả kho tàng tri thức nằm trong những trang sách nâu vàng. Khoảng lớp 4, tôi đọc tuyển tập Nguyễn Tuân, chả nhớ gì, chỉ nhớ món kẹo mạch nha bọc đá cuội!
Năm tôi học lớp 7 (1997-1998), bố mang về cho tôi mấy quyển “Văn học tuổi trẻ”, tôi mê lắm.
Khi tôi học lớp 12, mẹ tôi bảo bố mẹ mong trong ba chị em tôi, có một đứa học sư phạm. Tôi nhớ có lần bố nói: “Trong đời đi dạy, bố đã dạy hầu hết các môn, chỉ môn Văn là bố chưa dám dạy thôi. Không phải ai cũng dạy Văn được” (có thời các trường bố tôi từng dạy thiếu giáo viên nhiều lắm, có bác học sư phạm Sinh – Địa với bố mẹ tôi ra trường dạy Hóa đến lúc về hưu luôn). Tôi chọn sư phạm Văn là vì thế.
Bố là người luôn ủng hộ các quyết định của tôi. Cấp 3, tôi đi học trọ. Chỉ lần đầu tiên, trước khi nhập học lớp 10, bố xuống thành phố trước, tìm phòng ở, mua bếp, nồi, bát đũa sẵn cho tôi. Những lần chuyển nhà sau, tự tôi tìm lấy, chuyển lấy. Rất hiếm khi bố đi đón tôi, hoặc là tôi tự đạp xe hoặc tự bắt xe ca về, càng không có chuyện tự nhiên đi thăm tôi. Năm lớp 11, nhận tiền học bổng, tôi đã tự đi mua một chiếc xe đạp. Tôi chọn màu xanh cô ban đậm, mẹ tôi bảo màu đó hơi tối, bố tôi nói màu đó sạch, lâu cũ. Lớp 12, thấy tôi đi thi tỉnh, mẹ tôi bảo đừng theo đội tuyển nữa, rớt như năm lớp 11 thì quay lại ôn thi đại học không kịp. Bố tôi bảo: Con thích thì con cứ thi. Rồi tôi bỏ môn Địa (môn tôi đã thi năm lớp 11) vào phút chót, chọn thi vòng 2 môn Văn, mẹ tôi càng hốt hoảng. Bố tôi bảo: “Kệ hắn”. Tới khi tôi đi làm, kết hôn, bố luôn âm thầm ủng hộ tôi. Lúc tôi chuẩn bị sinh em bé đầu tiên, vợ chồng tôi nhờ mẹ tôi vào giúp đỡ. Mẹ tính tới sát ngày dự sinh của tôi mới vào. Bố thì bảo: “Thôi, mẹ mi vô trước đi cho có thời gian chuẩn bị. Con hắn cần mình lúc này hắn ví phải nhờ!”. Thế là mẹ lại thu xếp vào sớm hơn dự tính hai tuần.
Bố tôi không phải là kiểu ông bố viết tâm thư này kia nọ cho con. Hồi nhỏ, tôi bị bố đánh suốt. Nhà tôi toàn người đi xa nên với bố, trừ khi có chuyện, còn không, bình thường thì không cần gọi điện, nhắn tin gì cả. Bố không bao giờ can thiệp vào những chuyện riêng tư của con cái, bố cho chúng tôi quyền TỰ CHỌN và TỰ CHỊU.
Bố tôi không phải kiểu người cố làm hài lòng tất cả mọi người. Bố là người dạy cho chúng tôi biết tự lo cho cuộc sống của mình, biết trân trọng tình bạn, biết thấy đúng thì nói là đúng, thấy sai thì bảo là sai, biết có nhiều điều đáng quý hơn tiền bạc, địa vị, biết sống với những giá trị mình lựa chọn, dù nhiều khi sự lựa chọn đó không giống những người khác…
Mỗi khi dạy “Chữ người tử tù”, nói tới kiểu nhân vật tài hoa bất đắc chí của Nguyễn Tuân, tôi thường nghĩ đến bố. Khi dạy “Chiếc thuyền ngoài xa”, tới câu hỏi của Đẩu: “Sao không lên bờ mà ở?”, tôi lại nhớ tới bố. Nhiều người cũng từng hỏi bố: “Sao không ra phố mà ở?”, bố chỉ nói bố không hợp. Đặc biệt, quan niệm sống của nhân vật bà Hiền trong “Một người Hà Nội” và nhân vật hồn Trương Ba trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” càng khiến tôi nghĩ ngay tới bố.
Bố cũng dạy cho chúng tôi hiểu rằng sự hài hước rất cần trong cuộc sống. Có hồi, cán bộ xã cứ động viên bố nhận danh hiệu “Gia đình hiếu học”, bố tôi bảo: “Nhà tôi đúng là có cháu Hiếu, cháu Hiếu đúng là đang đi học, nhưng thôi, anh để cho nhà khác nhận đi”. Bố dạy chúng tôi: “Trước khi là ông nọ ông kia, thì phải là ÔNG NGƯỜI cho ra hồn cái đã!”…
Bố tôi vẫn hay nói, cả đời bố chẳng có tài sản gì đâu, có mỗi ba đứa con gái thôi! Trong đó, tôi là đứa ăn học tốn cơm của bố mẹ nhiều nhất, giờ đến tuổi tam thập nhi lập rồi cũng vẫn ăn hại. Cũng may, chị em tôi không đến nỗi làm cho bố mẹ “vỡ mày vỡ mặt”.
Bố không hay thể hiện tình cảm dành cho chị em tôi rõ rệt ra bề ngoài, nhưng chúng tôi luôn biết dù như thế nào thì bố mẹ vẫn luôn nghĩ cho chúng tôi. Có những lúc cuộc sống riêng của chúng tôi trắc trở, bố chỉ nói: “Nhà của bố mẹ vẫn là nhà của con. Về nhà với bố!” Chỉ câu nói đó thôi mà chị em tôi đứa nào cũng khóc.
Đời người giống như một cuộc trả nợ – món nợ mà người ta vẫn gọi là nợ đồng lần. Chúng ta vay của cha mẹ và trả cho con cái! Khi làm cha mẹ rồi ta mới biết làm cha mẹ là việc khó nhất trên đời! Tôi càng biết ơn và cảm phục bố mẹ hơn. Bố mẹ vẫn là tấm gương cho chúng tôi soi vào để hoàn thiện mình hơn. Chúng tôi hiểu rằng, có nhiều điều dù có cố gắng bao nhiêu, chúng tôi cũng không thể làm tốt bằng bố mẹ mình được.
Tôi vẫn chờ đợi mỗi dịp nghỉ hè để về thăm bố mẹ. Mùa hè năm nay, dịch bệnh đã khiến đường về nhà của tôi xa hơn, dài hơn. Khi chúng tôi đã đủ lớn để mong bé lại, chúng tôi thấm thía “ngoài kia thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình” thì chữ “nhà” lại càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Bố, bố là bầu trời, bố là quê hương… của con…
Tác giả: Lưu Mai Tâm